Vướng mắc trong ủy quyền xử phạt vi phạm hành chính

 Theo quy định Điều 54 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và  Nghị định 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 97/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2013/NĐ-CP thì người có thẩm quyền xử phạt có thể ủy quyền cho cấp phó. Việc ủy quyền phải thực hiện bằng văn bản, cụ thể là Quyết định giao quyền phải được đánh số, ghi rõ ngày, tháng, năm, trích yếu, ký và đóng dấu; trường hợp cơ quan, đơn vị của người giao quyền không được sử dụng dấu riêng, thì đóng dấu treo của cơ quan cấp trên.

Quy định về ủy quyền xử phạt hành chính

Phần căn cứ pháp lý ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cấp phó được giao quyền phải thể hiện rõ số, ngày, tháng, năm, trích yếu của quyết định giao quyền.

Quy định về giao quyền cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính
Quy định về ủy quyền xử phạt vi phạm hành chính

Tùy vào tình hình thực tế mà người có thẩm quyền có thể ủy quyền thường xuyên hoặc ủy quyền theo những vụ việc, lĩnh vực cụ thể. Khi được ủy quyền thì cấp phó phải chịu trách nhiệm về quyết định xử phạt vi phạm hành chính của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Và người được giao quyền không được ủy quyền lại cho bất kỳ người nào khác.

Quy định trên đã góp phần giảm tải áp lực cho người có thẩm quyền xử phạt, giúp việc xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện nhanh hơn, đồng thời tăng cường trách nhiệm của cấp phó khi được giao quyền xử phạt. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện ủy quyền xử phạt vi phạm hành chính đã phát sinh một số trường hợp vướng mắc, gây lúng túng cho các cơ quan tham mưu, cụ thể:

Đã ủy quyền cho cấp phó, cấp trưởng có được xử phạt?

Khi cấp trưởng giao quyền xử phạt vi phạm hành chính cho cấp phó xử phạt thì cấp trưởng có còn được ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính nữa hay không? Do hiện nay chưa có văn bản nào quy định về việc sau khi giao quyền cho cấp phó thì cấp trưởng không được quyền xử phạt nên nhiều ý kiến cho rằng cấp trưởng vẫn có quyền xử phạt, bởi vì đây là quyền đương nhiên của họ, việc họ ủy quyền không làm mất đi thẩm quyền xử phạt đã được pháp luật quy định.

Ý kiến này viện dẫn Công văn 494/TCHQ-PC năm 2015 trả lời vướng mắc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính do Tổng cục Hải quan, theo đó: Trường hợp khi đã giao quyền xử phạt vi phạm hành chính thường xuyên cho một cấp phó, nhưng cấp phó được giao quyền thường xuyên vắng mặt trong một thời gian nhất định thì để đảm bảo nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt có thể tự mình ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc giao quyền xử phạt cho một cấp phó khác trong một thời hạn nhất định hoặc theo vụ việc. Trong văn bản giao quyền sau phải thể hiện được nội dung Quyết định giao quyền này chấm dứt hiệu lực hoặc thay thế Quyết định giao quyền trước đó.

Đã ủy quyền thì mất quyền xử phạt

Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng sau khi ủy quyền cho cấp phó thì cấp trưởng không thể ký các quyết định xử phạt nữa, bởi vì trong văn bản ủy quyền đã thể hiện rõ trong thời hạn ủy quyền thì cấp phó được quyền xử phạt đối với những hành vi vi phạm thuộc quyền xử phạt của cấp trưởng, chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật, đặc biệt không được giao quyền cho người khác. Như vậy, một khi quyền xử phạt đã được chuyển giao cho cấp phó thì quyền đó hoàn toàn thuộc về cấp phó. Nếu cấp trưởng muốn xử phạt thì phải có văn bản hủy bỏ việc ủy quyền, lúc đó quyền xử phạt mới thuộc về cấp trưởng.

Theo Khoản 5 Điều 1 Nghị định 97/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 81/2013/NĐ-CP thì Việc giao quyền chấm dứt khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Ủy quyền cưỡng chế vi phạm hành chính
Ủy quyền cưỡng chế vi phạm hành chính

a) Quyết định giao quyền hết thời hạn;

b) Công việc được giao quyền đã hoàn thành;

c) Cấp trưởng chấm dứt việc giao quyền cho cấp phó. Trong trường hợp này, việc chấm dứt giao quyền phải được thể hiện bằng quyết định;

d) Người giao quyền hoặc người được giao quyền nghỉ hưu, thôi việc, được điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức hoặc tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật;

đ) Người giao quyền hoặc người được giao quyền chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết;

e) Công việc được giao quyền tuy chưa hoàn thành nhưng vụ việc phải chuyển giao cho cơ quan, người có thẩm quyền khác xử lý theo quy định của pháp luật;

g) Người giao quyền hoặc người được giao quyền bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Như vậy, Nghị định 97/2017/NĐ-CP cũng không quy định về việc đã giao quyền thì có được ký hay không nhưng lại có quy định các trường hợp chấm dứt việc giao quyền, có thể hiểu nếu chưa chấm dứt giao quyền thì cấp phó có quyền ký văn bản, còn cấp trưởng khi đã giao quyền thì sẽ không còn quyền ký văn bản nữa.

(Tổng hợp tất cả các biểu mẫu xử phạt vi phạm hành chính mới nhất)

Để khắc phục những vướng mắc trong ủy quyền xử phạt vi phạm hành chính, thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần sớm có văn bản hướng dẫn để tạo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật.

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *