Hiện nay còn nhiều cách hiểu khác nhau khi thực hiện quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực trật tự xây dựng. Đó là buộc tháo dỡ hay phá dỡ công trình xây dựng không phép, sai phép?.
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở, thì đối với trường hợp công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng, xây dựng sai giấy phép xây dựng được cấp thì ngoài bị phạt tiền còn bị áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả là “Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm”, và trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính cá nhân/tổ chức vi phạm phải làm thủ tục xin giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng, nếu quá 60 ngày mà không xuất trình được giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
Tháo dỡ hay phá dỡ công trình vi phạm
Theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP thì sử dụng cụm từ “buộc tháo dỡ công trình vi phạm” và trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng như quyết định cưỡng chế quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo mẫu nghị định 97/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2013/NĐ-CP thì đều hướng dẫn “Ghi cụ thể từng biện pháp khắc phục hậu quả phải thực hiện và thời hạn thực hiện của từng biện pháp”, do đó cơ quan ban hành phải ghi đúng biện pháp khắc phục hậu quả đã quy định trong Nghị định 139/2017/NĐ-CP, đó là “buộc tháo dỡ công trình vi phạm”.
Việc ghi “buộc tháo dỡ công trình vi phạm” dẫn đến cách hiểu của một số người cho rằng: Khi cưỡng chế thì không được phá dỡ công trình mà phải tháo dỡ từng bộ phận công trình, đúng như biện pháp gi trong quyết định. Cách hiểu này liệu có đúng hay không?
Không chấp hành thì phá dỡ công trình vi phạm
– Theo quy định tại các Khoản 2, 3, 4 Điều 4 Thông tư 03/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP hướng dẫn áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, bộ phận công trình xây dựng vi phạm như sau:
“2. Công trình, phần công trình xây dựng vi phạm phải được tháo dỡ theo phương án, giải pháp phá dỡ được phê duyệt cho đến khi phần còn lại của công trình đảm bảo an toàn chịu lực khi đưa vào sử dụng.
3. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức lập, thẩm tra, phê duyệt và thực hiện phương án, giải pháp phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm theo quy định tại khoản 2 Điều này. Phương án, giải pháp phá dỡ phải đảm bảo an toàn công trình xây dựng sau khi phá dỡ phần vi phạm, tính mạng, sức khỏe, công trình xây dựng lân cận và đảm bảo vệ sinh, môi trường.
4. Trường hợp chủ đầu tư không tự giác chấp hành biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm thì bị cưỡng chế thi hành. Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thuê tổ chức tư vấn lập phương án, giải pháp phá dỡ, giao cơ quan chuyên môn về xây dựng cùng cấp thẩm định trước khi quyết định phê duyệt phương án, giải pháp phá dỡ. Chủ đầu tư có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí liên quan đến việc cưỡng chế tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm: lập, thẩm định, phê duyệt phương án, giải pháp phá dỡ và tổ chức cưỡng chế tháo dỡ.”
(Hướng dẫn lập kế hoạch cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng)
Như vậy, theo hướng dẫn của Thông tư 03 thì chủ đầu tư phải tháo dỡ theo lập phương án, giải pháp phá dỡ công trình và trong trường hợp không tự giác chấp hành thì cơ quan nhà nước lập phương án phá dỡ và tổ chức cưỡng chế tháo dỡ.
– Bên cạnh đó, theo Điều 118 Luật Xây dựng quy định về phá dỡ công trình xây dựng như sau:
“1. Việc phá dỡ công trình xây dựng được thực hiện trong các trường hợp sau:
a) Để giải phóng mặt bằng xây dựng công trình mới, công trình xây dựng tạm;
b) Công trình có nguy cơ sụp đổ ảnh hưởng đến cộng đồng và công trình lân cận;
c) Công trình xây dựng trong khu vực cấm xây dựng theo quy định tại khoản 3 Điều 12 của Luật này;
d) Công trình xây dựng sai quy hoạch xây dựng, công trình xây dựng không có giấy phép đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng;
đ) Công trình xây dựng lấn chiếm đất công, đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân; xây dựng sai với thiết kế được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng;
e)Nhà ở riêng lẻ có nhu cầu phá dỡ để xây dựng mới.
2. Việc phá dỡ công trình xây dựng phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Phá dỡ công trình chỉ được thực hiện theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có);
b) Phá dỡ công trình phải được thực hiện theo phương án, giải pháp phá dỡ được duyệt, bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường.
3. Trách nhiệm của các bên trong việc phá dỡ công trình xây dựng được quy định như sau:
a) Tổ chức, cá nhân được giao tổ chức thực hiện việc phá dỡ công trình phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện các quy định tại khoản 2 Điều này; chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại do mình gây ra;
b) Tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc đang sử dụng công trình thuộc diện phải phá dỡ phải chấp hành quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp không chấp hành thì bị cưỡng chế và chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ;
c) Người có thẩm quyền quyết định phá dỡ công trình chịu trách nhiệm trước pháp luật về hậu quả do không ban hành quyết định, quyết định không kịp thời hoặc quyết định trái với quy định của pháp luật.”
(Tổng hợp mẫu biên bản cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính)
Theo quy định của Luật Xây dựng thì công trình xây dựng không có giấy phép sẽ bị phá dỡ, trường hợp người vi phạm không chấp hành sẽ bị cưỡng chế phá dỡ.
Xem clip hướng dẫn cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng không phép, sai phép
Tóm lại, đối với công trình xây dựng không có giấy phép hoặc sai giấy phép xây dựng được cấp thì bên cạnh phạt tiền, cá nhân/tổ chức vi phạm sẽ bị áp dụng biện pháp “buộc tháo dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm”, trường hợp cá nhân không chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế phá dỡ theo quy định của Luật Xây dựng và hướng dẫn của Thông tư 03/2018/TT-BXD.
*Mới cập nhật ngày 09/02/2022: Từ ngày 28/01/2022 theo Nghị định 16/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực xây dựng thì đã quy định cụ thể biện pháp khắc phục hậu quả là phá dỡ công trình xây dựng vi phạm
Phương Thảo.
… trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính cá nhân/tổ chức vi phạm phải làm thủ tục xin giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng, nếu quá 60 ngày mà không xuất trình được giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
– Trong thời gian này tổ chức vi phạm vẫn tiến hành xây dựng thì làm sao a?
– Theo K 9 Đ 15 NĐ 139. Xử phạt đối với hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2, khoản 4, khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều này mà tái phạm như sau: nhưng đối tượng vi phạm vẫn cố tình thì làm sao a?
Nếu đã có quyết định xử phạt mà tiếp tục vi phạm thì căn cứ vào Khoản 3 Điều 6 Nghị định 81/2013/NĐ-CP lập biên bản vi phạm hành chính xem là hành vi mới và ban hành quyết định xử phạt theo Khoản 9 Điều 15 Nghị định 139