Bạn đọc Thanh T ở địa chỉ mail Thanht….@gmail.com đề nghị trangtinphapluat.com giải đáp trường hợp cá nhân/tổ chức có hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng trước ngày 05/01/2020, ngày Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai có hiệu lực thì có bị xử phạt vi phạm hành chính hay không? Nếu phạt thì áp dụng nguyên tắc nào của pháp luật để xử phạt?, UBND cấp xã có thẩm quyền xử phạt hay không?.
Trangtinphapluat.com trả lời bạn Thanh T như sau:
1. Về hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng
Hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng theo Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai thì không có quy định xử phạt vi phạm hành chính nên theo nguyên tắc tại điểm d khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì không xử phạt đối với hành vi lấn, chiếm đất chưa sửdụng (điểm d khoản 1 Điều 3 quy định: Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định).
Đến ngày 19/11/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 91/2019/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt VPHC lĩnh vực đất đai thì tại khoản 1, khoản 5 Điều 14 đã bổ sung quy định về xử phạt đối với hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng, với mức phạt tiền đối với cá nhân từ 2 triệu đến tối đa 500 triệu đồng, với tổ chức từ 4 triệu đến tối đa là 1 tỷ đồng. Ngoài việc phạt tiền thì còn bị áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả khôi phục lại tình trạng ban đầu, buộc trả lại đất lấn, chiếm và Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng.
2. Xử phạt hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng
Đối với hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng diễn ra trước ngày 05/01/2020, ngày Nghị định 91 có hiệu lực thi hành thì vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 91, cụ thể:
– Theo khoản 4 Điều 4 Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì: Các hành vi vi phạm hành chính về đất đai quy định tại Nghị định này mà không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này được xác định là hành vi vi phạm đang được thực hiện.
(Tổng hợp những điểm mới của Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt VPHC lĩnh vực đất đai)
Hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng không có quy định tại khoản 3 Điều 4 cho nên được xác định là hành vi đang thực hiện, chưa kết thúc nên áp dụng khoản 1 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng theo Điều 14 Nghị định 91 (Khoản 1 Điều 156 quy định: Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực).
– Theo Điều 42 quy định về chuyển tiếp của Nghị định 91 không có quy định không xử phạt đối với hành vi lấn, chiếm đất xảy ra trước ngày Nghị định 91 có hiệu lực, chỉ có quy định: Trường hợp đã lập biên bản vi phạm nhưng chưa có quyết định xử phạt trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà hành vi đó không thuộc trường hợp xử phạt theo quy định tại Nghị định này thì không thực hiện việc xử phạt đối với hành vi vi phạm đó.
3. Thẩm quyền xử phạt
a) Chủ tịch UBND cấp xã có quyền xử phạt?
Theo Điều 38 Nghị định 91 thì chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền xử phạt đến 5 triệu đồng, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
(Hướng dẫn xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai của Chủ tịch UBND cấp xã)
Đối chiếu với mức phạt tiền tại Điều 14 thì chủ tịch UBND xã có thẩm quyền xử phạt hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng tại điểm a, điểm bkhoản 1, điểm a khoản 2, tuy nhiên biện pháp khắc phục hậu quả tại khoản 1, khoản 2 gồm có: buộc khôi phục tình trạng ban đầu, buộc trả lại đất, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được, trong khi đó Chủ tịch UBND cấp xã chỉ có quyền buộc khôi phục tình trạng ban đầu.
b) Chuyển hồ sơ cho Chủ tịch huyện xử phạt
Theo Khoản 6 Điều 12 Luật xử lý vi phạm hành chính thì nghiêm cấm : Áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính.
Do đó, mặc dù Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền xử phạt tiền và buộc khôi phục tình trạng ban đầu nhưng căn cứ theo Khoản 6 điều 12 thì nếu chủ tịch xã xử phạt sẽ vi phạm điều cấm của Luật XLVPHC. Do đó, trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng thì UBND cấp xã lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ cho Chủ tịch UBND cấp huyện để ban hành quyết định xử phạt và áp dụng tất cả các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Điều 14 Nghị định 91 mới đúng quy định của Luật XLVPHC.
(Hướng dẫn chuyển hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính)
Từ những quy định trên, trangtinphapluat.com cho rằng hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng trước ngày 05/01/2020 và hiện nay cá nhân/tổ chức cũng đang lấn, chiếm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai.
(Vướng mắc xử phạt hành chính lĩnh vực đất đai theo Nghị định 91/2019)
Rubi