Xây nhà không phép rồi chuyển nhượng – Phạt sao cho đúng?

Bạn đọc có địa chỉ mail thehu…@gmail.com gửi tới trangtinphapluat.com Nội dung: Năm 1992, ông Nguyễn Văn A được UBND huyện X cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thửa đất số 159, tờ bản đồ số 19 với diện tích 120m2, mục đích sử dụng là: Đất Ao, vườn. Năm 2005, ông A đã xây dựng nhà bê tông 3 tầng (không có giấy phép xây dựng). Năm 2023, ông Nguyễn Văn A, chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Văn B.

Nay xử phạt vi phạm hành chính với hành vi gì? và xử phạt với ông Nguyễn Văn A, ông Nguyễn Văn B?

Xin ý kiến tư vấn.

Trangtinphapluat.com trả lời như sau:

1. Căn cứ pháp luật

Luật Đất đai năm 1987; Luật Đất đai 2024

Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020

Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai

Nghị định 123/2024/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai

Tự ý chuyển mục đích sử dụng đất: Trường hợp nào được cấp giấy?
Xây nhà không phép rồi chuyển nhượng – Phạt sao cho đúng?

2. Nội dung tư vấn

2.1. Về xác định loại đất

Năm 1992, Nguyễn Văn A được UBND huyện X cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thửa đất số 159, tờ bản đồ số 19 với diện tích 120m2, mục đích sử dụng là: Đất Ao, vườn. ‘

Căn cứ vào khoản 1 Điều 8 Luật Đất đai năm 1987 thì ông Nguyễn Văn A được cấp đất nông nghiệp.

Căn cứ vào khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai năm 2024 thì ông Nguyễn Văn A được cấp giấy chứng nhận thuộc loại nhóm đất nông nghiệp.

2.2. Xử phạt hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất

Hành vi của ông Nguyễn Văn A diễn ra vào năm 2023 và đến nay vẫn còn đang diễn ra. Chính quyền mới phát hiện hành vi của A vào năm 2024, do đó căn cứ vào khoản 1 Điều 56 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì: 

“1. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.”

Hành vi của ông A theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai và Nghị định 123/2024/NĐ-CP về xử phạt hành chính lĩnh vực đất đai đều xác định là hành vi đang diễn ra.

Cụ thể, theo điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị định 123 thì: 

“b) Đối với các hành vi vi phạm hành chính không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này là hành vi đang thực hiện thì thời điểm để tính thời hiệu xử phạt là thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm.”

Đối chiếu khoản 3 Điều 3 của Nghị định 123 với hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất của ông A thì hành vi của ông A không thuộc khoản 3 Điều 3 nên được xác định là hành vi đang thực hiện. Và người có thẩm quyền phát hiện ông A vi phạm năm 2024, do đó lập biên bản hành chính và xử phạt được áp dụng theo Nghị định 123/2024/NĐ-CP.

2.3. Xử phạt đối với hành vi đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Ông Nguyễn Văn A xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, sau đó chuyển nhượng cho người khác vào năm 2023. Đối chiếu với điểm a khoản 5 Điều 5 Nghị định 123 thì:

Điểm mới của Nghị định 123/2024/NĐ-CP về xử phạt hành chính lĩnh vực đất đai
Điểm mới của Nghị định 123/2024/NĐ-CP về xử phạt hành chính lĩnh vực đất đai

“5. Việc xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp có giao dịch về chuyển quyền sử dụng đất, cho thuê, cho thuê lại, góp vốn bằng quyền sử dụng đất thực hiện như sau:

a) Trường hợp vi phạm hành chính xảy ra trước khi chuyển quyền sử dụng đất thì bên chuyển quyền sử dụng đất bị xử phạt vi phạm hành chính và phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm do mình gây ra theo quy định. Trường hợp bên chuyển quyền là tổ chức đã giải thể, phá sản, cá nhân đã chết không có người thừa kế hoặc chuyển đi nơi khác mà được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm không xác định được địa chỉ và không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì bên nhận chuyển nhượng không bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do bên chuyển quyền gây ra.

Bên nhận chuyển quyền bị xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm do mình gây ra (nếu có);”

Căn cứ vào quy định trên, thì đối tượng bị lập biên bản và xử phạt hành chính, khắc phục hậu quả là ông Nguyễn Văn A, Ông Nguyễn Văn B là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, phối hợp trong việc thực hiện biện pháp buộc khắc phục hậu quả.

Trên đây là nội dung tư vấn của trangtinphapluat.com liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *