Hiện nay, việc tịch thu tang vật vi phạm hành chính còn một số vướng mắc, bất cập do các quy định của pháp luật chưa rõ ràng, còn chồng chéo.
Cụ thể như: Trường hợp quá thời gian tạm giữ thì phải Thông báo bao nhiêu lần? Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng nào? của trung ương hay địa phương?, trường hợp nào tịch thu theo Khoản 4 Điều 126, trường hợp nào tịch thu theo khoản 2 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính?
Tịch thu tang vật vi phạm hành chính
+ Theo quy định tại Khoản 4 Điều 126 Luật XLVPHC thì: “Đối với tạng vật, phương tiện vi phạm hành chính quá thời hạn tạm giữ nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo, niêm yết công khai, nếu người vi phạm không đến nhận thì người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định”.
Tịch thu phải thông báo bao nhiêu lần?
Như vậy, theo quy định trên thì chỉ cần thông báo 01 lần trên phương tiện thông tin đại chúng không kể của trung ương hay của địa phương và Luật cũng không giao Chính phủ quy định điều khoản này. Tuy nhiên tại khoản 7 Điều 11a Nghị định 81/2013/ND-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 97/2017/NĐ-CP, Nghị định 115/2013/NĐ-CP thì:
+ Nghị định 97/2017/NĐ-CP: Trường hợp đã quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo theo quy định tại khoản 4 Điều này, nếu chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo ít nhất 02 lần, mỗi lần cách nhau 03 ngày làm việc, trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo cuối cùng trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai, nếu chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định tại Điều 82 Luật xử lý vi phạm hành chính và các quy định khác của pháp luật có liên quan
+ Điều 17 Nghị định 115/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ; tịch thu theo thủ tục hành chính, lại quy định “Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã quá thời hạn tạm giữ nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo ít nhất 02 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo cuối cùng trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai, nếu người vi phạm không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định tại Điều 82 Luật xử lý vi phạm hành chính và các quy định khác của pháp luật có liên quan.”.
(Tổng hợp tất cả vướng mắc trong xử phạt vi phạm hành chính và cách giải quyết)
Vậy trong trường hợp này thì áp dụng văn bản nào? Theo quy định tại Khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản QPPL 2015 thì : “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”, tức là áp dụng Luật Xử lý vi phạm hành chính, tuy nhiên theo quan điểm người viết, trường hợp này NÊN áp dụng theo Nghị định 97/2017/NĐ-CP và Nghị định 115, tức là thông báo ít nhất 02 lần và niêm yết công khai, vì nó sẽ có lợi hơn cho người vi phạm, đảm bảo minh bạch, rõ ràng hơn trong việc thông báo, tịch thu tang vật.
(Vướng mắc trong quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện VPHC)
Không xác định được đối tượng thì xử lý thế nào?
+ Một vướng mắc tại Khoản 4 Điều 126, Điều 17 Nghị định 115 và Nghị định 97 nữa là: Ở đoạn đầu quy định 2 trường hợp, đó là người vi phạm không đến nhận hoặc không xác định được người vi phạm, nhưng ở đoạn cuối lại quy định “nếu người vi phạm không đến nhận thì người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu”, bỏ mất trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm thì xử lý như thế nào? tịch thu theo Khoản 4 Điều 126 hay khoản 2 Điều 65? Bởi lẽ tại Khoản 2 Điều 65 có quy định đối với trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính thì không ra quyết định xử phạt mà ra quyết định tịch thu, và mẫu quyết định tịch thu theo Khoản 2 Điều 65 thì khác với mẫu tịch thu theo Khoản 4 Điều 126 (biểu mẫu kèm theo Nghị định 97/2017/NĐ-CP có 02 biểu mẫu riêng).
(Quy định về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính từ ngày 01/5/2020)
+ Theo quy định tại khoản 34 Điều 1 Nghị định 97/2017/NĐ-CP thì: Căn cứ vào mẫu biên bản, mẫu quyết định ban hành kèm theo Nghị định này, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể ban hành các mẫu biên bản, quyết định phù hợp để sử dụng trong ngành, lĩnh vực, địa phương mình và quy định việc quản lý và sử dụng các mẫu biên bản, quyết định trong xử lý vi phạm hành chính.
Ngày 20/3/2019, Bộ Công an ban hành Thông tư 07/2019/TT-BCA quy định về các biểu mẫu sử dụng để xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Công an nhân dân thì tại biểu mẫu số 11 về tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hướng dẫn như sau:Áp dụng trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 2 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc trường hợp người vi phạm không đến nhận lại tang vật, phương tiện/không xác định được người vi phạm.
Như vậy, đối với trường hợp tịch thu mà thuộc lĩnh vực Công an xử lý thì mẫu tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính hoặc người vi phạm không đến nhận thì sử dụng chung 01 mẫu.
Theo quan điểm của trangtinphapluat.com thì đối với các lĩnh vực khác thuộc thẩm quyền tịch thu của các chức danh khác nhau mà không có biểu mẫu riêng thì áp dụng mẫu Nghị định 97/2017/NĐ-CP để tịch thu, cụ thể áp dụng mẫu 11 – Quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do không xác định được người vi phạm/người vi phạm không đến nhận để tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong trường hợp không xác định được người vi phạm.
Trên đây là một số vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện vi phạm hành chính, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc.
Phương Thảo