Một hành vi phạm hành chính chỉ lập biên bản một lần
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Nghị định 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính thì:
“Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị lập biên bản và ra quyết định xử phạt một lần. Trường hợp hành vi vi phạm đã bị lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền xử phạt, thì người có thẩm quyền xử phạt phải áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính phù hợp để chấm dứt hành vi vi phạm. Khi ra quyết định xử phạt đối với hành vi đó, người có thẩm quyền xử phạt có thể áp dụng thêm tình tiết tăng nặng quy định tại Điểm I Khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc xử phạt đối với hành vi không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền xử phạt và xử phạt đối với hành vi vi phạm đã lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt.”
Không lập biên bản 2 lần đối với 1 hành vi
Như vậy, theo quy định trên thì trường hợp đã lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt mà người vi phạm tiếp tục vi phạm hành vi đó thì không lập biên bản nữa mà chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn và khi xử phạt thì áp dụng tình tiết tăng nặng hoặc xử phạt hành vi không chấp hành mệnh lệnh của người có thẩm quyền xử phạt. Nghị định không đề cập đến trường hợp sau khi lập biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm cam kết tự chấm dứt hành vi vi phạm (như trong lĩnh vực xây dựng cam kết tự tháo dỡ công trình vi phạm),tuy nhiên trên thực tế không chấm dứt mà tiếp tục vi phạm hành vi đó (như tiếp tục xây dựng công trình không phép) và thời gian để ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã hết, trường hợp này phải xử lý như thế nào cho phù hợp?
(Hướng dẫn cách ghi biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)
Có lập biên bản vi phạm hành chính phần vi phạm mới hay không? Hay là ban hành quyết định áp dụng buộc khắc phục hậu quả (xử lý luôn phần tiếp tục vi phạm) theo quy định tại điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Quy định pháp luật chưa rõ
Một số ý kiến cho rằng trường hợp trên rất khó xử lý vì Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 81 quy định không rõ. Sau khi bị lập biên bản thì họ tiếp tục vi phạm, lúc này hiện trạng đã thay đổi so với vi phạm ban đầu nên nếu áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và biện pháp cưỡng chế sẽ rất khó vì hiện trạng đã thay đổi.
Vận dụng để xử lý
Quan điểm của người viết cho rằng trường hợp này theo Nghị định 81 thì không được lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi tiếp tục vi phạm mà ban hành quyết định áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả theo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đối với phần tiếp tục vi phạm vì cùng 1 hành vi nên sẽ xử lý luôn trong quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả mà không lập biên bản mới và xử lý riêng, bởi vì Khoản 3 Nghị định 81 có quy định nếu trong trường hợp còn thời hạn ban hành quyết định xử phạt thì người có thẩm quyền căn cứ vào biên bản ban đầu để xử phạt, còn hành vi tiếp tục vi phạm thì tính vào tính tiết tăng nặng để nâng mức phạt vi phạm hành chính chứ không lập biên bản đối với hành vi tiếp tục phạt sinh đó (nghĩa là chỉ tính hành vi vi phạm chứ không tính quy mô vi phạm). Do đó, vận dụng quy định trên để áp dụng trường hợp hết thời hạn ban hành quyết định xử phạt thì người có thẩm quyền xử phạt ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả để xử lý luôn cả hành vi cũ và hành vi tiếp tục thực hiện.
(Các sai sót thường gặp trong xử lý vi phạm hành chính cần biết để tham mưu cho đúng)
Ngoài việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì cũng cần xử lý kỷ luật cán bộ chậm tham mưu xử lý vi phạm hành chính để hết thời hạn xử phạt vi phạm hành chính.
(Phó chủ tịch UBND cấp xã có được lập biên bản vi phạm hành chính?)
Ý kiến của bạn đọc về vấn đề này như thế nào? Mời các bạn cùng thảo luận
Phương Thảo