Hỏi: với trường hợp vi phạm thông thường: ngày 1 tháng 1 năm 2019 lập biên bản vi phạm hành chính. Nhưng đến ngày ngày 7 tháng 1 năm 2019, người có thẩm quyền xử phạt không ra quyết định xử phạt thì người có thẩm quyền phải thực hiện những bước tiếp theo như thế nào – đề nghị cho ví dụ cụ thể:
Trangtinphapluat.com, Trả lời:
Thời hạn ban hành quyết định XPVPHC
Theo Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau:
1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản.
Ban hành quyết định xử phạt trước khi người vi phạm giải trình được không?
Trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.
2. Quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này hoặc khoản 3 Điều 63 của Luật này, người có thẩm quyền xử phạt không ra quyết định xử phạt nhưng vẫn quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này, quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành.
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nếu có lỗi trong việc để quá thời hạn mà không ra quyết định xử phạt thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định trên thì thời hạn ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 7 ngày đối với trường hợp thông thường, 30 ngày đối với trường hợp phức tạp, giải trình, 60 ngày đối với trường hợp đặc biệt phức tạp, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.
(Trường hợp nào kéo dài thời gian ban hành quyết định xử phạt hành chính)
* Theo Luật xử lý vi phạm hành chính 2020, có hiệu lực 01/01/2022 thì thời hạn ban hành quyết định xử phạt được sửa đổi thành ngày làm việc, cụ thể như sau:
+ Đối với vụ việc không thuộc trường hợp phức tạp, giải trình, đặc biệt nghiêm trọng…, thời hạn ra quyết định xử phạt là 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính; vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 63 của Luật này;
+ Đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan quy định tại Điều 59 của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính;
+ Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 02 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.
Cách tình thời hạn xử phạt
Theo Khoản 1 Điều 8 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì Cách tính thời gian, thời hạn, thời hiệu trong xử lý vi phạm hành chính như sau:
“Cách tính thời hạn, thời hiệu trong xử lý vi phạm hành chính được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự, trừ trường hợp trong Luật này có quy định cụ thể thời gian theo ngày làm việc”.
Theo Điều 147 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì Thời điểm bắt đầu thời hạn quy định như sau:
“1. Khi thời hạn được xác định bằng phút, giờ thì thời hạn được bắt đầu từ thời điểm đã xác định.
2. Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định.
3. Khi thời hạn bắt đầu bằng một sự kiện thì ngày xảy ra sự kiện không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề của ngày xảy ra sự kiện đó.”
Như vậy, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì thời hạn xử phạt 7 ngày, 30 ngày hoặc 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính và quy định cách tính thời hạn theo Bộ luật Dân sự. Bộ luật Dân sự quy định khi thời hạn tính bằng ngày hoặc một sự kiện thì ngày đầu tiên của thời hạn không tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định. Do đó, khi tính thời hạn ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì ngày lập biên bản không tính vào thời hạn, cho nên quy định là 7 ngày nhưng tính ra thì là 8 ngày (kể cả ngày lập biên bản vi phạm hành chính).
(Hướng dẫn lập biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)
Quá thời hạn không xử phạt, áp dụng khắc phục hậu quả
Căn cứ vào qu định trên thì đối với các vụ việc vi phạm thông thường, thời hạn ban hành quyết định xử phạt hành chính là 7 ngày (không tính ngày lập biên bản vi phạm hành chính, nếu tính ngày lập biên bản thì là 8 ngày). Nếu quá thời hạn ra quyết định xử phạt thì không ban hành quyết định xử phạt nhưng ban hành quyết định áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả. Và chỉ áp dụng khắc phục hậu quả khi Nghị định xử phạt hành chính trên lĩnh vực đó có quy định cụ thể biện pháp khắc phục hậu quả.
Ví dụ: Trong lĩnh vực xây dựng, hành vi xây dựng không phép quá thời hạn xử phạt thì ban hành quyết định buộc khắc phục hậu quả tháo dở công trình xây dựng vi phạm.
Đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý trách nhiệm đối với các cán bộ tham mưu, người ra quyết định do để quá thời hạn.
Rubi