Vướng mắc xử phạt hành chính lĩnh vực đất đai theo Nghị định 91/2019

Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có hiệu lực 05/01/2020 thay thế cho Nghị định 102/2014/NĐ-CP với rất nhiều điểm mới, khắc phục được các hạn chế của Nghị định 102/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện thì một số quy định của Nghị định 91/2019/NĐ-CP đã bộc lộ một số hạn chế gây khó khăn cho việc xử phạt vi phạm hành chính.

1.  Buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm

Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định 91 thì đối với: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để quy định mức độ khôi phục đối với từng loại vi phạm quy định tại Nghị định này.

Nghị định số 91/2019/NĐ-CP Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
Vướng mắc xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP

Đến thời điểm hiện nay theo tìm hiểu của trangtinphapluat.com thì chưa có địa phương nào quy định mức độ khắc phục hậu quả theo quy định của Nghị định 91. Như vậy, các trường hợp vi phạm phát sinh cần phải áp dụng buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm thì xử lý như thế nào cho đúng. Chẳng hạn trên đất có nhà, công trình thì khôi phục như thế nào? hay đất được san nền, đào hố…thì khắc phục như thế nào đang là vấn đề còn nhiều cách hiểu khác nhau.

(Áp dụng biện pháp buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, hiểu thế nào cho đúng)

2. Về xử phạt, khắc phục hậu quả trường hợp vi phạm xảy ra trước thời điểm có giao dịch quyền sử dụng đất

Tại điểm a khoản 4 Điều 5 Nghị định 91 quy định như sau:

4. Việc áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp có giao dịch về quyền sử dụng đất như sau:

a) Trường hp vi phạm hành chính xảy ra trước khi chuyển quyền sử dụng đất thì bên chuyển quyền sử dụng đất bị xử phạt vi phạm hành chính và phải thực hiện biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm (nếu khi xử phạt hành vi chuyển quyền buộc bên nhận chuyển quyền phải trả lại đất cho bên chuyển quyền) theo quy định. Bên nhận chuyển quyền sử dụng đất phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả còn lại đối với từng trường hợp vi phạm theo quy định.

Quy định trên hiện nay có nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau:

Thứ nhất, có ý kiến cho rằng đối với các vi phạm xảy ra trước khi chuyển nhượng thì bên chuyển nhượng phải chịu toàn bộ.

Ví dụ: A xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông ghiệp rồi chuyển nhượng cho B thì khi phát hiện vi phạm thì phải xử phạt A và buộc A phải khôi phục tình trạng ban đầu và nộp số lợi bất hợp pháp.

(Những điểm mới của Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai)

Cách hiểu này phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính, cụ thể: khoản 2 điều 2 quy định:  Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

Khoản 5 Điều 12 Luật xử lý vi phạm hành chính, nghiêm cấm: Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không kịp thời, không nghiêm minh, không đúng thẩm quyền, thủ tục, đối tượng quy định tại Luật này.

Như vậy, theo Luật thì đối tượng nào vi phạm thì phải xử phạt đối tượng đó.

Thứ hai, có ý kiến cho rằng đối với các vi phạm xảy ra trước khi chuyển nhượng thì bên chuyển nhượng phải chịu toàn bộ nếu thuộc trường hợp khi xử phạt buộc bên nhận chuyển nhượng phải trả lại đất.

Cách hiểu này dựa vào quy định trong dấu ngoặc đơn () của điểm a khoản 4 Điều 5 Nghị định 91

Ví dụ: A xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp rồi chuyển nhượng cho B mà không đủ điều kiện theo Khoản 3 Điều 18 Nghị định 91 và thuộc trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy theo điểm b, c khoản 4 Điều 18 Nghị định 91 thì buộc phải trả lại đất cho A thì xử phạt tiên A, buộc khắc phục hậu quả trả lại đất và khôi phục tình trạng ban đầu do tự ý chuyển mục đích.

Thứ 3, Cũng có ý kiến cho rằng đối với các vi phạm xảy ra trước khi chuyển nhượng thì bên chuyển nhượng phải chịu toàn bộ nếu thuộc trường hợp buộc bên nhận chuyển nhượng phải trả lại đất; trường hợp không buộc phải trả lại đất thì bên chuyển nhượng sẽ bị phạt tiền, số lợi bất hợp pháp còn bên nhận chuyển nhượng chịu biện pháp áp dụng khắc phục hậu quả. Bởi  vì công trình vi phạm khi chuyển nhượng thì bên B đã mua luôn công trình này rồi nên không thể buộc A khôi phục được mà B phải chịu khắc phục hậu quả mới phù hợp với thực tế. Nếu xử phạt vi phạm hành chính và buộc A khắc phục hậu quả thì A cũng không thể khắc phục được.

Thứ 4,  đối với các vi phạm xảy ra trước khi chuyển nhượng thì bên chuyển nhượng phải chịu toàn bộ nếu thuộc trường hợp buộc bên nhận chuyển nhượng phải trả lại đất; trường hợp không buộc phải trả lại đất thì bên nhận chuyển nhượng sẽ bị phạt tiền, số lợi bất hợp pháp, áp dụng khắc phục hậu quả. Cách hiểu này thì cứng nhắc theo ý của điểm a khoản 4 Điểu 5, tức là thuộc trướng hợp trả lại đất thì bên chuyển nhượng chịu toàn bộ, trường hợp không trả lại đất thì bên nhận chuyển nhượng chịu toàn bộ.

3. Xử phạt hành vi chuyển đối cơ cấu cây trồng trên đất lúa

Tại khoản 1 và khoản 2 Điều 13 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi:

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung tại khoản 1 Điều 1 của Nghị định số 62/2019/NĐ-CP) nhưng không đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã; Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa vi phạm điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung tại khoản 1 Điều 1 của Nghị định số 62/2019/NĐ-CP).

Tuy nhiên, khoản 1 Điều 4 của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung tại khoản 1 Điều 1 của Nghị định số 62/2019/NĐ-CP) đến nay đã bị bãi bỏ bởi khoản 2 Điều 15 Nghị định 94/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác.

Như vậy, trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa thì bị xử lý như thế nào?.

4. Chuyển mục đích sử dụng đất chưa sử dụng

Nghị định 91/2019/NĐ-CP chỉ quy định xử phạt hành vi chuyển mục đích sử dụng đất từ nhóm đất nông nghiệp, phi nông nghiệp sang nhóm đất khác, không có quy định việc xử phạt hành chính trường hợp hộ gia đình, cá nhân đã được cấp sổ đỏ, trong đó ghi đất gh/b (đất bằng chưa sử dụng) chuyển sang nhóm đất phi nông nghiệp như để xây dựng nhà ở, nhà xưởng…

Thực tiễn đã phát sinh trường hợp chuyển mục đích từ đất chưa sử dụng (đã có sổ đỏ) sang các nhóm đất khác ở khu vực nông thôn chưa có cơ sở pháp lý để xử phạt.

Trên đây là một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai. Trangtinphapluat.com sẽ tiếp tục cập nhật những vướng mắc trong thời gian tiếp theo. Bạn đọc có vướng mắc vui lòng bình luận ở dưới bài viết để chia sẻ cho mọi người nhé.

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *