Chứng thực chữ ký hay chứng thực chữ ký người dịch trong giấy tờ song ngữ

Thời gian qua một số người dân đem các giấy tờ do mình tự lập gồm 2 thứ tiếng (song ngữ), tiếng Việt và tiếng nước ngoài (một dòng tiếng Việt rồi đến dòng tiêng nước ngoài) đến yêu cầu UBND cấp xã chứng thực chữ ký của mình trong giấy tờ đó. Trường hợp trên có được chứng thực chữ ký hay không hay là buộc phải chứng thực chữ ký của người dịch, hiện vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau.

Quy định về chứng thực chữ ký

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, thì: “Chứng thực chữ ký” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực.

Vướng mắc trong chứng thực chữ ký giấy tờ, văn bản song ngữ
Vướng mắc trong chứng thực chữ ký giấy tờ, văn bản song ngữ

Và khoản 3 Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định:  Chữ ký được chứng thực theo quy định tại Nghị định này có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản.

Về thẩm quyền chứng thực chữ ký

– Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 5 Nghị định 23 thì UBND cấp xã có thẩm quyền:  Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản, trừ việc chứng thực chữ ký người dịch.

Nghị định 23 chỉ quy định chung là chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản không phân biệt là tiêng Việt hay tiếng nước ngoài nên một số ý kiến cho rằng: khi người dân đem giấy tờ, văn bản vừa có tiếng Việt, vừa có tiếng nước ngoài tới yêu cầu chứng thực chữ ký thì UBND cấp xã căn cứ theo điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định 23 để chứng thực chữ ký cho người dân.

(Hướng dẫn xác nhận sơ yếu lý lịch, hạnh kiểm cá nhân để xin việc)

– Bên cạnh đó, theo Điều 25 Nghị định 23 thì  những Trường hợp không được chứng thực chữ ký gồm:

“1. Tại thời điểm chứng thực, người yêu cầu chứng thực chữ ký không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.

2. Người yêu cầu chứng thực chữ ký xuất trình Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu không còn giá trị sử dụng hoặc giả mạo.

3. Giấy tờ, văn bản mà người yêu cầu chứng thực ký vào có nội dung quy định tại Khoản 4 Điều 22 của Nghị định này  (Bản chính có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân.).

4. Giấy tờ, văn bản có nội dung là hợp đồng, giao dịch, trừ các trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 24 của Nghị định này hoặc trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Như vậy, theo Điều 25 thì việc công dân yêu cầu chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản song ngữ không thuộc trường hợp từ chối chứng thực chữ ký.

Slide bài giảng Nghị định 23.2015 về chứng thực
Thẩm quyền chứng thực chữ ký

Do đó, căn cứ theo điểm b Khoản 2 Điều 5  và Điều 25 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì UBND xã có quyền chứng thực chữ ký trong các văn bản, giấy tờ, không phân biệt là tiếng Việt hay tiếng nước ngoài, đơn ngữ hay song ngữ.

Phải yêu cầu chứng thực chữ ký người dịch

Quan điểm của trangtinphapluat.com cho rằng trường hợp giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập mang tính chất song ngữ thì không thuộc trường hợp chứng thực chữ kỹ mà thuộc trường hợp chứng thực chữ ký của người dịch, vì thực tế người dân tự viết và dịch ra một ngôn ngữ khác nên phải căn cứ vào thủ tục chứng thực chữ ký của người dịch để thực hiện chứng thực.

Về tiêu chuẩn, điều kiện người dịch

– Tại Điều 27 Nghị định 23/2015/NĐ-CP đã quy định rõ tiêu chuẩn, điều kiện người dịch: Đó là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có bằng cử nhân ngoại ngữ trở lên về thứ tiếng nước ngoài cần dịch hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên đối với thứ tiếng nước ngoài cần dịch…

(Thẩm quyền chứng thực chữ ký tiếng nước ngoài và một số vướng mắc)

 – Và theo Khoản 2 Điều 10 Thông tư 20/2015/TT-BTP hướng dẫn Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì: Phòng Tư pháp chỉ chứng thực chữ ký người dịch không phải là cộng tác viên của Phòng Tư pháp khi người đó tự dịch giấy tờ, văn bản phục vụ mục đích cá nhân của họ. Trường hợp dịch giấy tờ, văn bản cho người khác, kể cả người thân thích trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hoặc dịch có thù lao theo thỏa thuận với cá nhân, tổ chức thì phải do người dịch là cộng tác viên của Phòng Tư pháp thực hiện.

Như vậy, theo Nghị định 23 và Thông tư 20 thì việc dịch văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc tiếng nước ngoài sang tiếng Việt thì phải chứng thực chữ ký và người yêu cầu chứng thực phải thỏa mãn các điều kiện nhất định như có bằng cử nhân hoặc tốt nghiệp đại học trở lên đối với tiếng nước ngoài cần dịch…Và chỉ khi tự dịch giấy tờ cho mình thì người đó mới được tự dịch và yêu cầu Phòng Tư pháp chứng thực chữ ký, trường hợp dịch cho người khác phải là cộng tác viên của Phòng Tư pháp.

(Một số hạn chế về chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng giao dịch)

– Tại điểm b Khoản 2 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP cũng quy định rõ UBND cáp xã không được chứng thực chữ ký người dịch.

Căn cứ vào các quy định nêu trên, trangtinphapluat.com cho rằng trường hợp công dân yêu cầu chứng thực chữ ký trong các giấy tờ song ngữ thì UBND cấp xã nên từ chối chứng thực chữ ký và hướng dẫn người dân thực hiện chứng thực chữ ký người dịch tại Phòng Tư pháp.

Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc về việc chứng thực chữ ký hay chứng thực chữ ký người dịch trong giấy tờ, văn bản song ngữ do người dân tự lập. Ý kiến vui lòng để ở mục bình luận bên dưới bài viết.

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *