Một bạn đọc có địa chỉ mail CV….@gmail.com đề nghị trangtinphapluat.com giải đáp các tình huống sau:
1. Trường hợp, năm 2021 người dân xây dựng nhà lấn đất với diện tích 100m2 đã được UBND huyện ra Quyết định xử phạt. Tuy nhiên đên nay chưa thực hiện cưỡng chế. Năm 2023, người dân tiếp tục xây dựng trên phần đất 100m2 đó (phần đất đã ra QĐ xử phạt) như vậy trường hợp này xử lý thế nào, có tiếp tục lập BB VPHC k ( vì năm 2021 đã lập rồi)
Trả lời:
Đối với trường hợp đã lập biên bản vi phạm hành chính hành vi lấn đất theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai và đã ban hành quyết định xử phạt, quyết định cưỡng chế nhưng chưa tổ chức thực hiện mà cá nhân, tổ chức tiếp tục xây dựng trên phần diện tích đất đã lập biên bản thì đây không phải là hành vi vi phạm mới trên lĩnh vực đất đai, vì diện tích lấn đất vẫn 100m2 không thay đổi so với biên bản ban đầu và quyết định cưỡng chế đã ban hành nên trong trường hợp này người đã ban hành quyết định cưỡng chế tiếp tục ban hành thông báo để tổ chức cưỡng chế đối với toàn bộ công trình trên phần diện tích đã lấn.
2. Khi nào áp dụng Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP về lấn, chiếm và Khoản 10 Điều 16 Nghị đinh 16/2022/NĐ-CP cũng quy định về cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian. Như vậy áp dụng trường hợp nào cho đúng quy định.
Trả lời
+ Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai quy định xử phạt đối với hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và tại khoản 6 quy định: Trường hợp lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình và đất công trình có hành lang bảo vệ, đất trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão; trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các lĩnh vực chuyên ngành khác.
Như vậy, khoản 6 Nghị định 91 đã nêu rõ nếu lấn, chiếm đất trong lĩnh vực chuyên ngành thì áp dụng nghị định chuyên ngành để xử phạt. Do đó, trường hợp có hành xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ mà lấn chiếm đất của tổ chức, cá nhân, không gian công cộng thì áp dụng Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực xây dựng để xử phạt.
Còn trường hợp lấn, chiếm đất không thuộc các lĩnh vực chuyên ngành như xây dựng, đê điều…thì áp dung Nghị định 91 để xử phạt.
+ Bên cạnh đó, theo nguyên tắc áp dụng pháp luật được quy định tại khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì: Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.
Nghị định 16/2022/NĐ-CP ban hành sau Nghị định 91/2021/NĐ-CP nên nếu quy định khác nhau thì sẽ áp dụng Nghị định 16 để xử phạt.
Trên đây là giải đáp của trangtinphapluat.com liên quan đến việc trường hợp đã lập biên bản, xử phạt ban hành quyết định cưỡng chế mà tiếp tục vi phạm trên phần diện tích lấn đất đã bị xử phạt và nguyên tắc áp dụng nghị định xử phạt chuyên ngành khi 1 hành vi vi phạm quy định ở nhiều nghị định khác nhau. Các bạn có thắc mắc về xử phạt vi phạm hành chính thì gửi mail qua địa chỉ trangtinphapluat2019@gmail.com hoặc để lại bình luận ở bên dưới bài viết.
Rubi