Thẩm quyền chứng thực chữ ký trong các văn bản có tiếng nước ngoài, song ngữ (tiếng Việt – tiếng nước ngoài) được quy định tại Điểm b Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Thẩm quyền chứng thực chữ ký
Theo đó, Phòng Tư pháp và UBND xã, phường đều có thẩm quyền như nhau trong việc “Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản”. Và theo hướng dẫn tại Công văn số 1352/HTQTCT-CT ngày 10/3/2015 của Bộ Tư pháp về việc triển khai thực hiện Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thì đối với thẩm quyền chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản: Phòng Tư pháp và UBND cấp xã có thẩm quyền chứng thực như nhau, không phân biệt ngôn ngữ của giấy tờ văn bản.
Như vậy, theo Nghị định 23/2015/NĐ-CP và Công văn 1352 của Bộ Tư pháp thì UBND cấp xã có thẩm quyền chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản bằng tiếng VIệt, tiếng nước ngoài, văn bản song ngữ. Trước đây theo Nghị định 79/2007/NĐ-CP thì UBND cấp xã chỉ có thẩm quyền chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt.
Thực tế có trường hợp công dân yêu cầu chứng thực chữ ký bằng tiếng nước ngoài nhưng cán bộ tiếp nhận không rõ nội dung thì có quyền từ chối hay không?
Theo quy định tại Điều 8 của Thông tư 20/2015/TT-BTP (nay là Thông tư 01/2020/TT-BTP có hiệu lực 20/4/2020) của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, thì:
Khi chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài, nếu người thực hiện chứng thực không hiểu rõ nội dung của giấy tờ, văn bản thì có quyền yêu cầu người yêu cầu chứng thực nộp kèm theo bản dịch ra tiếng Việt nội dung của giấy tờ, văn bản đó. Bản dịch giấy tờ, văn bản không phải công chứng hoặc chứng thực chữ ký người dịch; người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về nội dung của bản dịch.
Và tại Khoản 5 Điều 9 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì người thực hiện chứng thực có quyền: Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin cần thiết để xác minh tính hợp pháp của giấy tờ, văn bản yêu cầu chứng thực.
(Chứng thực chữ ký hay chứng thực chữ ký người dịch trong giấy tờ song ngữ)
Như vậy, theo Nghị định 23 và Thông tư 20/2015/TT-BTP (nay là Thông tư 01/2020/TT-BTP) thì khi không rõ nội dung văn bản, người có thẩm quyền chứng thực có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân dịch văn bản, cung cấp thông tin để xác định tính hợp pháp của giấy tờ, văn bản yêu cầu chứng thực chữ ký.
Tuy nhiên, trong trường hợp cá nhân, tổ chức yêu cầu chứng thực chữ ký không chấp hành yêu cầu của người có thẩm quyền chứng thực, cụ thể không dịch văn bản yêu cầu chứng thực chữ ký thì người có thẩm quyền chứng thực, cụ thể là UBND cấp xã có quyền từ chối chứng thực chữ ký trong văn bản, giấy tờ bằng tiếng nước ngoài đó không?
Không được từ chối
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 9 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì người yêu cầu chứng thực có quyền Từ chối chứng thực trong các trường hợp quy định tại các Điều 22, 25 và Điều 32 của Nghị định 23/2015/NĐ-CP.
(Một số hạn chế về chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng giao dịch)
Căn cứ vào Điều 22, 25 và Điều 32 thì không có quy định người có thẩm quyền chứng thực có quyền từ chối trường hợp cá nhân, tổ chức không dịch văn bản theo yêu cầu của người có thẩm quyền chứng thực để thực hiện chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài. Quy định trên gây khó khăn cho người có thẩm quyền chứng thực, vì nếu từ chối chứng thực chữ ký thì không đúng quy định mà chứng thực chữ ký thì không rõ nội dung văn bản là gì, rủi ro rất cao.
Thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần sớm bổ sung quy định người có thẩm quyền chứng thực có quyền từ chối chứng thực chữ ký nếu cá nhân,tổ chức không dịch văn bản sang tiếng Việt theo yêu cầu.
Phương Thảo