Điều 37 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về chuyển đổi giới tính “Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch”. Tuy nhiên, quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 3 của Luật Hộ tịch chỉ giải quyết việc ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp “xác định lại giới tính” theo Điều 36 Bộ luật Dân sự 2015 mà không có quy định giải quyết việc thay đổi hộ tịch khi chuyển đổi giới tính.
Do vậy, có một số trường hợp cá nhân đã thực hiện chuyển đổi giới tính của bản thân khi yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch thực hiện thay đổi thông tin giới tính thì không có cơ sở để giải quyết quyền yêu cầu này của công dân.
Đề nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể vấn đề trên.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính, có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của bộ luật này và pháp luật khác có liên quan”.
Như vậy, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền chuyển giới của cá nhân, nhưng việc chuyển đổi giới tính phải được thực hiện theo quy định của Luật chuyển đổi giới tính. Luật chuyển đổi giới tính đã được giao cho Bộ Y tế tham mưu Chính phủ xây dựng trình Quốc hội nhưng chưa được ban hành, nên chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện việc chuyển đổi giới tính và hướng dẫn việc thay đổi hộ tịch đố cho người đã chuyển đổi giới tính.
Rubi
Trích từ Bản tổng hợp trả lời kiến nghị địa phương 6 tháng đầu năm 2020 của Bộ Tư pháp
Người chuyển giới còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống
Tại Việt Nam, do chưa có văn bản luật chuyên ngành quy định cụ thể về chuyển đổi giới tính nên: chưa có nghiên cứu, khảo sát một cách toàn diện, đầy đủ về bản dạng giới và người chuyển giới; chưa có bộ tiêu chí để thống kê số liệu chính xác về người chuyển giới dẫn đến việc thu thập số liệu về tỷ lệ người chuyển giới tại Việt Nam gặp khó khăn do sự kỳ thị của xã hội khiến khả năng tiếp cận tới những người chuyển giới ở vùng sâu, vùng xa cũng như hiểu biết, nhận dạng của chính người chuyển giới còn nhiều hạn chế. Xuất phát từ cơ sở pháp lý còn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, thiếu những quy định hướng dẫn thi hành dẫn đến nhận thức, quan điểm quản lý nhà nước về xác nhận lại giới tính, người chuyển giới còn chưa cởi mở nên việc xác nhận lại giới tính, người chuyển giới còn có những hạn chế, bất cập như:
(i) Cơ quan quản lý nhà nước gặp khó khăn trong việc xác định và thay đổi các giấy tờ hộ tịch cho người có yêu cầu xác nhận giới tính khác giới tính khi sinh do chưa có quy định pháp lý đầy đủ.
(ii) Người chuyển giới không có giấy tờ nhân thân đúng với giới tính mà mình mong muốn và thể hiện, bị tổn thương về tâm lý và phải hứng chịu sự kỳ thị, phân biệt đối xử của xã hội, dẫn đến rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
(iii) Không có quy trình về can thiệp y học để thực hiện chuyển đổi giới tính về mặt cơ thể.
(iv) Không có quy trình, thủ tục về chăm sóc sức khỏe đối với người chuyển giới.
(v) Người chuyển giới tại Việt Nam không được tư vấn, đánh giá, chuẩn bị đầy đủ về mặt tâm lý trước và sau khi quyết định chuyển đổi giới tính do dịch vụ không sẵn có, xuất phát từ nguyên nhân chưa có các quy định pháp luật cho việc chuyển đổi giới tính.
(vi) Nhận thức của cộng đồng chưa coi quyền công nhận giới tính khác với giới tính khi sinh là một quyền nhân thân mà người chuyển giới thường bị coi là bệnh hoạn, lệch lạc về suy nghĩ, hành vi và lối sống.
(vii) Nếu sử dụng con số trung bình thấp là 0,3% thì Việt Nam ước đoán có khoảng gần 300.000 người chuyển giới (tính đến ngày 25/11/2021, dân số Việt Nam là 98.485.682 người) , lấy con số trung bình là 0,5% thì Việt Nam có khoảng 500.000 người chuyển giới. Như vậy, có khoảng nửa triệu người chưa được bảo vệ các quyền nhân thân một cách trọn vẹn, thậm chí còn bị kỳ thị, phân biệt đối xử trong các môi trường khác nhau.
(viii) Tỷ lệ người chuyển giới đã từng kết hôn rất ít (1,4%), đa phần là độc thân, chưa từng kết hôn (96,8%); 25% số người chuyển giới tham gia khảo sát đã can thiệp y tế, 75% số người chuyển giới chưa can thiệp y tế (chưa tiêm hoóc-môn, chưa phẫu thuật…). 81,8% người chuyển giới tham gia khảo sát chưa bao giờ công khai giới tính với cộng đồng. 59,6% số người chưa từng được khám và tư vấn trước khi bắt đầu sử dụng hoóc-môn; 51,2% sử dụng hoóc-môn không rõ nguồn gốc từ những người bán hoóc-môn qua mạng Internet hoặc các nguồn tư nhân
Trích từ BÁO CÁO Thực trạng pháp luật và xã hội liên quan đề nghị xây dựng Luật bản dạng giới