Về khái niệm Thời hạn, khái niệm Thời hiệu và cho ví dụ cụ thể.

Thế nào là thời hiệu xử lý vi phạm hành chính? Thế nào là thời hạn xử phạt vi phạm hành chính? cho ví dụ cụ thể về cách xác định thời hiệu, thời hạn trong vi phạm hành chính.

1. Thời hiệu là gì?

Đó là thời hạn do pháp luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự, được miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc mất quyền khởi kiện vụ án dân sự, quyền yêu cầu giải quyết việc dân sự” được quy định tại Điều 154 Bộ luật dân sự 2005.

Theo quy định của luật dân sự

Tại Điều 149 Bộ luật Dân sự 2015 thì: Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định. Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.

Thời hiệu xử phạt VPHC lĩnh vực đất đai
Về khái niệm Thời hạn, khái niệm Thời hiệu và cho ví dụ cụ thể.

Theo quy định của Luật Xử lý VPHC

  Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm hoặc 2 năm tùy từng lĩnh vực. Hầu hết các lĩnh vực thì Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm.

Thời hiệu 2 năm đối với các hành vi

Trừ các trường hợp sau đây thì thời hiệu xử phạt là 02 năm: Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước . 

Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.  Nếu hết thời gian đó thì người vi phạm sẽ không bị xử phạt và đồng nghĩa người có thẩm quyền không được xử phạt tiền nữa.

2. Thời hạn là gì?

  Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020  quy định có 2 loại: Thời hạn để ban hành quyết định xử phạt (7 ngày làm việc, 10 ngày làm việc, 1 tháng hoặc 02 tháng tùy tính chất vụ việc) quá thời hạn thì không ban hành quyết định xử phạt mà quyết định khắc phục hậu quả. Thời hạn được coi là chưa bị xử lý, tức là sau khi chấp hành quyết định xử phạt mà trong thời hạn 6 tháng hoặc 1 năm họ không tái phạm thì xem là chưa vi phạm.

3. Cách tình thời hạn xử phạt

Theo Khoản 1 Điều 8 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì Cách tính thời gian, thời hạn, thời hiệu trong xử lý vi phạm hành chính như sau:

“Cách tính thời hạn, thời hiệu trong xử lý vi phạm hành chính được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự, trừ trường hợp trong Luật này có quy định cụ thể thời gian theo ngày làm việc”.

(Xem các sai sót thường gặp trong xử phạt vi phạm hành chính và cách khắc phục)

Theo Điều 147 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì Thời điểm bắt đầu thời hạn quy định như sau:

“1. Khi thời hạn được xác định bằng phút, giờ thì thời hạn được bắt đầu từ thời điểm đã xác định.

2. Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định.

3. Khi thời hạn bắt đầu bằng một sự kiện thì ngày xảy ra sự kiện không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề của ngày xảy ra sự kiện đó.”

Cách tính thời hạn ban hành quyết định xử phạt hành chính
Ngày lập biên bản không tính vào thời hạn xử phạt

Ngày đầu tiên không tính vào thời hạn

Như vậy, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì thời hạn xử phạt 7 ngày làm việc, 10 ngày làm việc hoặc 1 tháng, 02 tháng kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính và quy định cách tính thời hạn theo Bộ luật Dân sự.

Bộ luật Dân sự quy định khi thời hạn tính bằng ngày hoặc một sự kiện thì ngày đầu tiên của thời hạn không tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định. Do đó, khi tính thời hạn ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì ngày lập biên bản không tính vào thời hạn, cho nên quy định là 7 ngày làm việc nhưng tính ra thì là 8 ngày (kể cả ngày lập biên bản vi phạm hành chính).

3. Ví dụ về thời hiệu là gì trong xử lý vi phạm hành chính

a) Ví dụ trên lĩnh vực xây dựng:

Ông Nguyễn Văn A có hành vi xây dựng sai giấy phép xây dựng của cấp có thẩm quyền từ tháng 01/2016 đến tháng 1/2018 cơ quan có thẩm quyền mới phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính. Căn cứ vào Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính, Điều 4 Nghị định 139/2017/NĐ-CP (nay là Nghị định 16/2022/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực xây dựng), thì hành vi của Nguyễn Văn A đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính (đã quá 02 năm kể từ ngày ông A chấm dứt hành vi vi phạm) nên ông A sẽ không bị xử phạt tiền, tuy nhiên vẫn bị áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả phá dỡ phần công trình xây dựng sai giấy phép xây dựng được cấp.

b) Ví dụ trên lĩnh vực đất đai:

Ông B được cấp có thẩm quyền cấp 500m2 đất nông nghiệp để trồng cây hằng năm. Tuy nhiên do có nhu cầu về nhà ở nên ông B đã tự ý xây dựng căn nhà 100m2 vào ngày 10/01/2024 trên phần diện tích đất nông nghiệp đã được nhà nước cấp. Qua kiểm tra địa bàn, công chức địa chính xã B phát hiện và tiến hành lập biên bản làm việc, biên bản vi phạm hành chính đối với ông B về hành vi chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất phi nông nghiệp ở khu vực nông thôn theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai.

Ở trường hợp này căn cứ vào Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 và Điều 4 của Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì hành vi của ông B còn trong thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính (02 năm) nên công chức địa chính lập biên bản vi phạm hành chính là đúng pháp luật.

(Hướng dẫn lập biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)

Xem video hướng dẫn cách xác định thời hiệu, thời hạn xử phạt vi phạm hành chính

4. Ví dụ về thời hạn trong xử lý vi phạm hành chính

Ví dụ 1 về hết thời hạn xử phạt:

Ông Nguyễn Văn A có hành vi xây dựng sai giấy phép xây dựng của cấp có thẩm quyền vào ngày 10/11/2017, ngày 11/11/2017 cán bộ địa chính xây dựng của phường nơi ông A có công trình xây dựng sai phép tới lập biên bản vi phạm hành chính và đình chỉ thi công. Nhưng do bận việc nên đến ngày 20/11/2017 cán bộ địa chính xây dựng mới tham mưu người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt, lúc này thì không thể ban hành quyết định xử phạt ông A được vì đã hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Tuy nhiên vẫn ban hành quyết định áp dụng khắc phục hậu quả.

Ví dụ về còn thời hạn xử phạt:

Ông B được cấp có thẩm quyền cấp 500m2 đất nông nghiệp để trồng cây hằng năm. Tuy nhiên do có nhu cầu về nhà ở nên ông B đã tự ý xây dựng căn nhà 100m2 vào ngày 10/01/2024 trên phần diện tích đất nông nghiệp đã được nhà nước cấp. Ngày 15/01/2024, Qua kiểm tra địa bàn, công chức địa chính xã B phát hiện và tiến hành lập biên bản làm việc, biên bản vi phạm hành chính đối với ông B về hành vi chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất phi nông nghiệp ở khu vực nông thôn theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai.

Căn cứ về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, thời hạn xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 52, Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 và Điều 38 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, Ngày 16/01/2024, công chức địa chính đã tham mưu UBND xã chuyển hồ sơ cho Chủ tịch UBND huyện để ban hành quyết định xử phạt theo thẩm quyền

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *