Trangtinphapluat.com tổng hợp, biên soạn giới thiệu tới bạn đọc các văn bản quan trọng được ban hành từ ngày 08/10/2018 đến 14/10/2018 như: Quy định đào tạo nghề luật sư, xử phạt hành chính kinh doanh đa cấp, miễn nghĩa vụ quân sự…
1. Những trường hợp không được miễn đào tạo nghề luật sư
Ngày 08/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 137/2018/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật luật sư, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/11/2018.
Theo đó những trường hợp sau không được miễn đào tạo nghề luật sư
Đối với những người đã bị xử lý hình sự hoặc xử lý kỷ luật đến mức cách chức chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, kiểm tra viên, thẩm tra viên; tước danh hiệu công an nhân dân, tước quân hàm sĩ quan quân đội nhân dân; tước học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật hoặc đã bị thu hồi quyết định bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật thì không được miễn đào tạo nghề luật sư, miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại Điều 13 và Điều 16 của Luật Luật sư.
- Có bằng trung cấp luật được dạy lý thuyết lái xe
Ngày 08/10/2013, Chính phủ ban hành Nghị định 138/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 65/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe, theo đó tiêu chuẩn giáo viên dạy lái xe ô tô như sau:
– Giáo viên dạy lý thuyết phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành luật, công nghệ ô tô, công nghệ kỹ thuật ô tô, lắp ráp ô tô hoặc chuyên ngành khác có nội dung đào tạo chuyên ngành ô tô chiếm 30% trở lên. Riêng giáo viên dạy môn Kỹ thuật lái xe phải có giấy phép lái xe tương ứng hạng lái xe trở lên.
– Giáo viên dạy thực hành lái xe phải có các tiêu chuẩn cụ thể như:
+ Có giấy phép lái xe tương ứng hoặc cao hơn hạng xe đào tạo nhưng không thấp hơn hạng B2;
+ Giáo viên dạy các hạng B1, B2 phải có giấy phép lái xe từ 03 năm trở lên, kể từ ngày trúng tuyển; giáo viên dạy hạng C, D, E, F phải có giấy phép lái xe từ 05 năm trở lên, từ ngày trúng tuyển;
+ Đã qua tập huấn nghiệp vụ dạy thực hành lái xe và được cấp Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe.
Cả giáo viên dạy lý thuyết và thực hành lái xe đều phải đáp ứng tiêu chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ sơ cấp theo quy định về giáo dục nghề nghiệp.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/12/2018.
- Rút ngắn thời gian cấp phép lao động cho người nước ngoài
Ngày 08/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 140/2018/NĐ-CP, Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Trong đó, với thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Nghị định 11/2016/NĐ-CP, Nghị định mới đã có những điều chỉnh như sau:
– Rút ngắn thời gian cấp giấy phép từ 07 ngày làm việc xuống còn 05 ngày làm việc, kể từ ngày Sở Lao động Thương binh và Xã hội nhận đủ hồ sơ.
– Hồ sơ xin cấp phép lao động chỉ còn yêu cầu bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị, không yêu cầu phải chứng thực như trước đây.
– Thêm trường hợp tiếp nhận người lao động nước ngoài là thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần; thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam làm việc sau khi được Bộ Ngoại giao cấp phép thì người sử dụng lao động không phải xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.
- Mức phạt tiền đối với hành vi bán hàng đa cấp bất chính
Hành vi bán hàng đa cấp bất chính bị xử lý theo Điều 36 Nghị định 71/2014/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh được sửa đổi theo Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 141/2018/NĐ-CP của Chính phủ : Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, cụ thể:
Phạt tiền từ 80 đến 100 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau đây:
– Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;
– Yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;
– Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó;
– Từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng;
– Cung cấp thông tin gian dối về kế hoạch trả thưởng, về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
– Cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của hàng hóa hoặc hoạt động của doanh nghiệp thông qua báo cáo viên, đào tạo viên tại hội nghị, hội thảo, đào tạo hoặc thông qua tài liệu của doanh nghiệp;
– Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ mua lại hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Phạt tiền gấp 2 lần vi phạm nêu trên trong trường hợp vi phạm được thực hiện tại địa bàn 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
- Bỏ quy định không được uống rượu trong phòng karaoke
Ngày 09/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 142/2018/NĐ-CP sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Theo Nghị định này, điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke đã được nới lỏng hơn so với trước đây. Cụ thể, Nghị định bãi bỏ một loạt các quy định liên quan đến vấn đề này tại Nghị định số 103/2009/NĐ-CP như:
– Đảm bảo ánh sáng trong phòng trên 10 Lux tương đương 01 bóng đèn sợi đốt 40W cho 20m2;
– Không được bán rượu hoặc để cho khách uống rượu trong phòng karaoke;
– Đảm bảo âm thanh vang ra ngoài phòng karaoke không vượt quá quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn mức ồn tối đa cho phép;
– Cửa phòng karaoke phải là cửa kính không màu, bên ngoài nhìn thấy toàn bộ phòng…
Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh karaoke vẫn phải đảm bảo các quy định về sử dụng các bài hát được cho phép và không được hoạt động trong khoảng thời gian từ 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 09/10/2018.
6. Quy định mới về các trường hợp được tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ
Các trường hợp được tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ được quy định tại Thông tư 148/2018/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định về tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, có hiệu lực thi hành tư ngày 20/11/2018, cụ thể:
+ Tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với những công dân sau đây:
– Chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe.
– Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) xác nhận.
– Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%.
– Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
– Người thuộc diện di dân, giãn dân trong 03 năm đầu đến các xã đặc biệt khó khăn theo dự án phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên quyết định.
– Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.
– Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.
+ Miễn gọi nhập ngũ đối với những công dân sau đây:
– Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một.
– Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ.
– Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
– Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân.
– Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.
Rubi