Cấp phó có quyền hủy bỏ Quyết định xử phạt
1. Theo Khoản 3 Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì: “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm phát hiện quyết định về xử lý vi phạm hành chính do mình hoặc cấp dưới ban hành có sai sót và phải kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới theo thẩm quyền“.
2. Để hướng dẫn quy định trên thì tại Điều 6b Nghị định 81/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 97/2017/NĐ-CP quy định:
“1. Người đã ban hành quyết định về xử lý vi phạm hành chính phải hủy bỏ toàn bộ nội dung quyết định khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có vi phạm quy định pháp luật về thẩm quyền, thủ tục xử lý vi phạm hành chính;
b) Ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 65 Luật xử lý vi phạm hành chính;
c) Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính quy định tại khoản 10 Điều 12 Luật xử lý vi phạm hành chính;
(Xem các bài viết về hướng dẫn nghiệp vụ xử phạt vi phạm hành chính)
d) Có quyết định khởi tố vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự đối với vụ việc vi phạm có dấu hiệu tội phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật xử lý vi phạm hành chính.
2. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ sai sót, người đã ban hành quyết định về xử lý vi phạm hành chính phải hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung quyết định khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có sai sót về nội dung làm thay đổi cơ bản nội dung của quyết định;
b) Quyết định giải quyết khiếu nại của người hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại được ban hành dẫn đến việc thay đổi căn cứ, nội dung của quyết định về xử lý vi phạm hành chính.“.
3. Theo khoản 1 Điều 13 Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư thì: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ký tất cả văn bản do cơ quan, tổ chức ban hành; có thể giao cấp phó ký thay các văn bản thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách và một số văn bản thuộc thẩm quyền của người đứng đầu.”
Như vậy, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính thì cấp trưởng khi phát hiện sai sót thì phải hủy bỏ ban hành mới theo thẩm quyền. Nghị định 97/2017/NĐ-CP đã quy định rõ người đã ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính phải ban hành quyết định hủy bỏ. Và Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư thì cấp phó có quyền ban hành văn bản trên lĩnh vực được phân công.
Do đó, Phó Chủ tịch UBND huyện có quyền ban hành quyết định để hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính do mình đã ban hành trái quy định của pháp luật theo Quyết định giao quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Trường hợp Phó Chủ tịch UBND huyện ký quyết định xử phạt đã chuyển công tác thì người mới được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện vẫn có quyền ký quyết định hủy quyết định xử phạt của Phó Chủ tịch UBND huyện trước đó. Vì pháp luật chỉ quy định chức danh có thẩm quyền xử phạt, hủy bỏ quyết định xử phạt là cấp phó chứ không phải con người cụ thể, do dó ai giữ vị trí cấp phó mà được giao quyền thì đều có quyền hủy bỏ quyết định xử phạt.
Hết thời hạn ban hành quyết định xử phạt mới
Trong trường hợp trên sau khi hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực y tế thì sẽ không ban hành quyết định xử phạt nữa vì đã hết thời hạn ban hành quyết định xử phạt theo Điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính.
Nếu hành vi vi phạm của cá nhân/tổ chức có áp dụng biện pháp kèm theo hình thức xử phạt chính được quy định trong Nghị định xử phạt lĩnh vực y tế thì ban hành Quyết định áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả theo Điều 65 Luật xử lý vi phạm hành chính. Nếu trong điều khoản vi phạm không có hình thức áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả thì không xử phạt cũng như không áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả.
(Ai có thẩm quyền hủy bỏ quyết định xử phạt của Trưởng Công an xã?)
Trên đây là tư vấn của trangtinphapluat.com về việc hủy bỏ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Phó chủ tịch UBND cấp huyện.
Rubi