Hướng dẫn kê biên tài sản để thi hành quyết định xử phạt

Ngày 08/3/2023 ông Nguyễn Văn A, nơi ở hiện tại: thôn 1, xã B, huyện C, tỉnh D có hành vi chiếm đất tại thôn 2, xã E, huyện F, tỉnh D. Ngày 16/3/2023 huyện F ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông A. Theo đó, ông Nguyễn Văn A bị xử phạt với hình phạt chính là phạt tiền (50.000.000 đồng) và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã chiếm. Thời hạn thực hiện nộp tiền và khắc phục hậu quả là 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định. Sau 10 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định, ông Nguyễn Văn A vẫn không chấp hành Quyết định xử phạt (không thực hiện nộp tiền phạt, không thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả), nên UBND huyện F đã thực hiện việc xác minh thông tin tài sản của ông A. Qua xác minh ông A có 02 thửa đất (đủ điều kiện kê biên tài sản và không thuộc trong những tài sản không được kê biên quy định tại Điều 19 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP) tại huyện C, tỉnh D. Đối với trường hợp này, huyện F có được tổ chức cưỡng chế tài sản của ông A tại huyện C hay không? Việc tổ chức cưỡng chế được thực hiện như thế nào?

Trangtinphapluat.com trả lời như sau:

1. Về thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp huyện

– Theo khoản 3 Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì “Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương”

– Theo khoản 2 Điều 38 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi, bổ sung 2020 thì Chủ tịch UBND cấp huyện được phạt tiền đến 100 triệu đồng,

Hướng dẫn kê biên tài sản để thi hành quyết định xử phạt hành chính
Hướng dẫn kê biên tài sản để thi hành quyết định xử phạt hành chính

– Theo khoản 2 Điều 38 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai, được sửa đổi bởi Nghị định 04/2022/NĐ-CP thì Chủ tịch UBND cấp huyện được phạt tiền đến 100 triệu đồng, được áp dụng tất cả các biện pháp khắc phục hậu quả theo khoản 3 Điều 5 Nghị định 91.

Căn cứ vào quy định trên thì Chủ tịch UBND huyện có quyền xử phạt đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm lĩnh vực đất đai trên địa bàn mình quản lý. Do đó, Chủ tịch huyện  F ra quyết định xử phạt Nguyễn Văn A về hành vi chiếm đất với mức phạt 50 triệu và Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã chiếm là đúng thẩm quyền và đúng pháp luật.

2. Quy định về thẩm quyền cưỡng chế và biện pháp cưỡng chế

– Theo quy định tại Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì trường hợp cá nhân, tổ chức không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế.

Các biện pháp cưỡng chế bao gồm:

+ Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm;

+ Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;

+ Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.

+ Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này.

Thẩm quyền cưỡng chế: Theo quy định tại Điều 87 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền cưỡng chế.

Căn cứ vào quy định trên thì trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không tự nguyện nộp tiền phạt, buộc khắc phục hậu quả thì Chủ tịch UBND cấp huyện – người đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính có quyền ban hành quyết định cưỡng chế để cưỡng chế thu tiền phạt, buộc khắc phục hậu quả.

Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ giới hạn về thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp liên quan đến địa bàn quản lý, không giới hạn không gian về việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế, cụ thể:

+ Như trường hợp cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản ngân hàng thì tại điểm c khoản 3 Điều 88 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi, bổ sung 2020 quy định: “Tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế thi hành mở tài khoản có trách nhiệm cung cấp thông tin về điều kiện thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận được yêu cầu bằng văn bản của người có thẩm quyền cưỡng chế; tiến hành phong tỏa số tiền trong tài khoản tương đương với số tiền mà cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế phải nộp hoặc phong tỏa toàn bộ số tiền trong tài khoản trong trường hợp số dư trong tài khoản tiền gửi ít hơn số tiền mà cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế phải nộp; thực hiện việc trích chuyển số tiền phải nộp theo yêu cầu của người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế. Trong thời hạn 05 ngày làm việc trước khi trích chuyển, tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm thông báo cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế biết việc trích chuyển; việc trích chuyển không cần sự đồng ý của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế.”

+ Hay như trường hợp áp dụng biện pháp “Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá” thì Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng như Nghị định 166/2013/NĐ-CP về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, chỉ quy định về đối tượng bị kê biên, trình tự, thủ tục kê biên, đấu gia,  không có quy định giới hạn về việc Không được kê biên tài sản ở ngoài địa bàn quản lý để thực hiện thi hành quyết định xử phạt hành chính.

Tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 166 thì Trường hợp cưỡng chế bằng biện pháp quy định tại Điểm b ( Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá), Điểm c, Điểm d Khoản 2 Điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính thì quyết định cưỡng chế phải được gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế trước khi thi hành để phối hợp thực hiện.

Như vậy, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 166 thì Chủ tịch UBND cấp huyện được áp dụng biện pháp kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá mà không bị giới hạn về địa giới hành chính.

3. Trình tự, thủ tục cưỡng chế kê biên để thu tiền phạt

Được thực hiện theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và mục 3  chương 2 Nghị định 166/2013/NĐ-CP, cụ thể:

+ Khi kết thúc thời hạn thi hành Quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức không chấp hành hình phạt tiền, thì Chủ tịch UBND huyện F cần xác định người vi phạm có thu nhập từ tiền lương, tiền công hay tiền từ tài khoản ngân hàng, tổ chức tín dụng hay không? Nếu đã áp dụng các biện pháp tìm hiểu mà người vi phạm không có tiền lương, tiền công cũng như không có tài khoản ngân hàng thì Chủ tịch UBND huyện có văn bản gửi UBND huyện C để đề nghị hỗ trợ xác minh tài sản của người vi phạm để áp dụng biện pháp kê biên tài sản có giá trị tương đương.

+ Sau khi có đầy đủ thông tin về tài sản (cụ thể ở đây là quyền sử dụng đất) đảm bảo để kê biên thì Chủ tịch UBND huyện F ban hành quyết định cưỡng chế kê biên theo mẫu 09 của Nghị định 118/2021/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

+ Sau khi ban hành quyết định cưỡng chế, quyết định cưỡng chế phải được gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, UBND cấp huyện nơi tổ chức cưỡng chế trước khi thi hành để phối hợp thực hiện; gửi cho người vi phạm để thực hiện.

+ Có văn bản gửi UBND huyện, xã nơi có tài sản kê biên về thời gian Tổ chức việc kê biên để phối hợp thực hiện cưỡng chế kê biên  theo các Điều 23 đến 27 Nghị định 166.

Việc Chủ tịch UBND huyện ban hành quyết định cưỡng chế kê biên tài sản ở ngoài đơn vị hành chính do mình quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác tổ chức cưỡng chế như việc phối hợp giữa các lực lượng, việc xác minh, bảo quản tài sản, việc giao nhiệm vụ cho lực lượng Công an…

Rub

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *