Lấn, chiếm đất chưa sử dụng hơn 20 năm, giờ bị xử phạt có đúng không?

Một bạn đọc ở địa chỉ VanDoan…hỏi:  em có một mảnh đất khai hoang ( lấn chiếm) từ năm 1996 tới nay là 2020 nhưng em lại không có giấy tờ gì để chứng mình là mảnh đất đấy đã khai hoang từ lâu ngoài các hàng xóm quanh đấy xác nhận đến  tháng 6/2020 em xây 1 bức tường rào để bảo vệ tài sản khi công trình xây dựng hoàn thành thì phía UBND   vào lập biên bản vi phạm hành chính là ngày 6/7/2020, không giao cho gia đình em và họ vận động nhà em phá bỏ và đến ngày 10/8/2020, họ ra QUYẾT ĐỊNH xử lý vi phạm hành chính với nội dung là lấn chiếm đất chưa sử dụng, với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó có quá hạn không anh? E thì nghĩ là đã quá hạn 4 ngày còn phía UBND   họ giải thích là không quá hạn và Họ bảo thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 2 năm cơ. Nhờ anh giải thích giúp em với ạ.

Trangtinphapluat.com trả lời như sau:

1. Về  hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng

Từ ngày 05/01/2020, Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai có hiệu lực thi hành thì hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 1, khoản 5 Điều 14, cụ thể như sau:

Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ : Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
Xử phạt hành vi lấn chiếm đất chưa sử dụng

“1. Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta;

b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.

5. Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp (trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này) tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 ln mức xử phạt đối với loại đất tương ứng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này và mức phạt tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức.“.

2. Lấn, chiếm đất chưa sử dụng hơn 20 năm vẫn bị xử phạt

Theo như nội dung bạn hỏi thì gia đình bạn đã có hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dung hơn 20 năm nhưng đến ngày 06/7/2020, UBND mới lập biên bản vi phạm hành chính và hơn 01 tháng sau, tức ngày 10/8/2020 mới ban hành quyết định xử phạt. Như vậy, việc xử phạt có đúng hay không?.

Thứ nhất, Hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng của gia đình bạn là hành vi đang diễn ra, cụ thể là gia đình bạn đang sử dụng và tiến hành xây tường rào để bảo vệ ranh giới và tài sản bên trong. Do đó, căn cứ theo khoản 1 Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 : “Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực”, thì việc UBND phường lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng đối với gia đình bạn là đúng pháp luật.

Thứ hai, Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là 02 năm, cụ thể theo Khoản 2 Điều 4 Nghị định 91 như sau:

“Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:

a) Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc quy định tại khoản 3 Điều này thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm;

b) Đối với hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện quđịnh tại khoản 4 Điều này thì thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm;

c) Trường hp xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân do người có thm quyn lập biên bản vi phạm hành chính chuyn đến thì thời hiệu xử phạt được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này và điểm a, b khoản này tính đến thời điểm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.”

Hành vi lấn, chiếm đất là hành vi đang thực hiện nên thời hiệu xử phạt tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm. Vì vậy, việc UBND phường lập biên bản vào ngày 06/7/2020 đối với gia đình bạn là còn trong thời hiệu xử phạt. Biên bản lập xong phải giao cho gia đình bạn 01 bản theo Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính, nếu không giao là vi phạm Luật xử lý vi phạm hành chính.

(Phân biệt thời hạn, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính)

Thứ ba, Thời hạn ban hành quyết định xử phạt đối với trường hợp đơn giản là 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tức là từ ngày 06/7/2020 cộng thêm 07 ngày, do đó việc ban hành quyết định xử phạt chỉ được thực hiện từ ngày 6/7 đến ngày 12/7/2020. Quá ngày 12/7/2020 mà ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là không đúng mà phải ban hành quyết định áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả, cụ thể là buộc phải trả lại đất lấn, chiếm.

Tóm lại, gia đình bạn có hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng là vi phạm pháp luật đất đai, tuy nhiên việc lập biên bản từ ngày 06/7/2020 nhưng đến tháng 8/2020 mới ban hành quyết định xử phạt là không đúng pháp luật.

Trên đây là giải đáp của trangtinphapluat.com liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng.

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

3 Bình luận

  1. Đọc bài viết trên thì thấy gia đình bạn trong bài viết là sử dụng đất ổn định và nếu k có tranh chấp thì được cấp giấy CNQSD đất theo khoản 5 điều 20 nghị định 43/2014/NĐ-CP. Trong trường hợp nếu họ k đủ điều kiện để cấp đất thì vẫn được tạm thời sử dụng đất như hiện trạng theo khoản 7 điều này. Nên tôi thấy việc áo dụng biện pháp khắc phục hậu quả như bài viết nêu trên có cần thiết và đúng với quy định pháp luật hay không?

    • Thứ nhất, Điều 20 của Nghị định 43 quy định như sau: Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất và không vi phạm pháp luật đất đai.
      Như vậy, để được cấp giấy thì phải thỏa mãn 02 điều kiện: Không có giấy tờ và Không vi phạm pháp luật đất đai.
      Trường hợp trong bài viết thì không có giấy tờ nhưng lại vi phạm luật đất đai, đó là lấn, chiếm đất.
      Thứ hai,Điều 20 của Nghị định 43 là hướng dẫn Điều 101 Luật Đất đai 2013. KHoản 2 Điều 101 quy định: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
      Như vậy, theo Luật Đất đai và Nghị định 43 thì trường hợp trên đã vi phạm pháp luật đất đai, UBND cấp xã sẽ không xác nhận đất không tranh chấp để đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận.
      Thứ 3, theo Luật xử lý vi phạm hành chính tại điểm a khoản 1 Điều 3 thì: a) Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;

      Và tại khoản 4 Điều 12 Luật XLVPHC quy định: Nghiêm cấm hành vi Không xử phạt vi phạm hành chính, không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
      Nghị định 19/2020/NĐ-CP về kiểm tra xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tại điểm a khoản 1 Điều 25 quy định:1. Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với cán bộ có một trong các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính sau đây:

      a) Không xử phạt vi phạm hành chính, không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người vi phạm theo quy định pháp luật;
      Do đó, trong trường hợp trên phải lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính còn thời gian tổ chức thực hiện quyết định xử phạt thì sẽ xem xét cho phù hợp.

  2. Theo điều 22 nghị định này thì vẫn có một số trường hợp vi phạm pháp luật đất đai được cấp giấy chứng nhận?
    Điều 22. Việc xử lý, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 01 tháng 7 năm 2014
    1. Trường hợp sử dụng đất lấn, chiếm hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng sau khi Nhà nước đã công bố, cắm mốc hành lang bảo vệ hoặc lấn, chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè sau khi Nhà nước đã công bố chỉ giới xây dựng hoặc lấn, chiếm đất sử dụng cho mục đích xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp, công trình công cộng khác thì Nhà nước thu hồi đất để trả lại cho công trình mà không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất đã lấn, chiếm.

    Trường hợp đã có điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà nay diện tích đất lấn, chiếm không còn thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng; không thuộc chỉ giới xây dựng đường giao thông; không có mục đích sử dụng cho trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp và công trình công cộng khác thì người đang sử dụng đất được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

    2. Trường hợp sử dụng đất lấn, chiếm đã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất cho các nông trường, lâm trường quốc doanh, Ban quản lý rừng, trung tâm, trạm, trại, công ty nông nghiệp, lâm nghiệp thì thực hiện xử lý theo quy định như sau:

    a) Trường hợp đang sử dụng diện tích đất lấn, chiếm thuộc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo thu hồi đất đã lấn, chiếm để giao cho Ban quản lý rừng quản lý, sử dụng đất. Người đang sử dụng đất lấn, chiếm được Ban quản lý rừng xem xét giao khoán bảo vệ, phát triển rừng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

    Trường hợp không có Ban quản lý rừng thì người đang sử dụng đất lấn, chiếm được Nhà nước giao đất để sử dụng vào mục đích bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

    b) Trường hợp đang sử dụng diện tích đất lấn, chiếm thuộc quy hoạch sử dụng đất cho mục đích xây dựng công trình hạ tầng công cộng thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo thu hồi đất đã lấn, chiếm để giao đất cho chủ đầu tư khi triển khai xây dựng công trình đó.

    Người đang sử dụng đất vi phạm được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất nhưng phải giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất và phải kê khai đăng ký đất đai theo quy định;

    c) Trường hợp lấn, chiếm đất và nay đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp hoặc làm nhà ở và không thuộc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, xây dựng công trình hạ tầng công cộng thì người đang sử dụng đất được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

    Trường hợp lấn, chiếm đất kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2004 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2014, đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp và hiện nay diện tích đất này vẫn được xác định giao cho nông trường, lâm trường quản lý, sử dụng thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thu hồi đất lấn, chiếm để trả lại cho nông trường, lâm trường.

    3. Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng hoặc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép theo quy định của pháp luật về đất đai mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì thực hiện xử lý như sau:

    a) Trường hợp đang sử dụng đất thuộc quy hoạch sử dụng đất cho các mục đích quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật Đất đai thì Nhà nước thu hồi đất trước khi thực hiện dự án, công trình đó.

    Người đang sử dụng đất vi phạm được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất, nhưng phải giữ nguyên hiện trạng đang sử dụng đất và phải kê khai đăng ký đất đai theo quy định;

    b) Trường hợp đang sử dụng đất không thuộc trường hợp quy định tại Điểm a Khoản này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; người đang sử dụng đất được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

    4. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp do tự khai hoang mà đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền duyệt, không có tranh chấp thì được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất theo hạn mức do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định; nếu vượt hạn mức do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thì diện tích vượt hạn mức phải chuyển sang thuê.

    5. Người đang sử dụng đất ổn định trong các trường hợp quy định tại Khoản 1, Điểm a và Điểm c Khoản 2, Điểm b Khoản 3 Điều này mà không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định như sau:

    a) Trường hợp thửa đất có nhà ở thì diện tích đất ở được công nhận theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 20 của Nghị định này;

    b) Trường hợp thửa đất có công trình xây dựng không phải là nhà ở thì được công nhận theo quy định tại Điểm b Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều 20 của Nghị định này;

    c) Đối với phần diện tích đất đang sử dụng được xác định là đất nông nghiệp thì được công nhận quyền sử dụng đất theo chế độ như quy định đối với trường hợp tại Khoản 5 Điều 20 của Nghị định này;

    d) Người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Khoản này phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *