Chứng thực văn bản di sản thừa kế có phải niêm yết 15 ngày?

1. Hiện nay, thành phần hồ sơ của thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP bao gồm:

– Dự thảo hợp đồng, giao dịch;

– Bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng của người yêu cầu chứng thực;

– Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó.

Thẩm quyền chứng thực văn bản nhận di sản thừa kế
Chứng thực văn bản thừa kế có phải niêm yết 15 ngày?

Tuy nhiên, với thành phần hồ sơ quy định như trên gây khó khăn trong quá trình thực hiện, chẳng hạn: Đối với trường hợp chứng thực các văn bản thỏa thuận phân chia/văn bản khai nhận/văn bản từ chối nhận di sản, nếu không quy định xuất trình giấy tờ chứng minh mối quan hệ giữa người để lại di sản và những người thừa hưởng di sản hoặc giấy chứng tử/trích lục khai tử của người để lại di sản thì hồ sơ yêu cầu chứng thực chưa được chặt chẽ, dễ bỏ sót người thừa hưởng di sản.

2. Nghị định số 23/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định thủ tục niêm yết đối với các trường hợp chứng thực về văn bản khai nhận di sản thừa kế, văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.

Trong khi đó, Luật Công chứng năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định đối với loại việc này phải có niêm yết trong thời gian 15 ngày, nên một số địa phương còn lúng túng khi thực hiện, nhất là đối với các yêu cầu chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản có giá trị lớn hoặc tài sản chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng theo quy định pháp luật.

(Những điểm mới của Thông tư 01/2020/TT-BTP về hướng dẫn NGhị định 23/2015/NĐ-CP về chứng thực)

Đề nghị Bộ Tư pháp bổ sung quy định về thủ tục và thời hạn niêm yết đối với các trường hợp chứng thực về văn bản khai nhận di sản thừa kế, văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế .

Trả lời:

Công chứng và chứng thực hợp đồng, giao dịch là hai việc khác nhau. Công chứng là việc xác nhận tính xác thực và tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; công chứng viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình, bồi thường thiệt hại do mình gây ra trong quá trình hành nghề công chứng nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.

Chứng thực là việc xác thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; người yêu cầu chứng thực phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch. Do đó, không nhất thiết phải quy định bổ sung về thủ tục niêm yết hay các giấy tờ mà người dân phải nộp giống như khi yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch.

 Vì vậy, khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu chứng thực hợp đồng, giao dịch, cơ quan thực hiện chứng thực phải tuyên truyền, giải thích cho người yêu cầu chứng thực về sự khác nhau và hệ quả pháp lý giữa công chứng và chứng thực.

Rubi

Trích từ Bản tổng hợp trả lời kiến nghị địa phương 6 tháng đầu năm 2020 của Bộ Tư pháp

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *