Trong thực tiễn xử lý vi phạm hành chính có nhiều trường hợp một người nhưng có nhiều hành vi vi phạm ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong cùng vụ việc vi phạm hoặc nhiều người có cùng hành vi vi phạm trong một vụ việc thì việc lập biên bản vi phạm hành chính như thế nào cho đúng. Lập một biên bản hay mỗi hành vi vi phạm lập biên bản riêng?
Biên bản VPHC phải lập kịp thời
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì: “Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản”. Và tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được sửa đổi theo Nghị định 97/2017/NĐ-CP thì:
“Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính nhưng không có thẩm quyền xử phạt quy định tại khoản 1 Điều này chỉ có quyền lập biên bản về những vi phạm thuộc phạm vi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về việc lập biên bản.
Lập một hay nhiều biên bản vi phạm hành chính?
Trường hợp vụ việc vi phạm vừa có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, vừa có hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, thì người đó vẫn phải tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với tất cả các hành vi vi phạm và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính.”
(Hướng dẫn lập biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)
Căn cứ vào những quy định trên thì không nêu rõ một người có nhiều hành vi vi phạm trong một vụ việc hoặc nhiều người vi phạm trong một vụ việc thì lập một hoặc nhiều biên bản vi phạm hành chính. Thực tế có nơi lập chung 01 biên bản vi phạm hành chính, có nơi thì mỗi hành vi lập biên bản riêng. Vậy, lập biên bản VPHC như thế nào cho đúng trong trường hợp trên.
Pháp luật quy định chưa rõ
Theo quan điểm của trangtinphapluat.com thì:
Đối với trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm trong một vụ việc mà đều thuộc thẩm quyền của người lập biên bản thì có thể lập một hoặc nhiều biên bản thể hiện hành vi vi phạm. Trường hợp có hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền của người lập biên bản thì chỉ lập biên bản đối với hành vi thuộc thẩm quyền.
Đối với trường hợp nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hoặc nhiều hành vi vi phạm trong cùng một vụ vi phạm thì có thể lập một hoặc nhiều biên bản.
(Tổng hợp các sai sót thường gặp trong xử phạt vi phạm hành chính và cách khắc phục)
Việc lập một hoặc nhiều biên bản không ảnh hưởng đến việc ban hành quyết định xử phạt vVPHC. Bởi lẽ, theo Điều 67 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định khi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, như sau:
1. Trường hợp một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi VPHC mà bị xử phạt trong cùng một lần thì chỉ ra 01 quyết định xử phạt, trong đó quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính.
2. Trường hợp nhiều cá nhân, tổ chức cùng thực hiện một hành vi VPHC thì có thể ra 01 hoặc nhiều quyết định xử phạt để quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng cá nhân, tổ chức.
3. Trường hợp nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi VPHC khác nhau trong cùng một vụ vi phạm thì có thể ra 01 hoặc nhiều quyết định xử phạt để quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm của từng cá nhân, tổ chức.
Căn cứ vào quy định trên thì người lập biên bản vi phạm hành chính có quyền lựa chọn lập một hoặc nhiều biên bản vi phạm hành chính miễn sao thuận lợi trong quá lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Từ năm 2022 đã quy định rõ
Để khắc phục các hạn chế của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Quốc hội đã ban hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của LUật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 và Chính phủ ban hành Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, tại khoản 3 Điều 12 đã quy định cụ thể các trường hợp lập biên bản vi phạm hành chính:
“a) Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị lập một biên bản và ra quyết định xử phạt một lần. Trường hợp hành vi vi phạm đã bị lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền, vẫn cố ý thực hiện hành vi vi phạm đó, thì người có thẩm quyền phải áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính phù hợp để chấm dứt hành vi vi phạm. Khi ra quyết định xử phạt đối với hành vi đó, người có thẩm quyền xử phạt có thể áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại điểm i khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc xử phạt đối với hành vi không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền trong trường hợp nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước tương ứng có quy định và xử phạt đối với hành vi vi phạm đã lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt;
b) Trường hợp một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau trong cùng một vụ vi phạm, thì người có thẩm quyền lập một biên bản vi phạm hành chính, trong đó ghi rõ từng hành vi vi phạm;
c) Trường hợp nhiều cá nhân, tổ chức cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính trong cùng một vụ vi phạm, thì người có thẩm quyền có thể lập một hoặc nhiều biên bản vi phạm hành chính đối với từng cá nhân, tổ chức vi phạm. Trường hợp giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính khác nhau, thì người có thẩm quyền phải ghi rõ giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của từng cá nhân, tổ chức vi phạm;
d) Trường hợp nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau trong cùng một vụ vi phạm, thì người có thẩm quyền có thể lập một hoặc nhiều biên bản vi phạm hành chính, trong đó ghi rõ từng hành vi vi phạm của từng cá nhân, tổ chức;
đ) Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhiều lần, thì người có thẩm quyền lập một biên bản vi phạm hành chính, trong đó ghi rõ từng hành vi vi phạm và từng lần vi phạm.”
Rubi