Nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Điều 35 Luật Đất đai năm 2013 đã được Quốc hội sửa đổi, bổ sung tại Điều 6 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
Luật đất đai 2013 không tách biệt giữa nguyên tắc lập quy hoạch sử dụng đất với kế hoạch sử dụng đất, trong khi đó Luật sửa đổi bổ sung 37 luật liên quan đến quy hoạch đã tách bạch nguyên tắc lập quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử đất, đồng thời bổ sung nhiều nguyên tắc mới như: Bảo vệ nghiêm ngặt đất chuyên trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng…
1. Nguyên tắc lập quy hoạch sử dụng đất:
a) Quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải bảo đảm tính đặc thù, liên kết của các vùng; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải thể hiện nội dung sử dụng đất của cấp xã;
b) Bảo vệ nghiêm ngặt đất chuyên trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng;
c) Bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương và khả năng, quỹ đất của quốc gia nhằm sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả;
d) Khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên; thích ứng với biến đổi khí hậu;
đ) Nội dung phân bổ và sử dụng đất trong quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
2. Nguyên tắc lập kế hoạch sử dụng đất :
a) Phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh;
b) Kế hoạch sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cùng cấp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; đối với kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phải phù hợp với phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh;
c) Sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả;
d) Khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu;
đ) Bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh;
e) Kế hoạch của ngành, lĩnh vực, địa phương có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.
Phương thảo