Một số bạn đọc đề nghị trangtinphapluat.com giải đáp nội dung: Trường hợp cá nhân/tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai, xây dựng. Cơ quan có thẩm quyền đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính nhưng chưa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân/tổ chức vi phạm đã tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại hiện trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Như vậy, có phải ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính không và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như thế nào cho đúng?.
Trangtinphapluat.com trả lời như sau:
1. Mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý
+ Theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 3 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
a) Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;
![Người vi phạm đã khắc phục hậu quả, có ban hành quyết định xử phạt? Hướng dẫn xử phạt hành chính khi người vi phạm đã tự khắc phục hậu quả](https://trangtinphapluat.com/wp-content/uploads/2021/04/xu-ly-hanh-vi-san-lap-mat-bang.jpg)
b) Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;
Như vậy, tất cả hành vi vi phạm thì đều phải bị xử lý, bao gồm xử phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả, biện pháp phạt bổ sung.
Các trường hợp không xử phạt
+ Theo quy định tại Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính, gồm thực hiện hành vi vi phạm hành chính:
– Trong tình thế cấp thiết; Do phòng vệ chính đáng;
– Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;
– Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;
– Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 của Luật này.
Đã tháo dỡ vẫn bị xử phạt
Căn cứ vào các quy định nêu trên thì cá nhân/tổ chức khi thực hiện hành vi vi phạm hành chính thì đều bị xử phạt vi phạm hành chính, và trường hợp đã chấp hành tự tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại tình trạng ban đầu trước khi vi phạm không thuộc các trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, cho dù cá nhân/tổ chức đã tự giác tháo dỡ công trình vi phạm sau khi bị người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính thì theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì vẫn bị xử phạt.
2. Đã chấp hành tháo dỡ công trình vi phạm, xử phạt sao cho đúng
Một số bạn đọc băn khoăn, khi cá nhân/tổ chức vi phạm đã tháo dỡ công trình vi phạm, tự nguyện hoàn trả lại mặt bằng như trước khi vi phạm thì xử phạt như thế nào cho đúng pháp luật? chỉ phạt tiền hay vừa phạt tiền vừa khắc phục hậu quả hay có hướng xử lý nào khác phù hợp với thực tiễn mà không vi phạm pháp luật.
+ Chỉ cần phạt tiền là đảm bảo
Theo quy định tại khoản 4 ĐIều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 22 Nghị định 19/2020/NĐ-CP về kiểm tra xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì nghiêm cấm hành vi: Không xử phạt vi phạm hành chính, không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Và theo Điều 25 Nghị định 19/2020/NĐ-CP về kiểm tra xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, thì hành vi không xử phạt, không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì người có thẩm quyền xử phạt sẽ bị kỷ luật hình thức cảnh cáo.
Như vậy, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 19/2020/NĐ-CP thì phải áp dụng cả 02 hình thức phạt tiền và buộc khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, trong trường hợp này hậu quả do vi phạm hành chính gây ra đã không còn nên theo quan điểm của trangtinphapluat.com thì chỉ cần áp dụng hình thức phạt tiền là đảm bảo.
+ Hướng xử lý khác
Bên cạnh việc xử phạt tiền như đã nêu ở trên, trường hợp đã quá thời hạn xử phạt thì người có thẩm quyền không ban hành quyết định xử phạt nữa, cũng không ban hành quyết định khắc phục hậu quả nhưng trong hồ sơ cần có văn bản, báo cáo thể hiện rõ việc cá nhân/tổ chức đã tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, hoàn trả mặt bằng sau khi lập biên bản vi phạm hành chính; quá thời hạn xử phạt nên không phạt và không còn hậu quả do vi phạm hành chính gây ra nên không ban hành khắc phục hậu quả.
Trên đây là giải đáp của trangtinphapluat.com liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính khi cá nhân/tổ chức đã tự nguyện khắc phục hậu quả sau khi lập biên bản vi phạm hành chính. Bạn đọc có ý kiến bình luận hoặc cần giải đáp vướng mắc về vi phạm hành chính có thể ghi ở mục bình luận bên dưới bài viết.
Rubi