Khi nào công trình xây dựng không phép được 60 ngày để xin giấy phép?

Một số bạn đọc hỏi trangtinphapluat.com: Có phải tất cả các công trình xây dựng không phép, sai phép khi bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đều được cho thời hạn 60 ngày để làm thủ tục cấp giấy phép xây dựng, điều chỉnh giấy phép xây dựng?

Trangtinphapluat.com trả lời như sau (mang tính tham khảo)

Công trình xây dựng đang thi công mới thuộc trường hợp xin phép

Không phải tất cả công trình xây dựng không phép, sai giấy phép xây dựng đều được cho thời hạn 60 ngày để làm thủ tục cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng. Chỉ những trường hợp tổ chức thi công xây dựng công trình không phép, sai phép mà hành vi đó đang thi công (đang diễn ra) mà bị người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính thì mới thuộc trường hợp cho phép 60 ngày để làm thủ tục cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng.

(Quy định mới về cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ nông thôn)

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 12 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở, thì:

Khi nào công trình xây dựng không phép được 60 ngày để xin giấy phép?
Khi nào công trình xây dựng không phép được 60 ngày để xin giấy phép?

Đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng  công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp (trừ trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, khoản 7 Điều này) đối với trường hợp cấp phép sữa chữa, cải tạo;  trường hợp cấp phép xây dựng mới; hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng mà đang thi công xây dựng thì xử lý như sau:

a) Lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình;

b) Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng;

c) Hết thời hạn quy định tại điểm b khoản này, tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Và theo Điều 5 Thông tư 03/2018/TT-BXD quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở, thì:  Khi người có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 2, khoản 4 hoặc khoản 5 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, mà hành vi này đang xảy ra, thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị xử lý như sau:

a) Cá nhân, tổ chức vi phạm phải dừng thi công xây dựng kể từ thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này;

(Hướng dẫn cách ghi biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)

b) Trong thời hạn quy định, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính có trách nhiệm ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp không có thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt, trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, người lập biên bản phải chuyển biên bản vi phạm hành chính và hồ sơ vụ việc (nếu có) đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm có trách nhiệm thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng và xuất trình người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh;

d) Hết thời hạn quy định tại điểm c khoản này mà cá nhân, tổ chức vi phạm không xuất trình giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh thì người có thẩm quyền xử phạt ra thông báo thực hiện biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này. Thông báo được gửi cá nhân, tổ chức vi phạm, UBND cấp xã nơi có công trình vi phạm bằng hình thức gửi bảo đảm và niêm yết công khai tại công trình vi phạm. Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không nhận thông báo hoặc gỡ bỏ thông báo được niêm yết tại công trình vi phạm thì UBND cấp xã nơi có công trình vi phạm có trách nhiệm niêm yết công khai thông báo tại trụ sở UBND cấp xã. Trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày gửi thông báo (tính theo dấu bưu điện), cá nhân, tổ chức vi phạm có trách nhiệm thực hiện biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm;

(Công trình đang xây dựng có được cấp giấy phép xây dựng?)

đ) Trong thời hạn tối đa 05 ngày kể từ ngày cá nhân, tổ chức vi phạm xuất trình giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm tổ chức kiểm tra hiện trạng công trình xây dựng, lập biên bản ghi nhận sự phù hợp của hiện trạng công trình với giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh. Biên bản kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình được lập theo mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này;

e) Cá nhân, tổ chức vi phạm chỉ được tiếp tục thi công xây dựng nếu biên bản kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình xác nhận hiện trạng công trình phù hợp với giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh. Trường hợp biên bản kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình xác nhận hiện trạng công trình không phù hợp với giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh thì trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày lập biên bản kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình, cá nhân, tổ chức vi phạm phải buộc tháo dỡ công trình, phần công trình không phù hợp với giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh.

Như vậy, theo quy định của Nghị định 139 và Thông tư 03 nêu trên thì chỉ những công trình xây dựng đang thi công xây dựng mới được áp dụng quy định cho 60 ngày để người vi phạm làm thủ tục xin cấp giấy phép, điều chỉnh giấy phép xây dựng. Đối với trường hợp công trình xây dựng đã hoàn thành mới bị phát hiện thì trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính không có quy định cho 60 ngày để làm thủ tục xin giấy phép, điều chỉnh giấy phép xây dựng mà người có thẩm quyền tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, ban hành quyết định xử phạt (phạt tiền và áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả) nếu quá thời hạn trong quyết định mà người vi phạm không chấp hành thì ban hành quyết định cưỡng chế và tổ chức thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Điều 4 của Thông tư 03/2018/TT-BXD.

*Mới cập nhật ngày 09/02/2022: Từ ngày 28/01/2022 theo Nghị định 16/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực xây dựng thì chỉ công trình đang thi công xây dựng mà đủ điều kiện cấp phép, điều chỉnh giấy phép thì mới cho thời hạn 30 ngày hoặc 90 ngày điều chỉnh giấy phép, cấp phép

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

10 Bình luận

  1. Nhờ anh Sử tư vấn giúp: năm 2002 UBND phường lập biên bản kiểm tra việc ông A tập kết vật liệu, chuẩn bị mặt bằng để xây dựng công trình trên đất chưa có GCNQSD đất ở (khi đó không có biên bản vi phạm khi ông A xây dựng). Đến nay (2019) nhà nước thu hồi khu đất trên nhưng ông A không chấp hành di rời, vậy để xử lý cưỡng chế tháo dỡ công trình trên thời điểm này thì UBND lập BBVPHC theo mẫu TT03/2018 của BXD hay theo mẫu của NĐ97/2017 (bởi công trình đã hoàn thành) sau đó ban hành QĐ xử lý ra sao?
    Xin trân trọng cảm ơn !

    • Theo tình huống bạn nêu thì vi phạm xảy ra từ năm 2002 đến nay vẫn chưa lập biên bản vi phạm hành chính mặc dù phát hiện vi phạm từ năm 2002. Năm 2019 tiến hành thu hồi đất mà ông A không chấp hành.
      Để cưỡng chế ông A thì có thể thực hiện trên 2 lĩnh vực:
      1. Ban hành Quyết định cưỡng chế quyết định thu hồi đất theo Luật Đất đai 2013 và tổ chức cưỡng chế theo quyết định thu hồi đất
      2. Nếu có có quyết định thu hồi đất thì có thể lập biên bản vi phạm hành chính, ban hành quyết định áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả, mẫu biên bản vi phạm hành chính áp dụng là mẫu biên bản Nghị định 97/2017/NĐ-CP.
      Về xác định văn bản xử phạt: Bạn nghiên cứu Điều 156 LUật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xác định vi phạm áp dụng theo Nghị định tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm nhé.

      • hiện nay tôi đang thụ lý hồ sơ trường hợp trên theo hướng: Lập biên bản VPHC theo mẫu 01 của NDD97/2017 do xây dựng công trình không có GPXD (vi phạm k5 điều 15 và điểm d khoản 11 điều 15 NĐ 139/2018) sau đó ban hành QĐ ADBPKPHQ (không phạt tiền do vi phạm quá 2 năm) nếu không tự thực hiện thì ban hành QĐCC thực hiện QĐKPHQ và tổ chức CC. Theo anh Sử hướng giải quyết này có đảm bảo không. Bởi trường hợp này không xử lý theo QĐ thu hồi đất.
        Cảm ơn anh nhé.

        • THeo Điều 156 Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật thì hành vi xảy ra tại thời điểm nào áp dụng văn bản tại thời điểm văn bản đó có hiệu lực để xử lý. Do đó, nếu bây giờ mới phát hiện hành vi và lập biên bản vi phạm hành chính thì áp dụng Nghị định 139/2017/NĐ-CP là đúng, nếu hành vi đã phát hiện trước đó mà bây giờ xử lý theo Nghị định 139 thì bạn cần xem điều khoản chuyển tiếp của NĐ 139 và Thông tư 03 có cho phép áp dụng với trường hợp này hay không nhé

    • Xin cảm ơn anh Sử nhé.

  2. Nhờ anh Sử tư vấn giúp. Tôi đang băn khoăn tình huống” Trường hợp XD công trình khung nhà sắt mái tôn không có GPXD thì trong QĐXPHC ngoài việc pạt tiền thì biện pháp khắc phục có được yêu cầu dừng thi công và yc tháo dõ công trình ngay không hay phải yêu cầu dừng thi công, xin cấp phép trong 60 ngày theo quy định tại TT03. Bởi tình huống ban hành QĐXP để thực hiện tháo dỡ CT sớm không phải đợi sau 60 ngày vì CT xây dựng như vậy khi xin cấp phép sẽ không được cấp phép như vậy mà sẽ được cấp nhà kiên cố từ 3 tầng trở lên.
    Xin cảm ơn anh nhé/

    • Thông tư 03 không phân biệt trường hợp đủ hay không đủ điều kiện cấp phép đều quy định người vi phạm trong vòng 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính phải xuất trình giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh, nếu không sẽ bị cưỡng chế thi hành. Tuy nhiên, thực tiễn nhiều trường hợp không thể cấp giấy phép xây dựng được thì dù có để thời gian bao lâu cũng không xin phép được, do đó trong trường hợp này một số địa phương đã xử lý theo hướng: UBND cấp xã hoặc Phòng Quản lý đô thị có văn bản xác nhận quy hoạch nơi có công trình xây dựng vi phạm, nếu phù hợp với quy hoạch thì để 60 ngày xin phép xây dựng, nếu không phù hợp với quy hoạch thì không để 60 ngày mà để thời gian 10 ngày hoặc ít, nhiều hơn do người có thẩm quyền quyết định bạn nhé.

      • Tôi là người tham mưu xử lý vi phạm về TTXD đô thị. Theo quy hoạch thì tại vị trí này phải xây dựng công trình 3 tầng, Tuy nhiên Khi kiểm tra phát hiện tại đây đang xây dựng công trình tạm 01 tầng mái lợp tôn, tôi đã lập biên bản VPHC do xây dựng công trình không có GPXD theo quy định tại khoản 5 nd139 (không lập vi phạm quy hoạch theo khoản 7) và đang thụ lý hồ sơ tham mưu ban hành QĐXPHC theo NDD139 và mẫu quy định tại TT03 xử phạt bằng tiền và biện pháp khắc phục là yêu cầu dừng thi công, xin cấp phép trong 60 ngày; nhưng có ý kiến cho rằng công trình này khi cấp phép cũng không được cấp xây nhà tạm nên yêu cầu ra QĐXPHC theo NDD139 ngoài phạt tiền xây dựng không phép thì yêu cầu phải tháo dỡ công trình chứ không phải là dừng xin phép trong 60 ngày theo mẫu QĐ tại TT03 . Do vậy tôi tham mưu QĐ XPHC phạt tiền theo K5 và yêu cầu tháo dỡ CT XD chứ không cho dừng trong 60 ngày để cấp phép theo mẫu tt03 thì có đúng luật không. (cá nhân tôi thì cho rằng phải ban hành QDDXP và yêu cầu dừng xd xin phép trong 60 ngày mới đúng)
        Mong anh tư vấn giúp, xin cảm ơn anh.

        • Nếu không để 60 ngày thì không phù hợp với Nghị định 139 và THông tư 03 nhưng nếu có để 60 ngày mà chủ đầu tư cũng không xin giấy phép được thì việc buộc tháo dỡ ngay cũng không ảnh hưởng đến quyền lợi của người vi phạm (dù trước hay sau cũng buộc tháo dỡ)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *