Theo quy định của Luật Đất đai 2013 thì đất được chia làm 3 nhóm: nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng. Và theo Khoản 3 Điều 132 Luật Đất đai thì nhóm đất chưa sử dụng được sử dụng vào đất công ích, trường hợp đất chưa sử dụng cho mục đích công ích thì Ủy ban nhân dân cấp xã cho hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hình thức đấu giá để cho thuê. Thời hạn sử dụng đất đối với mỗi lần thuê không quá 05 năm.
(Quy định xử phạt hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng)
Tiền thu được từ việc cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích phải nộp vào ngân sách nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý và chỉ được dùng cho nhu cầu công ích của xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.
KHuyến khích đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng
Tại Điều 165 Luật Đất đai cũng quy định: Nhà nước khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư để đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đối với diện tích đất được quy hoạch sử dụng vào mục đích nông nghiệp thì ưu tiên giao cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại địa phương chưa được giao đất hoặc thiếu đất sản xuất.
(Lấn, chiếm đất trước ngày Nghị định 91/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, có bị xử phạt hành chính?)
Như vậy, theo quy định của Luật Đất đai thì UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý nhóm đất chưa sử dụng và khuyến khích, tạo điều kiện cho hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào đất chưa sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch.Tuy nhiên, do việc buông lỏng quản lý nên tình trạng người dân lấn, chiếm đất chưa sử dụng diễn ra khá nhiều nhưng việc xử lý thì chính quyền địa phương các nơi rất lúng túng, bởi vì theo quy định của Nghị định 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai thì không có quy định xử phạt hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng, trước đây Nghị định 105/2009/NĐ-CP thì có quy định xử phạt hành vi lấn chiếm đất nói chung cho nên cơ quan có thẩm quyền có cơ sở để xử lý, còn bây giờ theo Nghị định 102 thì không có quy định xử phạt nên không xử phạt được.
Xử lý hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng
Vậy, làm cách nào để xử lý đối với các trường hợp hộ gia đình, cá nhân lấn, chiếm đất chưa sử dụng?
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân lấn, chiếm đất chưa sử dụng để xây nhà ở, công trình xây dựng thì cơ quan có thẩm quyền áp dụng Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực xây dựng ; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở để xử lý về hành vi xây dựng công trình vi phạm quy hoạch xây dựng
(Từ 01/9/2019: Phạt 15 triệu đồng với hành vi lấn, chiếm trụ sở làm việc)
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân lấn, chiếm đất chưa sử dụng để dùng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản…mà phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì UBND cấp xã cần gặp hộ gia đình, cá nhân lấn chiếm đất để trao đổi theo hướng sẽ cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất đã lấn, chiếm để sản xuất, thời hạn thuê mỗi lần không quá 5 năm. Trường hợp nếu hộ gia đình, cá nhân vẫn không đồng ý với phương án thuê đất thì UBND cấp xã nên khởi kiện ra Tòa án để giải quyết theo Điều 203 Luật Đất đai.
Và để đảm bảo sử dụng đất hiệu quả, hạn chế tình trạng người dân lấn, chiếm đất thì UBND cấp xã hằng năm rà soát quỹ đất chưa sử dụng để đề nghị cơ quan có thẩm quyền đưa vào kế hoạch sử dụng đất theo quy định tại Điều 40 Luật Đất đai 2013 đã được sửa đổi, bổ sung theo Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch.
Phương Thảo