Trong thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính có nhiều trường hợp lập biên bản vi phạm hành chính, ban hành quyết định xử phạt xong rồi mới phát hiện có sai sót trong quá trình lập biên bản vi phạm hành chính như lập sai vị trí vi phạm, sai thông tin người vi phạm (như thông tin chứng minh nhân dân, ngày, tháng năm sinh, nơi cư trú…) dẫn đến quyết định xử phạt vi phạm hành chính có sai sót. Trong trường hợp này thì đính chính quyết định xử phạt hay là phải hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính mới đúng.
Hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau về việc xử lý sai sót trong biên bản vi phạm hành chính dẫn đến quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng sai sót.
Chỉ cần đính chính quyết định xử phạt
Nhiều ý kiến cho rằng trong trường hợp có sai sót về thông tin người vi phạm, sai vị trí vi phạm nhưng bản chất hành vi không thay đổi (như hành vi xây dựng không phép, sai phép hay tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, hủy hoại đất…) thì trường hợp trên chỉ cần lập biên bản xác minh tình tiết vi phạm hành chính rồi căn cứ vào khoản 2 Điều 6a của Nghị định 81/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 97/2017/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ hướng dẫn và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính, cụ thể: “Biên bản xác minh tình tiết vi phạm hành chính Quyết định về xử lý vi phạm hành chính được đính chính khi có sai sót về kỹ thuật soạn thảo mà không làm ảnh hưởng đến nội dung của quyết định”.
Do đó, không cần thiết phải hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà chỉ cần biên bản xác minh rồi ban hành quyết định đính chính hoặc sửa đổi, bổ sung phần sai sót là đảm bảo.
Phải hủy quyết định xử phạt
Quan điểm của trangtinphapluat.com cho rằng trong trường hợp biên bản vi phạm hành chính có sai sót, kể cả những sai sót không làm ảnh hưởng cơ bản bản chất của hành vi vi phạm dẫn đến quyết định xử phạt vi phạm hành chính không đúng thì phải hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính rồi mới tiến hành lập biên bản xác minh tình tiết vi phạm hành chính, sau đó nếu còn trong thời hạn, thời hiệu thì ban hành quyết định xử phạt, nếu hết thời hạn, thời hiệu thì ban hành quyết định áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả. Bởi vì:
+ Theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Luật xử lý vi phạm hành chính thì: Khi xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp cần thiết người có thẩm quyền xử phạt tiến hành xác minh…
(Hướng dẫn lập biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)
Như vậy, việc xác minh tình tiết vi phạm hành chính phải thực hiện trước khi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, muốn lập biên bản xác minh đối với các sai sót của biên bản và quyết định xử phạt đã ban hành thì phải hủy quyết định xử phạt rồi mới lập biên bản xác minh theo khoản 1 Điều 59 được.
+ Theo điểm a khoản 1 Điều 6b Nghị định 81/2013/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 97 thì quyết định xử phạt bị hủy trong trường hợp vi phạm về thẩm quyền, thủ tục xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp lập biên bản sai sót không vi phạm về thẩm quyền nhưng vi phạm về thủ tục xử lý vi phạm hành chính, cụ thể: Theo Luật xử lý vi phạm hành chính thì việc xử phạt vi phạm hành chính phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục đó là việc phát hiện hành vi và lập biên bản vi phạm hành chính, ban hành quyết định xử phạt, do đó nếu biên bản lập sai dẫn đến ban hành quyết định sai thì sai về thủ tục nên cần phải hủy quyết định.
+ Việc đính chính, sửa đổi, bổ sung quyết định xử phạt chỉ áp dụng đối với trường hợp biên bản vi phạm hành chính lập đúng nhưng khi ban hành quyết định xử phạt người có thẩm quyền ghi sai nội dung so với biên bản hoặc sai về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản thì mới đính chính, sửa đổi, bổ sung quyết định xử phạt.
(Ban hành quyết định xử phạt trong trường hợp xác minh vi phạm hành chính)
Tóm lại, theo quan điểm của trangtinphapluat.com khi biên bản vi phạm hành chính lập mà có sai sót dẫn đến ban hành quyết định không đúng thì phải hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính trước rồi mới tiến hành lập biên bản xác minh tình tiết vi phạm rồi ban hành quyết định xử phạt mới nếu còn thời hạn, thời hiệu. Trường hợp không còn thời hạn, thời hiệu thì ban hành quyết định áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả.
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc. Ý kiến vui lòng ghi ở mục bình luận bên dưới bài viết.
Quốc Huy
Bài viết của bạn rất hay đúng thực tế hiện nay.
Tôi nêu ra một trường hợp để bạn xem góp ý nhé (thay cho bài trên vì thiếu năm). Năm 1998 ông A mua giấy tay của ông B thửa đất 4000m2 do ông B tự khai phá trước đó. Năm 2003 ông A bị địa chính xã lập biên bản chỉ ghi vỏn vẹn mấy câu “họ tên ông A: vi phạm về hành vi lấn chiếm đất đai quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 04/CP ngày 10/01/1997”. không có giấy mời, không có mặt và chữ ký của ông A vì không biết, nhưng có chữ ký của 2 người làm chứng (trong đó có 01 chữ ký họ xác định là không phải chữ ký của họ và cũng không có mặt họ lúc đó do tòa lấy lời khai sau này). Sau đó, năm 2003 Chủ tịch huyện ra quyết định xử phạt và thu hồi đất dựa vào biên bản (căn cứ biên bản có UBND xã và Tổ xử lý vi phạm khu đất ‘Phan rang’ có nội dung: “ông A có hành vi lấn chiếm đất diện tích 5000m2 thuộc 4 thửa: 2, 4, 8, 13, 56”, sau đó ông A khiếu nại, huyện ra quyết định không công nhận khiếu nai. (Có xác nhận của cơ quan nhà nước là không có tống đạt niêm yết 2 quyết định).
Theo nhận định của tôi: 1) biên bản lập không đúng thẩm quyền, sai thông tư 278/1997/TT-ĐC. Biên bản chỉ có 01 chủ thể đứng ra lập, chữ ký của 01 người làm chứng không đúng của họ, không có diện tích, số hiệu các thửa đất, địa chỉ đất, không có chữ ký ông A mà không ghi lý do.
2) Quyết định sai: căn cứ biên bản không đúng sự thật vì không có trong thực tế. Bởi, quyết định có 02 chủ thể (trong hồ sơ vụ án và huyện chỉ có 01 chủ thể lập biên bản). Chủ tịch huyện thu hôi đất sai thẩm quyền (mà phải nhân danh UBND huyện), tự đưa vào 4 thửa đất (có giấy xác nhận của cơ quan chuyên môn không có 4 thửa đất đó). Nay ông A cho rằng Quyết định sai yêu cầu hủy 2 quyết định (vẫn còn thời hiệu do mới nhận được quyết định khiếu nai).
Theo bạn thì cần nói rõ phần nào quyết định nhất để thuyết phục nhất trên cơ sở về (pháp lý)?. Cám ơn bạn sẽ phản hồi sớm nhất.