Biên bản vi phạm hành chính là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, cơ sở để ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả.
Chính vì vậy, khi tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền lập biên bản phải hết sức lưu ý các nội dung trong biên bản như điều khoản vi phạm, mô tả thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm, mời người làm chứng, đại diện chính quyền địa phương…Một vấn đề đặt ra là trong quá trình lập biên bản vi phạm hành chính có nhiều thành phần tham gia thì ai bắt buộc phải ký vào biên bản vi phạm hành chính?
(Hướng dẫn cách lập biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)
Người lập biên bản phải ký biên bản VPHC
Theo Khoản 3 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì: “Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký; trường hợp người vi phạm không ký được thì điểm chỉ; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì họ cùng phải ký vào biên bản; trường hợp biên bản gồm nhiều tờ, thì những người được quy định tại khoản này phải ký vào từng tờ biên bản. Nếu người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại từ chối ký thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản”. Như vậy, trong biên bản vi phạm hành chính bắt buộc người lập biên bản , người vi phạm, người chứng kiến phải ký, còn những người cùng tham gia trong đoàn kiểm tra mà không phải là người chứng kiến thì không nhất thiết phải ký.
Người vi phạm có bắt buộc ký biên bản VPHC?
Trong biên bản VPHC thì người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm phải ký vào biên bản vi phạm hành chính. Tuy nhiên, thực tế nhiều trường hợp người vi phạm có mặt nhưng không chịu ký biên bản, hoặc vắng mặt hoặc người đại diện cho doanh nghiệp vắng mặt nhưng ủy quyền bằng văn bản cho người có thẩm quyền của doanh nghiệp làm việc với người lập biên bản thì trường hợp này xử lý như thế nào?
Đối với trường hợp cá nhân vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không chịu ký biên bản vi phạm hoặc không hợp tác ký biên bản thì cần có 02 người chứng kiến hoặc mời đại diện chính quyền địa phương ký vào biên bản, lúc đó dù người vi phạm không ký thì biên bản vẫn có giá trị pháp lý.
Trường hợp đại diện của tổ chức vi phạm (giám đốc, chủ doanh nghiệp tư nhân…) không trực tiếp làm việc mà ủy quyền bằng văn bản cho người có thẩm quyền của doanh nghiệp làm việc với cơ quan có thẩm quyền thì trong biên bản họ sẽ ký với tư cách là người vi phạm (Theo quy định tại Điều 85 Bộ luật Dân sự 2015 thì: Đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền.)
Khi nào chính quyền địa phương ký vào biên bản
Trong mẫu biên bản vi phạm hành chính ban hành kèm theo Nghị định 97/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều cả Nghị định 81/2013/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, ở phần ký biên bản có phần dành cho đại diện chính quyền địa phương, vậy thì trong trường hợp nào buộc phải có đại diện chính quyền địa phương ký vào biên bản?
(Đại diện chính quyền cơ sở ký biên bản vi phạm hành chính gồm những ai?)
Theo quan điểm của người viết thì trong trường hợp người lập biên bản không phải là cán bộ công chức của UBND cấp xã mà thuộc các phòng, ban chuyên môn cấp huyện hoặc của các cơ quan ngành dọc như Thanh tra xây dựng, Quản lý thị trường…thì mới cần mời đại diện chính quyền địa phương tham dự và ký xác nhận để đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ.
(Người vi phạm có được ghi ý kiến vào biên bản vi phạm hành chính?)
Như vậy, không phải tất cả các thành viên có tên trong biên bản vi phạm hành chính buộc phải ký vào biên bản mà chỉ có một số thành phần bắt buộc như ở trên mới phải ký vào biên bản vi phạm hành chính.
(Các sai sót thường gặp trong xử phạt vi phạm hành chính cần biết để tránh)
Phương Thảo