Trangtinphapluat.com tổng hợp, giới thiệu tới bạn đọc những sai sót trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai theo Báo cáo 455/BC-VC2 ngày 20/4/2023 của Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao thành phố Đà Nẵng về nhận diện vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai thông qua công tác kiểm soát việc giải quyết các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên từ năm 2020-2022.
1. Vi phạm về thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai
Điển hình là vụ án: Ông Đoàn Văn Tùng khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy quyết định số 22/QĐ-UBND ngày 11/01/2019 của Chủ tịch UBND huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Hành vi của ông Đoàn Văn Tùng có dấu hiệu vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là Chủ tịch UBND xã H’Bông huyện Chư Sê, Gia Lai. Nhưng cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Chư Sê lại chuyển hồ sơ vụ án đến UBND huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Chủ tịch UBND huyện Chư Sê đã không chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cũng không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả số 22/QĐ-UBND là không đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền.
Bản kết luận điều tra số 138/KLĐT ngày 16/10/2017 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Chư Sê và Quyết định số 22/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND huyện Chư Sê đều xác định ông Đoàn Văn Tùng đã có hành vi vi phạm hành chính lấn chiếm đất quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai.
Khoản 5 Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai quy định biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 điều này là “Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm , buộc trả lại đất đã lấn, chiếm” , không có biện pháp “Buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm” như Chủ tịch UBND huyện Chư Sê đã áp dụng tại Quyết định 22/QĐ-UBND ngày 11/01/2019
Về hình thức, Quyết định 22/QĐ-UBND ngày 11/01/2019 được ban hành không đúng theo mẫu 13 ban hành kèm theo Nghị định 97/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Do đó, việc Chủ tịch UBND huyện Chư Sê ban hành quyết định áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là không đúng quy định pháp luật.
Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm tỉnh Gia Lai đã quyết định tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đoàn Văn Tùng, hủy Quyết định 22/QĐ-UBND ngày 11/01/2019 của Chủ tịch UBND huyện Chư Sê về việc áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Buộc UBND huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai và Chủ tịch UBND huyện Chư Sê thực hiện nhiệm vụ, công vụ hoàn trả cho ông Đoàn Văn Tùng 560.000.000đ.
2. UBND xử lý vi phạm hành chính đối với diện tích đất mà người bị xử phạt có quyền sử dụng hợp pháp là không đúng
Điển hình là vụ án: Người khởi kiện ông Nguyễn Chiêu và người bị kiện là Chủ tịch UBND phường 9, Chủ tịch và UBND thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Theo hồ sơ lưu giữ tại UBND phường 9 và tại văn bản số 5564/UBND ngày 16/12/2021 của UBND thành phố Tuy Hòa thể hiện: Thửa đất hiện trạng diện tích 80,3m2 ông Nguyễn Chiêu đang khiếu kiện (theo mảnh trích đo chỉnh lý bản đồ địa chính 49-2021 lập ngày 17/11/2021) có 71.7m2 thuộc một phần thửa đất số 459, tờ bản đồ số 256-C đo đạc năm 1994 và 8,6m2 thuộc một phần đường giao thông (trong đó có 0,5m2 giao nhau với diện tích 63,4m2 tại thửa đất số 2136). Căn cứ hồ sơ địa chính, hồ sơ cân đối giao đất theo Nghị định 64/CP thì thửa đất số 459, tờ bản đồ số 256-C đo đạc năm 1994 có nguồn gốc là của gia đình ông Nguyễn Chiêu sử dụng từ trước năm 1975 được UBND thị xã Tuy Hòa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 10/5/1998 có diện tích 533m2 đất sản xuất nông nghiệp.
Việc Chủ tịch UBND phường 9, Chủ tịch UBND thành phố Tuy Hòa cho rằng gia đình ông Nguyễn Chiêu lấn chiếm và xây dựng công trình tạm trên diện tích đất 80,3m2 đất do nhà nước quản lý là không có căn cứ. Chủ tịch UBND thành phố Tuy Hòa ban hành quyết định số 05/QĐ-KPHQ ngày 01/4/2021, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực quản lý đất đai đối với diện tích đất mà gia đình ông Nguyễn Chiêu đang còn quyền sử dụng đất hợp pháp là không đúng quy định pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông Nguyễn Chiêu là người được nhà nước giao quyền sử dụng đất.
Bản án hành chính phúc thẩm số 204/2022/HCPT ngày 12/8/2022 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng giữ nguyên phần quyết định của Bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Chiêu, hủy quyết định số 05/QĐ-KPHQ ngày 01/4/2021, áp dụng biện pháp khắc buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất.
3. Việc xác định hành vi vi phạm hành chính của UBND phường đối với hành vi lấn chiếm đất không đúng dẫn đến ban hành quyết định xử phạt không đúng quy định
Điển hình là vụ án: Ông Nguyễn Xuân Trung khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy Quyết định 3611/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Năm 1983, gia đình ông Trung được Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk cấp 01 thửa đất tọa lạc tại sân bay L19 cũ. Ngày 29/12/2010, UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã ban hành quyết định 3611/QĐ-XPVPHC xử phạt ông Trung về hành vi lấn chiếm đất xây dựng nhà cửa trái phép. Ngày 15/12/2017, Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã ban hành Quyết định 706/QĐ-KPHQ về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và Quyết định 3249/QĐ-CC ngày 12/6/2018 cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Sau khi có các quyết định hành chính nêu trên, ông Nguyễn Xuân Trung tự nguyện tháo dỡ công trình trái phép trả lại 230,2m2 đất cho nhà nước. Ngày 29/5/2019, UBND phường Tân Lợi tiếp tục lập biên bản vi phạm hành chính số 27/BB-VPHC về việc ông Trung có hành vi lấn chiếm 28,16m2 tại phần đất chung thuộc khu vực L4, TDP 5 phường Tân Lợi. Ngày 05/6/2019, Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã ban hành Quyết định 309/QĐ- XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính.
Trước khi lập biên bản vi phạm hành chính, UBND phường Tân Lợi chưa xác định rõ diện tích đất sử dụng hợp pháp của ông Trung là bao nhiêu trong khi đó số liệu về diện tích còn khác nhau giữa các tài liệu nên chưa có cơ sở xác định có hành vi lấn, chiếm đất hoặc tái chiếm đất. Do đó, các quyết định xử phạt ông Trung của Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột là không đúng.
4. UBND xác định hành vi vi phạm không đúng, lập biên bản vi phạm hành chính không đúng đối tượng, không đúng quy trình dẫn đến ban hành các quyết định buộc khắc phục hậu quả và cưỡng chế thi hành không đúng quy định của pháp luật
Điển hình là vụ án: Ông Nguyễn Ngọc Thịnh khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy các quyết định buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra của Chủ tịch UBND và UBND xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.
Ông Nguyễn Ngọc Sự được cha mẹ là ông Nguyễn Đình Sự và bà Trần Thị Ái tặng cho một phần diện tích đất tại thửa đất số 631, tờ bản đồ số 22 ở xã Song An. Ngày 27/7/2017, Sở TNMT tỉnh Gia Lai cấp giấy chứng nhận với diện tích 80,5m2; thửa đất số 724, tờ bản đồ số 22. Ngày 21/11/2018, Chủ tịch UBND xã Song An ban hành Quyết định 204/QĐ-NPNL về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Nguyễn Đình Sự, có nội dung buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với 35,8m2 đất. Ngày 11/01/2019, Chủ tịch UBND xã Song An ban hành Quyết định số 10/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế thi hành Quyết định 204 nêu trên. Ngày 21/5/2019, UBND xã Song An tiến hành việc cưỡng chế, chặt phá cây hoa màu mà anh Thịnh đã trồng trên đất.
Biên bản vi phạm hành chính được lập thành nhiều tờ nhưng những người ký vào biên bản đã không ký vào từng tờ là không đúng về hình thức và không giao cho người vi phạm là không đúng theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Đồng thời tại biên bản này xác định hành vi vi pham là hộ ông Nguyễn Đình Sự nhưng lập biên bản với cá nhân ông Nguyễn Đình Sự là đã không xác định rõ ràng đối tượng có hành vi vi phạm. Quyết định 204/QĐ-NPNL và Quyết định số 10/QĐ-CCXP không xác định cụ thể vị trí đất cần thực hiện buộc khắc phục hậu quả và không có sơ đồ kèm theo để mô tả vị trí đất cần cưỡng chế,
UBND xã cho rằng thửa đất 724 lấn sang phần đường đi công cộng (do nhà nước quản lý) nhưng khi xem xét thẩm định cho thấy thửa đất 724 giáp với thửa đất 598 của hộ ông Nguyễn Công Sinh. Theo các giấy chứng nhận thì giữa 2 thửa đất này không có con đường đi. Vì vậy, Chủ tịch UBND xã Song An xác định có đường đi rộng 2,8m2 giữa đất ông Sự và ông Sinh là trái với các quyết định hành chính của cơ quan cấp trên và không đúng thực tế. Mặt khác diện tích đất tại vị trí cưỡng chế đã được ông Sự tặng cho ông Thịnh (đã được cấp giấy chứng nhận), tất cả hoa màu trên đất đều do ông Thịnh trồng nhưng UBND xã lại lập biên bản và ban hành các quyết định buộc khắc phục hậu quả và cưỡng chế đối với ông Nguyễn Đình Sự là không đúng đối tượng.
5. Vi phạm trong việc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
UBND xử lý vi phạm hành chính do lấn chiếm đất đai đối với diện tích đất có đủ cơ sở xác định là của người bị xử phạt.
Điển hình là vụ Nguyễn Thanh Hải khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định số 92/QĐ-XPHC ngày 12/5/2017 của UBND huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai. Trong vụ án này, ông Hải bị xử phạt về hành vi lấn chiếm 349,4m2 đất giao thông. Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc và ông Hải đều xác định nguồn gốc đất do cha mẹ ông Hải tạo lập, sau đó cho ông Hải sử dụng từ trước 1981 và ông không lấn chiếm. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện hàm Thuận Bắc cho rằng không sử dụng sản xuất nông nghiệp trên diện tích này, từ năm 1992 trở về sau ông Hải tự nguyện làm đường và đã được hoán đổi một phần đất khác mà ông đã lấn chiếm trước đó nhưng việc lấn chiếm này UBND không có quyết định xử lý, hết thời hạn xử lý nên phải xem xét để công nhận tính hợp pháp của người sử dụng đất.
Nhận thấy việc ông Nguyễn Thanh Hải sử dụng phần đất được xác định là đường đi nhưng không kê khai đăng ký quyền sử dụng đất là có phần lỗi của ông Hải. Tuy nhiên việc gia đình ông Hải khai hoang đất như trên là phù hợp với quy định của pháp luật. UBND quy hoạch làm lộ giới công trình công cộng thì phải có hồ sơ, quyết địnhphê duyệt quy hoạch của cơ quan có thẩm quyền. Sau khi có quyết định phê duyệt quy hoạch thì phải có quyết định thu hồi đất,bồi thường. Gia đình ông Hải bỏ công ra khai phá, UBND không có quyết định thu hồi đất, bồi thường mà lại cho rằng đất này là đường giao thông nông thôn, thuộc UBND xã Hồng Sơn quản lý rồi ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Hải là không đúng quy định pháp luật
Trangtinphapluat.com đang tiếp tục cập nhật, cán bạn đón xem để biết thêm các sai sót trong quá trình xử phạt hành chính lĩnh vực đất đai