Xác định thời điểm lấn, chiếm đất chưa sử dụng theo Nghị định 91

Một số bạn đọc đề nghị trangtinphapluat.com giải đáp việc người dân tự ý sử dụng đất hoang (đất chưa sử dụng) do UBND xã quản lý vào khoảng năm 2012 đến trước 01.7.2014 và sử dụng ổn định đến nay thì có bị xử lý vi phạm hành chính hay không? Nếu có thì xác định thời điểm vi phạm hành chính là thời điểm nào?.

Trangtinphapluat.com trả lời như sau:

1. Căn cứ xử lý hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng

Việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng sẽ bị xử phạt vi phạm theo Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai, theo đó mức phạt thấp nhất là 2 triệu, cao nhất là 70 triệu đồng, ngoài ra còn bị buộc khôi phục tình trạng ban đầu, ,buộc trả lại đất và nộp lại số lợi bất hợp pháp.

Nghị định 91/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 05/01/2020 và tại khoản 1 Điều 42 Nghị định 91 quy định:

“1. Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính như sau:

a) Trường hợp đã lập biên bản vi phạm nhưng chưa có quyết định xử phạt trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà hành vi đó đã hết thời hiệu xử phạt hoặc không thuộc trường hợp xử phạt theo quy định tại Nghị định này thì không thực hiện việc xử phạt đối với hành vi vi phạm đó;

Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ : Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
Xác định thời điểm lấn, chiếm đất chưa sử dụng theo Nghị định 91

b) Trường hợp đã lập biên bản vi phạm nhưng chưa có quyết định xử phạt trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà hành vi đó còn trong thời hiệu xử phạt theo quy định tại Nghị định này thì tiếp tục thực hiện xử phạt hành vi vi phạm đó.

Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp này được thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có hiệu lực thi hành tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính đó; trường hợp áp dụng Nghị định này để xử phạt có lợi hơn cho đối tượng vi phạm thì thực hiện xử phạt theo Nghị định này;

c) Trường hợp đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa thực hiện hoặc chưa thực hiện xong thì tiếp tục thực hiện theo quyết định xử phạt đó;

d) Trường hợp đã thực hiện xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn tiếp tục vi phạm và các trường hợp ngoài quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì áp dụng Nghị định này để xử phạt vi phạm.”

Như vậy, Nghị định 91 không quy định hồi tố đối với trường hợp lấn, chiếm đất trước ngày Nghị định 91 có hiệu lực mà chưa lập biên bản vi phạm hành chính. Và tại khoản 3 khoản 4 Điều 4 Nghị định 91 thì hành vi lấn, chiếm đất được xác định là hành vi đang diễn ra, do đó nếu tổ chức, cá nhân vi phạm trước ngày 05/01/2020 – ngày Nghị định 91 có hiệu lực mà đến nay vẫn đang tiếp tục sử dụng thì vẫn xác định là hành vi lấn, chiếm đất. Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc ở đây là xác định thời điểm bắt đầu lấn, chiếm là thời điểm nào để buộc trả lại đất hay buộc đăng ký đất đai theo điểm a, điểm b khoản 7 Điều 14 Nghị định 91.

2. Xác định thời điểm lấn, chiếm đất chưa sử dụng

+ Trước ngày 05/01/2020, ngày Nghị định 91 có hiệu lực thi hành thì các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai như Nghị định 102/2014/NĐ-CP, Nghị định 105/2009/NĐ-CP không có điều khoản quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng mặc dù Luật Đất đai năm 1993, 2013 đều nghiêm cấm hành vi lấn, chiếm đất, nên các cơ quan có thẩm quyền không có cơ sở để lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt. Bởi vì, theo Điều 3 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính là: “Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định”. 

+ Từ ngày 05/01/2020, theo Nghị định 91 thì hành vi lấn, chiếm đất là hành vi đang diễn ra nên người dân dù có chiếm đất chưa sử dụng từ trước ngày 01/7/2014 hay trước 05/01/2020 vẫn bị lập biên bản và xử phạt. Đối với các hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng sau ngày 01/01/2020 thì không có vướng mắc trong quá trình xử lý vi phạm hành chính.

Còn đối với các hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng trước ngày 05/01/2020 thì hiện nay gặp nhiều vướng mắc trong xác định thời điểm thực hiện hành vi vi phạm, cụ thể:

Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A có hành vi  tự ý sử dụng đất chưa sử dụng do UBND xã quản lý, vào ngày 01.5.2014 đến nay ổn định. Trường hợp này khi lập biên bản vi phạm hành chính thì xác định thời điểm lấn, chiếm là ngày 01.5.2014 hay là tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính hay là kể từ ngày Nghị định 91 có hiệu lực đến nay?.

Có ý kiến cho rằng phải xác định hành vi vi phạm hành chính từ lúc bắt đầu lấn, chiếm đất chưa sử dụng, tức là từ ngày 01.5.2014, bởi vì người dân đã thực hiện hành vi lấn, chiếm đất theo Luật Đất đai, mặc dù không có chế tài xử phạt.

Có ý kiến lại cho rằng việc xác định thời điểm thực hiện hành vi phải là từ ngày Nghị định 91/2020/NĐ-CP có hiệu lực trở về sau, bởi vì trước ngày 05/01/2020 thì không có chế tài xử phạt đối với hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng nên không thể xác định tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật đất đai, mặc dù họ sử dụng đất không được nhà nước thừa nhận.

Việc xác định thời điểm lấn, chiếm đất chưa sử dụng rất quan trọng, bởi lẻ theo điểm b khoản 7 Điều 14 Nghị định 91 được sửa đổi, bổ sung bởi 04/2022/NĐ-CP thì trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng trước ngày 01/7/2014 theo Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều, khoản của Luật Đất đai, thì “buộc đăng ký đất đai  đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất và các trường hợp người đang sử dụng đất vi phạm được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP”; còn trường hợp sau ngày 01/7/2014 thì sẽ không xem xét buộc đăng ký mà buộc trả lại đất lấn, chiếm.

Quan điểm của trangtinphapluat.com cho rằng đối với các trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng trước ngày 05/01/2020 – ngày Nghị định 91 có hiệu lực thì việc xác định thời điểm thực hiện hành vi vi phạm là phải từ ngày 05/01/2020 trở về sau, chứ không thể hồi tố để xác định tại thời điểm lấn, chiếm trước đó, bởi các lý do sau:

+ Thứ nhất, các Nghị định 102/2014/NĐ-CP, Nghị định 105/2009/NĐ-CP quy định về  xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai, không có điều khoản quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng. Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2013 tại khoản 2 Điều 165 còn khuyến khích người dân đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng.

+ Thứ hai, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì:

  • Tại khoản 1 Điều 2 quy định: Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
  • Tại điểm d khoản 1 Điều 3 quy định: Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định

Như vậy, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính thì để xác định là vi phạm hành chính thì phải có pháp luật quy định và phải bị xử phạt, trong khi đó các hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng trước ngày 05/01/2020 pháp luật không quy định xử phạt vi phạm hành chính nên không có cơ sở để xác định là hành vi vi phạm pháp luật.

+ Thứ ba, một trong những nguyên tắc áp dụng pháp luật theo Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì: “Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.”

Như vậy, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật chỉ áp dụng hồi tố đối với các hành vi xảy ra trước ngày có hiệu lực của một văn bản mới nếu nó có lợi cho người vi phạm, còn gây thiệt hại hơn so với quy định trước đó thì không áp dụng. Do đó, căn cứ vào nguyên tắc ngày thì tại thời điểm trước ngày 05/01/2020 pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý đối với tổ chức, cá nhân có hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng nên không thể xác định họ có hành vi vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 05/01/2020.

Trangtinphapluat.com rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc về nội dung trên. Vui lòng để lại ý kiến ở mục bình luận bên dưới bài viết hoặc gửi qua mail trangtinphapluat2019@gmail.com

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *