Những vướng mắc trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông

Blog trangtinphapluat.com tổng hợp, giới thiệu những khó khăn, vướng mắc trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông mà cụ thể là các quy định của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (hiện nay áp dụng theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt) và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan

1. Những vướng mắc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính

– Tại khoản 2 Điều 47 Luật XLVPHC đã quy định thẩm quyền xử phạt của Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, nhưng không quy định thẩm quyền xử phạt của Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa thuộc địa phương, trong khi số lượng các cảng vụ đường thủy nội địa thuộc địa phương quản lý chiếm tỷ lệ rất lớn, việc này làm giảm hiệu quả của công tác phát hiện và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.

– Tại Điều 8, Điều 15 Nghị định số 57/2013/NĐ-CP quy định Thanh tra Sở GTVT được tổ chức các Đội nghiệp vụ; Bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức thành Vụ; tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cảng vụ Hàng không, Cảng vụ Hàng hải, Cảng vụ Đường thủy nội địa tổ chức thành Phòng; tại Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức thành Phòng và đội; tại Chi cục Đường thủy nội địa, Cơ quan quản lý đường bộ ở khu vực tổ chức thành đội…

Biểu mẫu Xử phạt hành chính lĩnh vực giao thông
Những hạn chế, bất cập trong Xử phạt vi phạm giao thông

Nhưng Đội trưởng Đội nghiệp vụ thuộc Sở GTVT, Đội trưởng đội thuộc Cơ quan quản lý đường bộ ở khu vực không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đều do Chánh Thanh tra Sở, Thủ trưởng Cơ quan quản lý đường bộ ở khu vực thực hiện (số lượng hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành rất ít). Điều này gây khó khăn trong công tác xử phạt cho lực lượng Thanh tra GTVT, đặc biệt tại các đơn vị có số lượng xử lý vi phạm hành chính lớn, địa bàn trách nhiệm rộng.

– Hiện nay mức phạt tiền tối đã trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 40.000.000 đồng đối với cá nhân (Khoản 1 Điều 24 Luật XLVPHC), mức phạt này thấp hơn so mức phạt tiền trong lĩnh vực giao thông đường sắt, đường thủy nội địa trong khi tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đường bộ không ít nguy hiểm hơn so với hai lĩnh vực nêu trên; một số hành vi vi phạm nghiêm trọng nhưng mức xử phạt không tương xứng với hành vi phạm như hành vi chở quá số người chỉ khống chế ở mức 40 triệu kể cả số tiền/số người vi phạm vượt hơn số đó.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 1 Điều 24 và khoản 4 Điều 39 Luật xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền xử phạt của lực lượng công an nhân dân trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì Giám đốc Công an tỉnh, Chánh Thanh tra Sở được phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa (tương ứng tối đa 20.000.000 đồng đối với cá nhân; 40.000.000 đồng đối với tổ chức); Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục CSGT, Trưởng phòng CSGT Công an cấp tỉnh được phạt tiền đến 20% mức tiền phạt tối đa (tương ứng tối đa 8.000.000đ đối với cá nhân; 16.000.000 đồng đối với tổ chức). Tuy nhiên hiện nay, các hành vi vi phạm thường xuyên xảy ra trong lĩnh vực GTĐB có mức phạt rất cao, vượt quá thẩm quyền xử phạt của Giám đốc Công an tỉnh, Chánh Thanh tra Sở, Trưởng phòng CSGT cấp tỉnh (đây là chức danh trực tiếp chỉ đạo các lực lượng thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát và xử phạt vi phạm hành chính trên đường), dẫn đến tình trạng phải chuyển hồ sơ vi phạm lên cấp có thẩm quyền để ra quyết định xử phạt, làm chậm và phát sinh khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB.

– Về thời hạn tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe:

Khoản 3 Điều 25 Luật XLVPHC quy định “Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, thời hạn đình chỉ hoạt động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành. Người có thẩm quyền xử phạt giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Những hạn chế, bất cập trong Xử phạt vi phạm giao thông
Xử phạt hành chính lĩnh vực giao thông

Tuy nhiên, hiện nay một số hành vi vi phạm quy tắc giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ như vi phạm quy định về nồng độ cồn, điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm quy định về giao thông trên đường cao tốc… có tính chất, mức độ vô cùng nguy hiểm, khả năng gây TNGT với hậu quả rất nghiêm trọng. Việc quy định hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng GPLX từ 4-6 tháng hoặc      22 – 24 tháng là chưa đủ sức răn đe.

– Về việc thầm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính:

Hiện nay, thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được thể hiện tại Khoản 3 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính “3. Người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quy định tại Chương II Phần thứ hai của Luật này thì có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.”

(Người bị bệnh tâm thần vi phạm pháp luật giao thông có bị xử phạt vi phạm hành chính?)

Mặt khác, tại Khoản 5 Điều 125 Luật XLVPHC quy định Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản kèm theo biên bản tạm giữ và phải giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm 01 bản và Khoản 8 Điều 125 quy định Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thực tế.

Trên thực tế hiện nay, để ngăn chặn ngay những hành vi vi phạm hành chính như vi phạm quy định về nồng độ cồn… người có thẩm quyền lập biên bản (chiến sĩ công an, thanh tra viên) đã lập biên bản và tạm giữ phương tiện để ngăn chặn hành vi sẽ có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, trong biên bản vi phạm hành chính ghi cụ thể nội dung liên quan đến việc tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính như chủng loại, số hiệu, biển số, tình trạng…trong khi đa số các hành vi này đều vượt quá thẩm quyền của người lập biên bản vi phạm hành chính. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu quy định về việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính để đảm bảo tính khả thi trên thực tế đặc biệt việc tạm giữ phương tiện tham giao thông để ngăn chặn những hành vi có khả năng gây nguy hiểm, mất an toàn giao thông cao; hoặc cho phép người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính thẩm được tạm giữ phương tiện để ngăn chặn hành vi vi phạm có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội như quy định tại Khoản 4 Điều 125 Luật XLVPHC.

(Hướng dẫn lập biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)

– Về quy định đối với người chứng kiến khi lập biên bản vi phạm hành chính chính:

Tại Điều 58 Luật XLVPHC quy định Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến.”

Các sai sót thường gặp trong xử lý vi phạm hành chính
Người chứng kiến lập biên bản vi phạm hành chính

Trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nhiều hành vi vi phạm của chủ phương tiện được phát hiện thông qua việc phát hiện hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện (lái xe), tại thời điểm đó, người có thẩm quyền lập biên bản lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện và người lái xe lúc này đã ký biên bản với vai trò là người làm chứng, có thể nộp tiền phạt thay cho chủ phương tiện. Việc đề nghị, tìm thêm một người làm chứng để ký vào biên bản lập hành vi vi phạm của chủ phương tiện là không cần thiết đồng thời gây bức xúc cho người lái xe phải chờ đợi để hoàn tất thủ tục, gây khó khăn, phức tạp cho các lực lượng chức năng.

(Ai có thể làm người chứng kiến trong biên bản vi phạm hành chính)

– Thủ tục giải quyết các phương tiện bị tạm giữ nhưng chủ phương tiện, người vi phạm không đến nhận lại còn rườm rà, phức tạp vì vậy số lượng phương tiện bị tồn đọng lớn gây lãng phí xã hội, tăng áp lực đối với các cơ quan thực thi công vụ.

– Các biểu mẫu biên bản, quyết định áp dụng trong xử phạt chưa thống nhất.

(Tổng hợp biểu mẫu xử phạt vi phạm hành chính mới nhất)

– Một số hành vi vi phạm trong thực tế có xảy ra nhưng không xử lý được vì thiếu phương tiện kỹ thuật như: hành vi liên quan đến khí thải, âm lượng còi, độ ồn…

2. Những vướng mắc, khó khăn theo quy định của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP và các văn bản QPPL có liên quan khác

– Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đường sắt được ban hành mới, cụ thể Luật Đường sắt được ban hành vào ngày 16/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018, theo đó đã xây dựng và được ban hành 03 Nghị định và 21 Thông tư; trong lĩnh vực đường bộ các Nghị định kinh doanh và điều kiện kinh doanh đào tạo, sát hạch lái xe, thẩm tra ATGT, thẩm tra viên, quy định liên quan đến việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng và 09 Thông tư liên quan trực tiếp đến công tác đảm bảo ATGTĐB trong lĩnh vực đường bộ đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế vì vậy cần thiết phải mô tả lại, quy định bổ sung chế tài xử phạt.

– Chế tài xử phạt của những hành vi là nguyên nhân gây mất ATGT theo thống kê của Bộ Công an từ năm 2016 đến nay còn thấp mà nguyên nhân gây tai nạn giao thông chủ yếu là do lỗi của người điều khiển phương tiện vi phạm quy tắc giao thông gây ra (chiếm 95,81%), trong đó: đi không đúng chiều đường, phần đường, làn đường (chiếm 33,78%); chuyển hướng không đúng quy định (chiếm 13,65%); không giữ khoảng cách an toàn đối với xe chạy phía trước (chiếm 12,14%); không chấp hành quy định về tốc độ (chiếm 9,61%); vượt xe không đúng quy định (chiếm 6,98%); không chấp hành quy định nhường đường tại nơi giao nhau (chiếm 5,74%); sử dụng rượu bia quá nồng độ quy định (chiếm 3,93%); không chú ý quan sát gây tai nạn (chiếm 3,60%); không chấp hành báo hiệu đường bộ (chiếm 3,07%); mệt mỏi, ngủ gật (chiếm 2,51%); tránh xe đi ngược chiều không đúng quy định (chiếm 1,90%); không thực hiện đúng quy trình thao tác lái xe (chiếm 1,37%); lùi xe không đúng quy định (chiếm 1,14%); dừng, đỗ phương tiện không đúng quy định (chiếm 0,55%); sử dụng chất ma túy (chiếm 0,031%).

– Nhiều hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông đường bộ đang diễn ra trên thực tế chưa được quy định trong Nghị định xử phạt như: hành vi lắp thêm đèn chiếu sáng phía trước của các xe ô tô, gây ảnh hưởng, mất an toàn giao thông đối với xe đi ngược chiều, trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng người lái xe sử dụng ma túy, cấp giấy vận tải, lệnh vận chuyển cho lái xe hoặc đảm bảo nội dung theo quy định, hành vi sử dụng giấy phép lái xe mà giấy phép đó đã khai báo mất để được cấp lại; hành vi vi phạm của các đơn vị sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô; chở hàng quá sức chở của đầu kéo…; các hành vi vi phạm liên quan đến điều kiện của phương tiện như:  không làm thủ tục đổi lại Giấy đăng ký xe; không chấp hành việc thu hồi Giấy đăng ký xe, biển số xe; Đưa phương tiện có Giấy đăng ký xe nhưng không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa tham gia giao thông; đưa phương tiện có Giấy đăng ký xe nhưng không đúng với số khung số máy của xe tham gia giao thông; Đưa phương tiện không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số) tham gia giao thông; đưa phương tiện gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp tham gia giao thông;

– Việc xử lý hành vi vi phạm quy định về xếp hàng lên xe ô tô của các nhà máy, khu vật liệu, mỏ… gặp khó khăn do Nghị định quy định xử phạt đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải;

– Một số hành vi, nhóm hành vi vi phạm về quy tắc giao thông như đi đúng làn đường, phần đường, vi phạm quy định khám sức khỏe cho người lái xe, bố trí người điều hành vận tải…còn có sự tranh cãi, hiểu khác nhau cần mô tả lại rõ ràng, phù hợp với thực tế.

– Một số hành vi vi phạm trong thực tế có xảy ra nhưng không xử lý được vì thiếu phương tiện kỹ thuật như: hành vi liên quan đến khí thải, âm lượng còi, độ ồn…

– Các quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực đường sắt không còn phù hợp theo quy định của Luật Đường sắt năm 2017 như một số quy định liên quan đến kinh doanh sản xuất, lắp ráp, hoán cải, phục hồi phương tiện giao thông, kinh doanh xếp, dỡ hàng hóa tại ga, bãi hàng đường sắt, kinh doanh lưu kho, bảo quản hàng hóa tại ga đường sắt; về  cấp chứng chỉ an toàn cho doanh nghiệp kinh doanh đường sắt…;

– Nhiều hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông đường sắt đang diễn ra trên thực tế chưa được quy định trong Nghị định xử phạt như: phương tiện giao thông đường sắt quá thời hạn đăng kiểm; bơm nước vào phạm vi bảo vệ công trình đường sắt; để dây điện, dây thông tin vi phạm phạm vi bảo vệ đường sắt; chủ đầu tư tiếp tục xây dựng, thi công hoặc không tự giác tháo dỡ công trình sau khi bị đình chỉ hoặc thu hồi Giấy phép thi công do vi phạm quy định của pháp luật; tự ý mở chắn đường ngang khi chắn đã đóng; hành vi của nhân viên tuần đường không đi tuần đường trên đường sắt mà đi xe máy hoặc đi xe đạp trên đường bộ; nhân viên tuần hầm, tuần cầu không kiểm tra trạng thái cầu, hầm trước và sau khi tàu chạy qua; nhân viên đường sắt tực tiếp phục vụ chạy tàu ngủ khi lên ban hoặc không có mặt, bỏ vị trí làm việc; lái tàu, phụ lái tàu rời vị trí khi đầu máy đang hoạt động…; các hành vi vi phạm về đường sắt đô thị theo quy định của Luật Đường sắt năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện chưa được quy định trong Nghị định xử phạt;

– Các khái niệm, giải thích từ ngữ, thuật ngữ trong lĩnh vực đường sắt có sự thay đổi theo quy định của Luật Đường sắt năm 2017 và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường sắt được ban hành theo Thông tư số 32/2018/TT-BGTVT vì vậy nhiều hành vi cần mô tả lại cho phù hợp.

– Trong thời gian qua, người dân rất tích cực trong việc phát hiện, ghi nhận những hành vi vi phạm nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận gửi các lực lượng chức năng xem xét, xử lý; căn cứ từng vụ việc cụ thể, các lực lượng chức năng đã dùng các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, xác minh và xử lý vi phạm kịp thời, ngăn chặn các hành vi vi phạm tương tự, nhận được sự đồng tình của dư luận; tuy nhiên, hiện nay còn thiếu khung pháp lý quy định về nội dung này.

Mặt khác, các chủ phương tiện thiếu hợp tác trong quá trình xử lý vi phạm thông qua trang thiết bị, kỹ thuật vì vậy đã hạn chế hiệu quả trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nhưng hiện nay chưa có quy định cụ thể các trường hợp này gây khó khăn cho các lực lượng thực thi công vụ, thiếu tính răn đe đối với người vi phạm.

– Tại Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT ngày  09 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, quy định về việc tiếp nhận thông tin của lực lượng chức năng đưa lên cảnh báo trên Chương trình quản lý kiểm định của cơ quan đăng kiểm để từ chối kiểm định đối với các phương tiện vi phạm đã góp phần tạo nâng cao trách nhiệm của chủ phương tiện, tăng cường hiệu quả trong xử lý vi phạm, tuy nhiên, quy định hiện nay chưa đảm bảo tính đồng bộ trong quy định về thủ tục xử phạt, xử lý vi phạm hành chính, cần thiết phải nghiên cứu bổ sung vào Nghị định xử phạt vi phạm quy định hành chính trong lĩnh vực đường bộ.

Phương Thảo

(Trích dự thảo báo cáo sơ kết 3 năm thi hành Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt của Bộ Giao thông vận tải)

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *