Việc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có ý nghĩa rất quan trọng trong việc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc xác định thẩm quyền xử phạt trong trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm trong cùng một vụ việc thì xác định thẩm quyền xử phạt căn cứ vào mức phạt của từng hành vi hay căn cứ vào tổng mức xử phạt của các hành vi để xác định thẩm quyền xử phạt?
xác định thẩm quyền xử phạt: căn cứ vào tổng mức phạt
Có ý kiến cho rằng trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm thì phải cộng mức phạt của tất cả các hành vi lại để xác định thẩm quyền xử phạt.
Ví dụ: A có vừa có hành vi chạy xe quá tốc độ, vừa có hành vi không đội mũ bảo hiểm, vừa có hành vi không có giấy phép lái xe, vừa có hành vi chống người thi hành công vụ. Giả sử mỗi hành vi chỉ bị phạt 5 triệu đồng, tổng mức xử phạt sẽ là 20 triệu đồng . Theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thì thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an huyện là 8 triệu đồng, như vậy tổng các hành vi bị xử phạt của A là 20 triệu đồng, do đó thẩm quyền không thuộc Trưởng Công an huyện. Trường hợp này phải chuyển hồ sơ cho Chủ tịch UBND huyện để ban hành quyết định xử phạt.
Phải căn cứ vào mức phạt của từng hành vi
Cách hiểu căn cứ vào tổng mức phạt để xác định thẩm quyền xử phạt là không đúng. Bởi lẽ theo Khoản 2 Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì: Thẩm quyền phạt tiền được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể. Và tại Điểm a Khoản 4 Điều 52 Luật XLVPHC có quy định trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt được xác định theo nguyên tắc:
Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó.
Như vậy, căn cứ vào Khoản 2 và Khoản 4 Điều 52 Luật XLVPHC thì việc xác định thẩm quyền xử phạt phải căn cứ vào khung phạt tối đa của từng hành vi vi phạm chứ không phải tổng mức phạt tiền của tất cả hành vi vi phạm.
Ru bi