Ngày 02/7/2020, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn 692/HTQTCT-CT về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư 01/2020/TT-BTP của Bộ Tư pháp hướng dẫn Nghị định 23/2015/NĐ-CP.
Trangtinphapluat.com giới thiệu toàn văn để bản đọc tham khảo áp dụng vào công việc:
1. Về người tiếp nhận hồ sơ chứng thực tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 43 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì: công chức Tư pháp – hộ tịch giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các nhiệm vụ về chứng thực.
Theo quy định tại khoản 6 Điều 2 Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố thì: công chức Tư pháp – hộ tịch là người trực tiếp thực hiện công tác chứng thực.
Khi thực hiện các thủ tục chứng thực tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông, người tiếp nhận hồ sơ cần có đủ trình độ chuyên môn để kiểm tra hồ sơ, tính xác thực về chữ ký, sự minh mẫn, nhận thức, làm chủ được hành vi và tự nguyện giao kết hợp đồng, giao dịch của người yêu cầu chứng thực, các nội dung của văn bản, tài liệu, hợp đồng không trái với quy định pháp luật và không thuộc trường hợp không được chứng thực.
Theo đó, tại Điều 8 Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03/3/2020 đã quy định người tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông là công chức của Phòng Tư pháp, công chức tư pháp – hộ tịch của UBND cấp xã. Quy định này giúp quản lý nhà nước về công tác chứng thực đạt hiệu quả cao, đồng thời bảo đảm quyền lợi cho người dân khi tham gia giao dịch.
2. Về việc ký từng trang trong hợp đồng, giao dịch
Khoản 2 Điều 20 Thông tư số 01/2020/TT-BTP quy định khi thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông thì “Người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ, hồ sơ. Nếu thấy đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 36 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, thì ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch trước khi người có thẩm quyền thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch theo quy định.”
Theo quy định này thì khi thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết hồ sơ chứng thực, ngoài việc người yêu cầu chứng thực ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch thì người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch, sau đó trình người có thẩm quyền thực hiện chứng thực ký chứng thực. Người thực hiện ký chứng thực không phải ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch.
3. Về lời chứng chứng thực hợp đồng, giao dịch trong trường hợp cần người làm chứng, người phiên dịch
Vấn đề người làm chứng chỉ đặt ra trong trường hợp chủ thể giao kết hợp đồng không thể tự mình thể hiện ý chí (không đọc được, không nghe được, không ký, không điểm chỉ được) và người phiên dịch trong trường hợp người yêu cầu chứng thực không thông thạo tiếng Việt khi tham gia giao kết hợp đồng.
Trong một hợp đồng, giao dịch người làm chứng/người phiên dịch chỉ ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch và trang cuối của hợp đồng, giao dịch thì người làm chứng/người phiên dịch ký và ghi rõ họ tên.
Khi thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch cần có người làm chứng/người phiên dịch thì cơ quan thực hiện chứng thực yêu cầu người này cung cấp giấy tờ tùy thân và photo để bổ sung vào hồ sơ hợp đồng, giao dịch.
Trường hợp người yêu cầu chứng thực hợp đồng, giao dịch không ký được và cũng không điểm chỉ được thì cơ quan thực hiện chứng thực ghi rõ họ và tên của người đó vào trang cuối của hợp đồng, ghi người yêu cầu “không ký, điểm chỉ được nhưng đã thông qua người làm chứng xác nhận ý chí tự nguyện vào hợp đồng, giao dịch”; sử dụng mẫu lời chứng chứng thực hợp đồng, giao dịch.
(Những điểm mới của Thông tư 01/2020/TT-BTP hướng dẫn Nghị định 23/2015/NĐ-CP về chứng thực)
Phương Thảo