Thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính sao cho phù hợp?

Nhiều bạn đọc hỏi thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính sao cho đúng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Có nhiều trường hợp khi đi kiểm tra chỉ lập biên bản hiện trường, sau đó một thời gian mới lập biên bản vi phạm hành chính, như vậy có vi phạm nguyên tắc “tính kịp thời” trong lập biên bản hành chính hay không?

Biên bản vi phạm hành chính phải được lập kịp thời

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính  năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì:. 1  Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này.

Vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa thì người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu có trách nhiệm tổ chức lập biên bản và chuyển ngay cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa về đến sân bay, bến cảng, nhà ga.

Thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính sao cho phù hợp?

Thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính sao cho phù hợp?

(Hướng dẫn lập biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)

 Biên bản vi phạm hành chính phải được lập tại nơi xảy ra hành vi vi phạm hành chính. Trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản hoặc địa điểm khác thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Hành vi vi phạm hành chính phải được xử lý nghiêm minh

Và theo điểm a Khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

(Quy định mới về thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính)

Thực tiễn xét xử về việc lập biên bản VPHC

– Tại Bản án số 02/2018/HC-PT ngày 31/7/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai thì phần ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Trà Vinh nêu: Theo Khoản 1 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính , người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản VPHC . Trong vụ án này, bà Q thực hiện hành vi cày xới đất của bà M vào ngày 07/9/2017 và sạ lúa ngày 15/9/2017, nhưng người có thẩm quyền không tiến hành lập biên bản VPHC mà đến ngày 03/10/2017 mới mời bà Q đến trụ sở UBND xã N lập biên bản vi phạm hành chính trên cơ sở tổng hợp 2 biên bản sự việc lập vào ngày 07/9/2017 và ngày 15/9/2017 là chưa đúng theo Khoản 1 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Các sai sót thường gặp trong xử lý vi phạm hành chính
Hướng dẫn lập biên bản vi phạm hành chính

– Tại Bản án số 29/2018/HC-ST ngày 26/11/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương  về việc khiếu kiện quyết định hành chính về việc xử phạt hành chính và giải quyết khiếu nại. Tòa án nhận định như sau:

UBND phường N phát hiện hành vi vi phạm từ ngày 05/12/2017 nhưng đến ngày 06/6/2018 mới lập biên bản vi phạm hành chính là không đúng quy định tại Khoản 1 Điều 58 Luật XLVPHC “khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình , người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản”. Đồng thời tại khoản 3 Điều 58 Luật XLVPHC quy định “…Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm 1 bản,…”.

Biên bản vi phạm hành chính phải lập tại thời điểm vi phạm

Căn cứ vào quy định pháp luật đã viện dẫn ở trên và thực tiễn xét xử thì khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải KỊP THỜI ngăn chặn, lập biên bản và tham mưu người có thẩm quyền xử phạt nghiêm minh. Tuy nhiên, Luật không giải thích thế nào là KỊP THỜI, theo từ điển tiếng Việt thì KỊP THỜI LÀ “đúng lúc, không để chậm trễ”, cho nên khi phát hiện vi phạm hành chính thì phải lập biên bản ngay lúc đó để ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính tiếp tục xảy ra và xử lý kịp thời để hạn chế thấp nhất hậu quả cho xã hội.

Theo khoản 2 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính thì đã hướng dẫn về việc “Kịp thời” trong lập biên bản vi pham hành chính như sau:

+Biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính;

+Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc có phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính;

+ Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được đối tượng vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nhận được kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan;

(Người vi phạm có được ghi ý kiến vào biên bản vi phạm hành chính?)

Như vậy, nếu khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính mà người có thẩm quyền không lập biên bản vi phạm hành chính ngay mà để thời gian sau mới lập thì đã vi phạm nguyên tắc lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 và Nghị định 118/2021/NĐ-CP.

Xem video hướng dẫn lập biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất

Lập biên bản không kịp thời có xử phạt được không?

Theo quan điểm của trangtinphapluat.com, trong trường hợp hành vi vi phạm đã phát hiện nhưng sau một thời gian dài mới lập biên bản vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền vẫn có quyền xử phạt nếu còn thời hiệu, thời hạn xử phạt vi phạm hành chính. Việc chậm trễ trong lập biên bản vi phạm hành chính không phải là căn cứ để không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

(Cách tính thời hiệu, thời hạn xử phạt vi phạm hành chính)

Và tại Khoản 5 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ nghiêm cấm hành vi “Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không kịp thời, không nghiêm minh, không đúng thẩm quyền, thủ tục, đối tượng quy định tại Luật này”, không nghiêm cấm hành vi lập biên bản không kịp thời.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính an toàn của quyết định xử phạt, (vì thực tế 2 vụ án nêu trên Tòa án đã viện dẫn việc lập biên bản VPHC không kịp thời để hủy quyết định xử phạt) người có thẩm quyền xử phạt không nên căn cứ vào biên bản vi phạm hành chính mới được lập để ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính . Tuy nhiên, người có thẩm quyền vẫn có quyền ban hành quyết định áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả hoặc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành để đảm bảo nguyên tắc mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

(Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thời hạn ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính)

Luật Xử lý vi phạm hành chính tại Khoản 2 Điều 65 có quy định các trường hợp không ban hành quyết định xử phạt mà áp dụng phạt bổ sung, khắc phục hậu quả khi hết thời hạn, thời hiệu xử phạt. Do đó, người có thẩm quyền xử phạt nên để quá thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính rồi ban hành quyết định áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả.

Trên đây là quan điểm của trangtinphapluat.com về việc xác định tính “kịp thời” trong lập biên bản vi phạm hành chính và việc xử phạt vi phạm hành chính khi lập biên bản không kịp thời. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc. Ý kiến vui lòng để ở mục bình luận bên dưới bài viết.

rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *