Theo Khoản 2 Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì trong quá trình lập biên bản vi phạm hành chính mà người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến.
Quy định trên được sửa đổi, bổ sung bởi Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020, cụ thể: :Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Chính quyền cơ sở là cấp nào?
Khi áp dụng Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, rất nhiều ý kiến thắc mắc đại diện chính quyền cơ sở được hiểu như thế nào cho đúng? cơ sở ở đây là cấp nào? cấp xã hay cấp huyện cấp tỉnh? Ai là người đại diện cho chính quyền cơ sở? cán bộ lãnh đạo của UBND hay cán bộ lãnh đạo của HĐND hay có thể bất kỳ cán bộ, công chức nào được cử đại diện?.
Trong 8 năm thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, các địa phương có cách hiểu và áp dụng khác nhau về chính quyền cơ sở? Có nơi thì hiểu tùy từng trường hợp mà xác định cấp tỉnh, huyện, hay xã là chính quyền cơ sở. Ví dụ: Đoàn kiểm tra của Bộ, ngành trung ương phát hiện hành vi vi phạm ở cấp tỉnh thì xác định tỉnh là cơ sở; còn tỉnh kiểm tra huyện thì xác định huyện là cơ sở; còn các cấp trung ương, tỉnh, huyện mà kiểm tra, lập biên bản đối với địa bàn cấp xã thì xác định cấp xã là chính quyền cơ sở để yêu cầy ký vào biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp người vi phạm không ký biên bản.
Vướng mắc về chính quyền cơ sở đã được Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 sửa đổi theo hướng quy định cụ thể là chính quyền cơ sở là chính quyền cấp xã.
Ai là người đại diện cho chính quyền cơ sở?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 111 Hiến pháp năm 2013 thì “Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do luật định”
Theo Điều 30 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 thì: Chính quyền địa phương ở xã là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân xã và Ủy ban nhân dân xã.
Chính quyền địa phương có HĐND, UBND. Vậy ai là người đại diện cho chính quyền địa phương?
HĐND cấp xã là người đại diện chính quyền địa phương?
Theo Điều 105 Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì Chủ tịch HĐND lãnh đạo hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp, thay mặt Thường trực Hội đồng nhân dân giữ mối liên hệ với Ủy ban nhân dân, các cơ quan nhà nước, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp, các tổ chức xã hội khác và công dân.
Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân giúp Chủ tịch Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng nhân dân.
Các thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân chịu trách nhiệm tập thể về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân; chịu trách nhiệm cá nhân trước Thường trực Hội đồng nhân dân về nhiệm vụ, quyền hạn được Thường trực Hội đồng nhân dân phân công; tham gia các phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân, thảo luận và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân.
UBND là người đại diện chính quyền địa phương
Và theo các Điều 121, 122, 123 Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng quy định rõ nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch, phó chủ tịch UBND, ủy viên ủy ban nhân dân.
Căn cứ vào quy định trên thì có thể hiểu Chủ tịch HĐND, UBND là người đại diện cho chính quyền địa phương. Phó Chủ tịch HĐND, Phó chủ tịch, Ủy viên UBND các cấp là người đại diện khi được ủy quyền, phân công nhiệm vụ.
Cán bộ, công chức bình thường có thể đại diện chính quyền ký biên bản VPHC?
Thực tiễn trong quá trình lập biên bản vi phạm hành chính không phải lúc nào cũng mời được lãnh đạo HĐND, UBND cấp xã nơi xảy ra vi phạm tham gia ký xác nhận vào biên bản vi phạm hành chính mà thông thường chính quyền địa phương cử cán bộ chuyên môn cùng tham gia với người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính. Như vậy, trong trường hợp này thì cán bộ, công chức được cử tham gia có được ký thay mặt chính quyền cơ sở hay không?
(Hướng dẫn cách lập biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)
Ký biên bản theo đại diện theo ủy quyền
Theo từ điển Luật học của Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp thì “đại diện là việc một người, một cơ quan, tổ chức nhân danh người, cơ quan, tổ chức khác xác lập, thực hiện hành vi pháp lý trong phạm vi thẩm quyền đại diện. Đại diện có đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền“.
Đại diện theo pháp luật do pháp luật quy định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, ví dụ như Chủ tịch HĐND, UBND là người đại diện theo pháp luật của HĐND, UBND do pháp luật quy định, còn các phó chủ tịch, ủy viên là người đại diện nếu được Chủ tịch ký văn bản cử đại diện. Đại diện theo ủy quyền là đại diện xác lập thông qua văn bản ủy quyền.
Như vậy, có thể hiểu: Lãnh đạo HĐND, UBND các cấp là đại diện theo pháp luật còn đối với cán bộ,công chức bình thường nếu được lãnh đạo HĐND, UBND ủy quyền thay mặt chính quyền địa phương tham gia vào việc lập biên bản vi phạm hành chính thì có thể ký vào đại diện chính quyền địa phương ký vào biên bản vi phạm hành chính.
Xem clip về xác định đại diện chính quyền cơ sở khi lập biên bản VPHC
Tóm lại: Căn cứ vào Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì chính quyền cơ sở là chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm. Người đại diện cho chính quyền cơ sở bao gồm lãnh đạo của HĐND và UBND; trường hợp cán bộ, công chức được HĐND, UBND ủy quyền thay mặt địa phương tham gia lập biên bản thì có thể ký vào biên bản vi phạm hành chính.
(Phân biệt ủy quyền, phân quyền, giao quyền trong cơ quan hành chính nhà nước)
Trên đây là quan điểm của trangtinphapluat.com liên quan đến việc đại diện chính quyền cơ sở xác nhận vào biên bản vi phạm hành chính. Rất mong nhận được ý kiến chia sẻ, góp ý của bạn đọc. Góp ý vui lòng để ở mục bình luận bên dưới bài viết. Cảm ơn.
Rubi