Những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung trong Nghị định 81/2013/NĐ-CP

I. Các vấn đề đã được quy định trong Nghị định số 81/2013/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều và biện  pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính dự kiến sửa đổi, bổ sung.

  1. Về việc xác định tổ chức vi phạm hành chính:

          Bổ sung quy định về các tiêu chí xác định đối tượng vi phạm hành chính là tổ chức (Điều 1 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP).

  1. Về việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính:

  Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP thì việc quy định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính phải trên cơ sở các căn cứ sau đây: (i) Vi phạm nghiêm trọng được thực hiện do lỗi cố ý; (ii) Vật, tiền, hàng hóa, phương tiện là tang vật trực tiếp của vi phạm hành chính hoặc được trực tiếp sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính, mà nếu không có vật, tiền, hàng hóa, phương tiện này, thì không thể thực hiện được hành vi vi phạm.

  Quy định như Nghị định hiện hành đã dẫn đến các cách hiểu và áp dụng khác nhau: (i) Có ý kiến cho rằng, người có thẩm quyền xử phạt chỉ áp dụng hình thức xử phạt tịch thu đối với hành vi vi phạm hành chính tại các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính khi chứng minh được lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức vi phạm; (ii) Có ý kiến cho rằng, việc áp dụng tịch thu căn cứ theo quy định của nghị định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa là nghị định có quy định áp dụng hình thức xử phạt tịch thu đối với hành vi vi phạm hành chính thì mặc nhiên áp dụng hình thức xử phạt đó, không đặt ra vấn đề chứng minh lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức vi phạm.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
Những nội dung cần sửa đổi của Nghị định 81/2013/NĐ-CP

Do đó, cần bổ sung quy định: Việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với vi phạm hành chính được thực hiện khi nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực có quy định cụ thể hình thức xử phạt này đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể.

  1. Các yêu cầu đối với văn bản giao quyền:

  Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định: Văn bản giao quyền phải xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền; văn bản giao quyền phải đánh số, ghi rõ ngày, tháng, năm, ký và đóng dấu; trường hợp cơ quan, đơn vị của người giao quyền không được sử dụng dấu riêng, thì đóng dấu treo của cơ quan cấp trên. Phần căn cứ pháp lý ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cấp phó được giao quyền phải thể hiện rõ số, ngày, tháng, năm, trích yếu của văn bản giao quyền.

  Quy định này cần được sửa đổi, bổ sung để làm rõ hơn, cụ thể hơn một số vấn đề sau:

  – Trong thời gian cấp trưởng giao quyền cho cấp phó thì cấp trưởng có được thực hiện thẩm quyền của mình theo quy định hay không;

Ủy quyền cưỡng chế vi phạm hành chính
Ủy quyền cưỡng chế vi phạm hành chính

  – Văn bản giao quyền là một văn bản độc lập, được lưu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính;

  – Tên gọi của Văn bản giao quyền để thống nhất áp dụng (công văn, thông báo, quyết định…).

  Việc sửa đổi quy định về việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính cũng liên quan đến Mẫu văn bản giao quyền xử lý vi phạm hành chính (Mẫu biểu MVBGQ) tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 81/20138/Đ-CP.

  1. Về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính:

  Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định: Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1 Điều này chỉ có quyền lập biên bản về những vi phạm thuộc phạm vi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về việc lập biên bản.

  Trên thực tế, có những vụ việc vi phạm khi được phát hiện có thể bao gồm nhiều hành vi vi phạm hành chính thuộc các lĩnh vực quản lý khác nhau, người có thẩm quyền lập biên bản phải tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với tất cả các hành vi vi phạm liên quan đến vụ việc để bảo đảm nguyên tắc “mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời” (quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC), sau đó, biên bản phải được chuyển ngay đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật XLVPHC.

          Do vậy, cần bổ sung quy định về các trường hợp sau:

          – Nếu vụ việc vi phạm chỉ có một hoặc một số hành vi vi phạm thuộc một lĩnh vực quản lý nhà nước thì việc lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm phải do người có thẩm quyền lập biên bản được quy định tại nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước lập.

  – Nếu vụ việc vi phạm có nhiều hành vi vi phạm thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau thì người có thẩm quyền lập biên bản phát hiện ra vụ việc đó phải tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với tất cả các hành vi vi phạm liên quan đến vụ việc và chuyển ngay đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật XLVPHC.

  1. Về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính:

  Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định: Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị lập biên bản và ra quyết định xử phạt một lần. Trên thực tế, có trường hợp biên bản vi phạm hành chính đã được lập nhưng có sai sót, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính lúng túng, không biết có được phép sửa đổi, bổ sung biên bản đó hay không?

  Do vậy, cần bổ sung quy định về trường hợp lập biên bản xác minh sau khi đã lập biên bản vi phạm hành chính. Cụ thể như sau:

– Trường hợp hành vi vi phạm hành chính đã bị lập biên bản vi phạm hành chính nhưng sau đó, qua quá trình xác minh các tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính, cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phát hiện ra những sai sót trong biên bản vi phạm hành chính thì có thể lập biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 59 của Luật XLVPHC để sửa đổi, bổ sung những nội dung bị sai sót trong biên bản vi phạm hành chính đã lập trước đó.

  – Biên bản xác minh này cũng phải được lập theo đúng thủ tục, trình tự quy định tại Điều 58 Luật XLVPHC và có đầy đủ chữ ký của những người có liên quan: cá nhân hoặc đại diện tổ chức vi phạm; người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại (nếu có) và là tài liệu gắn liền với biên bản vi phạm hành chính trình người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời, được lưu trong hồ sơ vi phạm hành chính.

  1. Về việc thực hiện dịch vụ thu, nộp hộ tiền phạt vi phạm hành chính cho người bị xử phạt vi phạm hành chính qua hệ thống bưu điện bằng hình thức bảo đảm:

  Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và khoản 1 Điều 10 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định về các hình thức thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính, theo đó, ngoài Kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước ủy nhiệm thu tiền phạt, người có thẩm quyền xử phạt và một số chức danh trong một số trường hợp đặc biệt thì không có cá nhân, tổ chức nào khác được thực hiện việc thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính.

          Hiện nay, thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 04/02/2016 của Chính phủ (Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2016), Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đang thực hiện dịch vụ thu, nộp hộ tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và chuyển giấy tờ tạm giữ cho người bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nhằm bảo đảm thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt. Tại Nghị quyết số 10/NQ-CP, Chính phủ cũng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến vấn đề này tại Nghị định số 81/2013/NĐ-CP nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai áp dụng trên thực tiễn.

  1. Về hình thức thực hiện việc nộp tiền phạt

          Đoạn 1 Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định: Trong trường hợp quyết định xử phạt chỉ áp dụng hình thức phạt tiền mà cá nhân bị xử phạt không cư trú, tổ chức bị xử phạt không đóng trụ sở tại nơi xảy ra hành vi vi phạm thì theo đề nghị của cá nhân, tổ chức bị xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt quyết định nộp tiền phạt theo hình thức nộp phạt quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này và gửi quyết định xử phạt cho cá nhân, tổ chức vi phạm qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 10 của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP không có điểm b (lỗi kỹ thuật). Do vậy, cần chỉnh quy định sửa dẫn chiếu tại Đoạn 1 Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP thành “Điểm b Khoản 1 Điều này” cho chính xác.

          Ngoài ra, cần bổ sung quy định làm rõ “nơi xảy ra hành vi vi phạm” được tính theo đơn vị nào: xã/phường/thị trấn hay huyện/quận/thị xã/thành phố thuộc tỉnh hay tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

  1. Việc xác định tuổi của đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính:

          Điều 13 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định về việc xác định tuổi của đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, không có quy định về việc xác định tuổi của người bị xử phạt vi phạm hành chính.

  Do vậy, cần sửa đổi tên gọi của Điều 13 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP như sau: Xác định tuổi của đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính.

          Bên cạnh đó, cần rà soát lại nội dung của Điều 13 để quy định chung về việc xác định tuổi của đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính.

  1. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định tại Chương II Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (Quản lý nhà nước về thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính)

   Sửa đổi, bổ sung các quy định về kiểm tra, kiểm tra liên ngành, phối hợp thanh tra, báo cáo, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp (các điều 21, 22, 23, 25 và 30) nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

II. Các vấn đề chưa được quy định trong Nghị định số 81/2013/NĐ-CP

  1. Giải thích từ ngữ “hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc”, “hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện”:

          Luật XLVPHC và Nghị định số 81/2013/NĐ-CP chưa có quy định cụ thể về việc xác định thế nào là “hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc”, “hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện” (quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 của Luật XLVPHC) để có căn cứ xác định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

  Do vậy, cần bổ sung quy định tại Nghị định số 81/2013/NĐ-CP để hướng dẫn cụ thể nội dung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 của Luật XLVPHC.

  1. Về địa điểm lập biên bản vi phạm hành chính:

  Luật XLVPHC và Nghị định số 81/2013/NĐ-CP chưa có quy định cụ thể hướng dẫn về địa điểm lập biên bản vi phạm hành chính: phải lập tại nơi xảy ra hành vi vi phạm hay có thể lập ở nơi khác, không phải nơi xảy ra hành vi vi phạm?

(Hướng dẫn lập biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)

  1. Về việc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mới

Khoản 3 Điều 18 Luật XLVPHC quy định về việc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mới, tuy nhiên, chưa có hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành quyết định mới nên các cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt lúng túng trong quá trình thực hiện quy định này.

Do vậy, cần bổ sung quy định chi tiết về điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mới.

  1. Về việc giải trình:

Khoản 1 Điều 61 Luật XLVPHC quy định một trong những trường hợp áp dụng thủ tục giải trình là “… áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15 triệu đồng trở lên đối với cá nhân và từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức….”. Quy định này hiện nay đang có hai cách hiểu và áp dụng khác nhau: (i) Giải trình được áp dụng khi hành vi vi phạm bị người có thẩm quyền xem xét áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt là từ 15 triệu đồng trở lên đối với cá nhân và từ 30 triệu đồng trở lên đối với tổ chức; (ii) Giải trình được áp dụng khi mức cao nhất của khung phạt tiền được pháp luật quy định đối với hành vi vi phạm đó là từ 15 triệu trở lên đối với cá nhân và từ 30 triệu đồng trở lên đối với tổ chức.

  1. Các vấn đề liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính của chức danh Trưởng đoàn thanh tra:

Luật XLVPHC và các nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật chưa có quy định cụ thể về các vấn đề như: việc xác định thời điểm thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của chức danh Trưởng đoàn thanh tra; xử lý trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Trưởng đoàn thanh tra bị khiếu nại, khởi kiện sau khi kết thúc thanh tra; việc sử dụng con dấu của thanh tra viên, Trưởng đoàn Thanh tra.

Xin ý kiến thành viên BST, TBT: Có cần thiết bổ sung quy định hướng dẫn chi tiết các vấn đề: xác định thời điểm thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của chức danh Trưởng đoàn thanh tra; xử lý trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Trưởng đoàn thanh tra bị khiếu nại, khởi kiện sau khi kết thúc thanh tra; việc sử dụng con dấu của thanh tra viên, Trưởng đoàn Thanh tra tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 81/2013/NĐ-CP không?

  1. Về quy định buộc đối tượng vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước trong trường hợp họ chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính:

  Đoạn 2 khoản 1 Điều 126 Luật XLVPHC quy định buộc đối tượng vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước trong trường hợp họ chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính. Tuy nhiên, quy định này rất khó triển khai áp dụng trên thực tế do chưa có quy định chi tiết hướng dẫn thi hành trong các văn bản dưới Luật về vấn đề này.

  D vậy, cần bổ sung quy định cụ thể về: hình thức nộp tiền (hình thức xử phạt tịch thu phương tiện vi phạm hành chính); trình tự, thủ tục nộp tiền; thời điểm nộp tiền; thời điểm trả lại tài sản cho chủ sở hữu hợp pháp…

  1. Về việc bảo quản tang vật, phương tiện sau khi hết thời hạn tạm giữ:

  Khoản 4 Điều 126 Luật XLVPHC quy định: “Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quá thời hạn tạm giữ nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo, niêm yết công khai, nếu người vi phạm không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định tại Điều 82 của Luật này”.

  Quy định nêu trên chưa thể hiện rõ ai là người có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện sau khi hết thời hạn tạm giữ (trong thời gian thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ và thời gian 30 ngày, kể từ ngày thông báo, niêm yết công khai).

   Do vậy, cần bổ sung quy định tại Nghị định số 81/2013/NĐ-CP để cụ thể hóa quy định tại Khoản 4 Điều 126 Luật XLVPHC theo hướng: Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã quá thời hạn tạm giữ nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ vẫn phải có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện đó trong thời gian thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ.

   Trường hợp sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo cuối cùng trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai, nếu người vi phạm không đến nhận thì người ra quyết định tạm giữ vẫn tiếp tục bảo quản tang vật, phương tiện đó và phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định tại Điều 82 của Luật XLVPHC.

  1. Về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện đối với tổ chức vi phạm hành chính:

   Khoản 1 Điều 52 Luật XLVPHC quy định thẩm quyền xử phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần đối với cá nhân, trong khi đó, thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính lại được xác định theo mức tiền phạt (được quy định đối với cá nhân vi phạm hành chính). Do Luật XLVPHC chưa quy định rõ về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện đối với tổ chức vi phạm hành chính nên hiện nay có hai cách hiểu và áp dụng khác nhau: (i) Thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức được xác định theo giá trị tang vật, phương tiện và bằng mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; (ii) Thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được xác định như thẩm quyền phạt tiền, tức là, thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện đối với tổ chức vi phạm hành chính cũng gấp 02 lần đối với cá nhân vi phạm hành chính.

  Bổ sung quy định tại Nghị định số 81/2013/NĐ-CP: thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được xác định như thẩm quyền phạt tiền, tức là, thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện đối với tổ chức vi phạm hành chính cũng gấp 02 lần đối với cá nhân vi phạm hành chính.

  1. Về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả độc lập trong những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính:

   Hiện tại, chưa có quy định về việc nếu nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể không quy định biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi đó thì người có thẩm quyền xử phạt có được áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả độc lập trong những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 65 Luật XLVPHC hay không? (Ví dụ: Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã không quy định biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính thông đồng, dìm giá trong quá trình tham gia đấu giá. Nếu vụ việc vi phạm hành chính đã hết thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt nhưng có được ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hay không).

   Bổ sung quy định tại Nghị định số 81/2013/NĐ-CP: Trường hợp nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm không quy định biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi đó nhưng nếu vụ việc thuộc trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 65 Luật XLVPHC thì người có thẩm quyền xử phạt vẫn có quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp với hậu quả do hành vi vi phạm gây ra được quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật XLVPHC.

   Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung Mẫu quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (Mẫu biểu MQĐ 08) tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 81/20138/Đ-CP cho phù hợp.

  1. Về quy định “đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn”:

   Quy định “đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn” tại các điều 92, 94 và 96 Luật XLVPHC, hiện tại có nhiều cách hiểu khác nhau: chỉ cần có quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn (không nhất thiết đã chấp hành xong) hay phải chấp hành xong quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn và được cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn?

   Bổ sung quy định tại Nghị định số 81/2013/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể như thế nào được coi là “đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn”.

  1. Việc xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính là hàng cấm:

   Điều 60 Luật XLVPHC khó thực hiện đối với một số trường hợp tang vật vi phạm hành chính là hàng cấm (pháo nổ, đồ chơi bạo lực; thực vật rừng, động vật rừng thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) như: ngà voi, sừng tê giác; phế liệu nhập khẩu gây ô nhiễm môi trường…) do các mặt hàng này không phổ biến hoặc không được phép lưu thông, mua bán trên thị trường để Hội đồng định giá có thể tham khảo giá.

   Do vậy, cần bổ sung quy định tại Nghị định số 81/2013/NĐ-CP hướng dẫn việc xác định giá trị của hàng cấm. Theo đó, đối với tang vật vi phạm hành chính là hàng cấm thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc không phải xác định giá trị tang vật. Trường hợp người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc là chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cao nhất trong lĩnh vực quản lý thì người đó ra quyết định tạm giữ tang vật và tiếp tục tiến hành các thủ tục xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc không phải là chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cao nhất trong lĩnh vực quản lý thì người đó ra quyết định tạm giữ tang vật, sau đó chuyển vụ việc vi phạm cho người có thẩm quyền xử phạt cao nhất.

  1. Việc lập biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với các vụ vi phạm do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến:

   Điều 63 Luật XLVPHC chưa quy định rõ việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các vụ vi phạm do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến thì có phải lập biên bản vi phạm hành chính hay không?

   Bổ sung quy định tại Nghị định số 81/2013/NĐ-CP hướng dẫn việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các vụ vi phạm do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến thì không phải lập biên bản vi phạm hành chính, vì khoản 2 Điều 63 Luật XLVPHC đã quy định: Việc xử phạt vi phạm hành chính được căn cứ vào hồ sơ vụ vi phạm do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến. Chỉ trong trường hợp cần thiết, thì người có thẩm quyền xử phạt mới phải tiến hành xác minh thêm tình tiết để làm căn cứ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (theo quy định tại Điều 59 Luật XLVPHC).

  1. Việc tiếp nhận và chuyển hóa các thông tin, hình ảnh về hành vi vi phạm được phát hiện từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phục vụ cho việc xử phạt vi phạm hành chính:

   Điều 64 Luật XLVPHC về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện vi phạm hành chính chưa quy định, hướng dẫn cụ thể thủ tục tiếp nhận và chuyển hóa các thông tin, hình ảnh về hành vi vi phạm được phát hiện từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phục vụ cho việc xử phạt vi phạm hành chính.

   Bổ sung quy định tại Nghị định số 81/2013/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể thủ tục tiếp nhận và chuyển hóa các thông tin, hình ảnh về hành vi vi phạm được phát hiện từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phục vụ cho việc xử phạt vi phạm hành chính.

  1. Giải thích từ ngữ “vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp”:

   Điều 66 Luật XLVPHC chưa giải thích rõ thế nào là “vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp”.

   Bổ sung quy định tại Nghị định số 81/2013/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể Điều 66 Luật XLVPHC liên quan đến việc xác định “vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp”.

  1. Giải thích từ ngữ “cố tình trốn tránh, trì hoãn” và “thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn”:

   Điều 74 Luật XLVPHC chưa giải thích rõ thế nào là “cố tình trốn tránh, trì hoãn” và “thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn”.

   Bổ sung quy định tại Nghị định số 81/2013/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể Điều 74 Luật XLVPHC liên quan đến việc xác định thế nào là “cố tình trốn tránh, trì hoãn” và “thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn”.

  1. Về thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế:

   Điều 88 Luật XLVPHC chưa có quy định về thời điểm người ra quyết định cưỡng chế phải tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

   Tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP cũng quy định: “Thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế là 15 ngày, kể từ ngày nhận quyết định cưỡng chế; trường hợp quyết định cưỡng chế có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 15 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó”. Tuy nhiên, quy định này chưa rõ ràng, dẫn đến những cách hiểu và áp dụng khác nhau: có quan điểm cho rằng, đây là thời hạn đối tượng bị cưỡng chế phải thi hành quyết định cưỡng chế; có quan điểm cho rằng, đây là thời hạn người ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

   Bổ sung quy định tại Nghị định số 81/2013/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày cá nhân, tổ chức nhận được quyết định cưỡng chế, người ra quyết định cưỡng chế phải tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định cưỡng chế có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 15 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

   III. Về các biểu mẫu ban hành kèm theo Nghị định số 81/2013/NĐ-CP

  1. Về thể thức:

   Các biểu mẫu ban hành kèm theo Nghị định số 81/2013/NĐ-CP đều ghi tên cơ quan chủ quản của cơ quan ra quyết định hoặc lập biên bản. Tuy nhiên, riêng đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Chủ tịch UBND các cấp ban hành thì UBND cấp trên không phải là cơ quan chủ quản của UBND cấp dưới. Do vậy, việc yêu cầu ghi tên cơ quan chủ quản của UBND là chưa chính xác. Do vậy, cần sửa đổi, bổ sung các biểu mẫu theo hướng:

– Rà soát, chỉnh sửa lại toàn bộ các biểu mẫu theo đúng thể thức văn bản hành chính.

   – Riêng đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Chủ tịch UBND các cấp ban hành, chỉ ghi UBND xã…, huyện…, tỉnh…; không có tên cơ quan chủ quản.

  1. Mẫu biểu MQĐ 08 về quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính:

   Mẫu biểu MQĐ 08 về quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, nội dung của mẫu này không phù hợp để áp dụng đối với các trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính hoặc cá nhân vi phạm hành chính chết, mất tích, tổ chức vi phạm hành chính đã giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt.

   Do vậy, cần quy định bổ sung biểu mẫu riêng áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính do không xác định được đối tượng vi phạm hành chính hoặc cá nhân vi phạm hành chính chết, mất tích, tổ chức vi phạm hành chính đã giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt

  1. Mẫu biểu MBB 01 (Biên bản vi phạm hành chính):

   Tại Mẫu biểu MBB 01 (Biên bản vi phạm hành chính), trong phần những người tham gia lập biên bản ký tên có “Đại diện chính quyền” (ký, ghi rõ chức vụ, họ tên) quy định như vậy gây khó khăn trong việc lập biên bản vi phạm hành chính vì không phải khi nào lập biên bản vi phạm hành chính cũng mời được đại diện chính quyền địa phương.

  Bổ sung vào phần chú thích của Mẫu biểu MBB 01 theo hướng: Đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm ký vào biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản (theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật XLVPHC).

  1. Mẫu văn bản giao quyền xử lý vi phạm hành chính (Mẫu biểu MVBGQ):

  Mẫu văn bản giao quyền xử lý vi phạm hành chính (Mẫu biểu MVBGQ) tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 81/20138/Đ-CP cần được sửa đổi vì:

  – Phần giải thích của mẫu văn bản giao quyền xử phạt VPHC (mục 3) hướng dẫn hình thức của Văn bản giao quyền có thể là công văn, thông báo, quyết định… do dó, dẫn đến việc thực hiện không thống nhất.

  – Trên thực tế, cấp trên giao quyền cho cấp dưới thực hiện việc ban hành các quyết định liên quan đến việc xử phạt VPHC là mệnh lệnh hành chính đơn phương, nên các chủ thể thường ban hành bằng một quyết định hành chính. Vì vậy, việc quy định hai bên cùng ký vào văn bản giao quyền là chưa phù hợp.

  Do vậy, cần quy định thống nhất hình thức của văn bản giao quyền và chỉ cần người giao quyền ký tên, đóng dấu (nếu có) vào văn bản giao quyền (người được giao quyền không cần ký).

  1. Việc bổ sung biểu mẫu:

  Thiếu biểu mẫu Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Điều 33 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng chỉ quy định những nội dung chính cần phải có trong Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả chứ không quy định biểu mẫu cụ thể, cho nên gây ra nhiều lúng túng và khó khăn trong việc sử dụng biểu mẫu Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Do vậy, cần bổ sung biểu mẫu Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

Phương Thảo

Theo tài liệu cuộc họp sửa đổi Nghị định 81

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *