Giải đáp về thời hiệu xử phạt, lập biên bản làm việc, biên bản xử phạt hành chính

Thông qua kênh youtube trangtinphapluat2019, trangtinphapluat.com  nhận được đề nghị giải đáp một số vướng mắc liên quan đến lập biên bản vi phạm hành chính, cụ thể câu hỏi như sau:

Câu 1. Người vi phạm buôn bán hàng hoá sai phạm nhãn từ tháng 5/2022 đến tháng 6/2023 (có hoá đơn nhập hàng từ tháng 5/2022 đến tháng 6/2023), nhưng đến tháng 7/2024 mới phát hiện vi phạm, thời hiệu xử phạt 2 năm, vậy có phải mình chỉ xử phạt vi phạm về nhãn từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, hay mình hiểu là thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là tháng 6/2023 thì là nằm trong thời hiệu xử phạt và phạt từ tháng 5/2022 đến tháng 6/2023. Lúc này mô tả thời gian, địa điểm xảy ra hành vi vi phạm hành chính thế nào?.

Trả lời: 

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả là 02 năm.

Về thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì: Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.

Thời hiệu xử phạt VPHC lĩnh vực đất đai
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

Căn cứ vào quy định trên và tình huống bạn nêu thì thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là tháng 6/2023, do đó thời hiệu để tính xử phạt vi phạm hành chính là 2 năm, tính từ tháng 6/2023-6/2025. Trong khoảng thời gian này, cơ quan có thẩm quyền có quyền lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định 17/2022/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.

Quá thời hiệu thì khắc phục hậu quả

Quá thời hạn tháng 6/2025 thì không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành hoặc tang vật, phương tiện mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt tịch thu và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với hành vi vi phạm hành chính đó.

Quyết định phải ghi rõ lý do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm và thời hạn thực hiện.

2. Mô tả trong biên bản vi phạm hành chính

Theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì biên bản vi phạm hành chính phải: Mô tả cụ thể, đầy đủ vụ việc, hành vi vi phạm.

Và tại mục số 8, biểu mẫu biên bản số 01 ban hành kèm theo Nghị định 118 hướng dẫn: Mô tả vụ việc; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm,… hành vi vi phạm cụ thể. Đối với vi phạm trên biển cần ghi rõ tên tàu, công suất máy chính, tổng dung tích/trọng tải toàn phần, địa điểm xảy ra vi phạm thuộc nội thủy/lãnh hải/vùng tiếp giáp lãnh hải/vùng đặc quyền kinh tế/thềm lục địa/các đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam và tọa độ (vĩ độ, kinh độ), hành trình của tàu.

Hướng dẫn cách mô tả hành vi vi phạm

Căn cứ vào quy định trên và tình huống thì cần ghi rõ: Vào lúc 8h00 phút ngày 01/7/2024, tại cơ sở kinh doanh của hộ gia đình ông Nguyễn Văn A, thường trú tại khối phố 1, phường X, thành phố Y, tỉnh N. Tổ kiểm tra của Thành phố do ông Trần Văn B làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra hàng hóa và phát hiện hộ gia đình ông Nguyễn Văn A buôn bán hàng hoá sai phạm nhãn từ tháng 5/2022 đến tháng 6/2023. Số lượng hàng hóa vi phạm là:…., tên hàng hóa, chủng loại….

Hướng dẫn lập biên bản vi phạm hành chính theo Nghị định 118
Mô tả hành vi vi phạm hành chính

Câu 2. Nếu người vi phạm là cá nhân, nhưng khi lập biên bản vi phạm cá nhân đó không có mặt tại thời điểm lập biên bản vi phạm mà uỷ quyền cho cá nhân khác, thì người được uỷ quyền có được ký chổ cá nhân vi phạm không, vì mẫu biên bản vi phạm hành chính không có mục người đại diện theo uỷ quyền trong biên bản, nên trong biên bản không có tên người được uỷ quyền mà lại cho ký biên bản thì có đúng không? Nếu mình vận dụng đưa người được uỷ quyền vào người chứng kiến ký biên bản vi phạm hành chính thì được không?.

Quy định về ký biên bản VPHC

Theo quy định tại khoản 4 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì:

“Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký, trừ trường hợp biên bản được lập theo quy định tại khoản 7 Điều này.

Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.”

Và theo biểu mẫu biên bản số 01 ban hành kèm theo Nghị định 118/2021/NĐ-CP thì cũng hướng dẫn cá nhân vi phạm ký, trường hợp tổ chức thì đại diện tổ chức vi phạm ký.

Cá nhân vi phạm ký biên bản VPHC

Như vậy, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 118 đã quy định cụ thể đối với cá nhân vi phạm thì cá nhân đó ký biên bản vi phạm hành chính, không quy định ủy quyền cho người khác ký thay biên bản vi phạm hành chính.

Trong tình huống bạn hỏi thì nếu có người được người vi phạm ủy quyền thì có thể mời họ ký vào người chứng kiến để  xác nhận việc cá nhân vi phạm không ký vào biên bản vi phạm hành chính.

Câu 3.  Kiểm tra tổ chức A ngày 10/6/2024 ghi nhận lấy mẫu hàng hoá đi kiểm tra chất lượng, đến ngày 25/6/2024 thì có kết quả mẫu không đạt thì mình ghi biên bản làm việc như thế nào? Khi này thời gian, địa điểm xảy ra hành vi vi phạm hành chính ghi ngày giờ kiểm tra hay ghi ngày giờ nhận kết quả giám định mẫu

Quy định về lập Biên bản làm việc

Theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP thì

“a) Người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ khi phát hiện vi phạm hành chính phải lập biên bản vi phạm hành chính.

Đối với hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc không thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình, thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ phải lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền;

b) Trường hợp vụ việc phải giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm tang vật, phương tiện và các trường hợp cần thiết khác, thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ có thể lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc.”

Như vậy, theo quy định trên thì khi kiểm tra tổ chức A, thì cơ quan có thẩm quyền có quyền lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc. Biên bản làm việc ghi theo hướng dẫn tại mẫu biên bản 02 ban hành kèm theo Nghị định 118.

Xem hướng dẫn cách ghi mẫu biên bản làm việc tại đây

Cách ghi biên bản vi phạm hành chính

Trên cơ sở biên bản làm việc, kết quả xét nghiệm, người có thẩm quyền tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính theo mẫu biên bản 01 ban hành kèm theo Nghị định 118/2021/NĐ-CP. Đối với nội dung ghi thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm ghi như sau:

 Thời gian vi phạm

Nếu xác định được cụ thể thời điểm xảy ra vi phạm thì ghi cụ thể, nếu không có cơ sở xác định thì căn cứ vào kết quả xét nghiệm để xác định thời điểm vi phạm. Theo trangtinphapluat.com thời điểm ở đây là thời điểm tổ chức A nhập hàng không đảm bảo chất lượng về kinh doanh, chứ không phải tại thời điểm có kết quả xét nghiệm hay kiểm tra. Vì hành vi đã diễn ra trước đó, còn kết quả xét nghiệm để chứng minh là có hành vi vi phạm.

Địa điểm xảy ra vi phạm

Địa điểm xảy ra vi phạm là địa điểm của Tổ chức A, nơi thực hiện hành vi vi phạm.

Trên đây là giải đáp của trangtinphapluat.com về xác định thời hiệu xử phạt, cách ghi biên bản làm việc, biên bản vi phạm hành chính. Bạn đọc có thắc mắc về xử lý vi phạm hành chính vui lòng để ý kiến ở muc bình luận bên dưới bài viết hoặc gửi qua mail trangtinphapluat2019@gmail.com hoặc zalo 0935634572 để được giải đáp.

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *