Bạn đọc có địa chỉ mail xulyhanh….@gmail.com đề nghị trangtinphapluat cho biết: Trường hợp UBND cấp xã thiếu công chức địa chính – xây dựng thì Phó Chủ tịch UBND cấp xã phụ trách lĩnh vực địa chính – xây dựng có được lập biên bản vi phạm hành chính không? vì sao?.
Thẩm quyền lập biên bản VPHC
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 81/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 97/2017/NĐ-CP thì thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính như sau:
“1. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính gồm người có thẩm quyền xử phạt, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đang thi hành công vụ, nhiệm vụ theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành; người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu và những người được chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu giao nhiệm vụ lập biên bản.
Các chức danh có thẩm quyền lập biên bản được quy định cụ thể tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước.
(Hướng dẫn cách lập biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)
2. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính nhưng không có thẩm quyền xử phạt quy định tại khoản 1 Điều này chỉ có quyền lập biên bản về những vi phạm thuộc phạm vi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về việc lập biên bản.
Trường hợp vụ việc vi phạm vừa có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, vừa có hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, thì người đó vẫn phải tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với tất cả các hành vi vi phạm và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính.”
Như vậy, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính gồm: Người có thẩm quyền xử phạt, công chức, viên chức…và phải được quy định cụ thể trong Nghị định xử phạt vi phạm hành chính có liên quan.
Phó Chủ tịch UBND cấp xã được lập biên bản VPHC
Phó Chủ tịch UBND cấp xã không phải là người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, không phải là công chức, viên chức nên có ý kiến cho rằng Phó Chủ tịch UBND cấp xã không có quyền lập biên bản vi phạm hành chính trên lĩnh vực được phân công.
Quan điểm của trangtinphapluat.com cho rằng: Trong trường hợp địa phương không có, chưa có công chức địa chính – xây dựng mà Chủ tịch UBND đã có quyết định giao quyền xử phạt vi phạm hành chính cho Phó Chủ tịch UBND cấp xã thì Phó Chủ tịch UBND cấp xã có quyền lập và ký biên bản vi phạm hành chính với tư cách là người có thẩm quyền xử phạt (vì đã được giao quyền xử phạt nên đương nhiên có quyền lập biên bản vi phạm hành chính theo Khoản 1 Điều 6 Nghị định 81/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 97/2017/NĐ-CP).
(Tổng hợp các sai sót thường gặp trong xử phạt vi phạm hành chính và cách giải quyết)
Hiện nay theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (ngày 22.8.2019) thì có bổ sung khoản 4 vào sau khoản 3 Điều 54 như sau:
“4. Cấp phó được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như cấp trưởng, trừ biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì được thực hiện theo quy định tại Điều 123 của Luật này.“.
Tóm lại, trong trường hợp Phó Chủ tịch UBND cấp xã đã được Chủ tịch UBND cấp xã giao quyền xử phạt vi phạm hành chính thì đương nhiên Phó Chủ tịch UBND cấp xã có quyền lập biên bản vi phạm hành chính trên lĩnh vực đã được giao quyền./.
Xem video giải đáp của trangtinphapluat.com về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính
Rubi