Hướng dẫn về cưỡng chế quyết định buộc khắc phục hậu quả

Bạn đọc có địa chỉ mail huynhhau….@gmail.com đề nghị trangtinphapluat.com giải đáp các nội dung liên quan đến việc ban hành quyết định khắc phục hậu quả, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

1. Trường hợp hết thời hiệu xử phạt hoặc hết thời hạn xử phạt quy đinh tại điểm c khoản 1 điều 65 Luật xử lý vi phạm hành chính thì ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Vậy thời hạn ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là bao nhiêu ngày, thời hiệu thi hành Quyết định khắc phục hậu quả là bao nhiêu ngày. Nếu hết thời hiệu thi hành Quyết định khắc phục hậu quả thì có ra quyết định cưỡng chế được không?

Trangtinphapluat.com trả lời như sau:

a) Thời hạn ra quyết định khắc phục hậu quả

Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 thì biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng cùng với quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc áp dụng độc lập trong trường hợp không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Vướng mắc cưỡng chế quyết định khắc phục hậu quả
Hướng dẫn thời hiệu thi hành quyết định khắc phục hậu quả

+ Đối với biện pháp khắc phục hậu quả ban hành chung với quyết định xử phạt thì thời hạn ban hành phần khắc phục hậu quả thực hiện theo thời hạn ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (7 ngày, 10 ngày, 1 tháng, 2 tháng ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tùy tính chất, mức độ vi phạm.

+ Đối với biện pháp khắc phục hậu quả ban hành trong trường hợp độc lập, không kèm theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì theo khoản 2 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 cũng như Luật sửa đổi Luật vi phạm hành chính 2020 đều quy định không xử phạt nhưng ban hành quyết định khắc phục hậu quả, không nêu rõ thời gian bao lâu thì ban hành. Do đó, đối với trường hợp ban hành biện pháp buộc khắc phục hậu quả độc lập thì có thể ban hành lúc nào cũng được nhưng càng sớm càng tốt để khắc phục kịp thời các hậu quả của vi phạm hành chính.

(Hướng dẫn cách ghi biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020 còn bổ sung quy định: Việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản này không bị coi là đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

b) Thời hiệu thi hành quyết định khắc phục hậu quả

+ Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì có quy định thời hiệu là 1 năm đối với phạt tiền, còn phần biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải thi hành theo khoản 1 Điều 74 Luật 2012 và Luật 2020, cụ thể:

Luật 2012: Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện thuộc loại cấm lưu hành, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp cần thiết để bảo vệ môi trường, bảo đảm giao thông, xây dựng và an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Luật 2020: Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

+ Và tại khoản 1 Điều 85 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì: Thời hạn thi hành biện pháp khắc phục hậu quả được thực hiện theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc trong quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 28 của Luật này.

Như vậy, Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định thời hiệu thi hành đối với phần phạt tiền, còn biện pháp khắc phục hậu quả thì không có thời hiệu, chỉ có thời hạn để cho cá nhân, tổ chức vi phạm chấp hành quyết định khắc phục hậu quả. Nếu quá thời hạn thi hành trong quyết định mà cá nhân, tổ chức vi phạm không chấp hành thì người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế.

2. Trường hợp hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm tại điều 74 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì có ra Quyết định cưỡng chế được không, hay không thể cưỡng chế.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì đều quy định thời hiệu thi hành đối với hình thức phạt tiền là 1 năm, kể từ ngày ra quyết định, hết thời hạn 1 năm thì không thi hành quyết định đó nữa. Do đó, nếu trong quyết định chỉ có hình thức phạt tiền thì nếu hết thời hạn 1 năm kể từ ngày ban hành quyết định mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt không chấp hành mà người có thẩm quyền không đôn đốc, không có biện pháp để thu tiền phạt thì quyết định xử phạt hết hiệu lực, do đó không ban hành quyết định cưỡng chế để cưỡng chế để phạt tiền được.

Trường hợp trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính vừa có phạt tiền vừa có biện pháp buộc khắc phục hậu quả thì vẫn ban hành quyết định cưỡng chế để thi hành phần biện pháp khắc phục hậu quả như quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, 2020.

Đối với trường hợp ban hành quyết định áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả độc lập thì không áp dụng thời hiệu. Nếu quá thời hạn thi hành quyết định khắc phục hậu quả ghi trong quyết định mà cá nhân, tổ chức vi phạm không tự nguyện khắc phục hậu quả thì người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế, không giới hạn thời gian ban hành quyết định cưỡng chế là 1 năm hay 5 năm.
3. Thời hạn ra quyết định cưỡng chế là bao nhiêu ngày, tính từ thời điểm nào

Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cũng như Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020   không quy định thời hạn ra quyết định cưỡng chế, tại Điều 86 chỉ đề cập không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì bị cưỡng chế.

Do đó, thời điểm để ban hành quyết định cưỡng chế là thời điểm sau khi cá nhân, tổ chức vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính, bị áp dụng khắc phục hậu quả không tự giác chấp hành quyết định xử phạt, quyết định khắc phục hậu quả. Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành không giới hạn thời hạn ban hành quyết định cưỡng chế cho nên sau khi người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt thì người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế lúc nào cũng được.

Ví dụ: Nguyễn Văn A bị xử phạt vi phạm hành chính hành vi xây dựng không phép với mức phạt 30 triệu đồng, buộc tháo dỡ công trình xây dựng, thời hạn để A chấp hành quyết định là 10 ngày, kể từ ngày A nhận được quyết định xử phạt.

Thời điểm để ban hành quyết định cưỡng chế trường hợp của A tính từ ngày thứ 11, kể từ khi A nhận được quyết định xử phạt mà không chấp hành nộp tiền phạt, không chấp hành tháo dỡ công trình.

Trên đây là tư vấn của trangtinphapluat.com liên quan đến thời hạn ban hành quyết định khắc phục hậu quả; thời hạn ban hành, thi hành quyết định cưỡng chế.

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *