Trường hợp nào kéo dài thời gian ban hành quyết định xử phạt hành chính

Nhiều bạn đọc đề nghị trangtinphapluat.com hướng dẫn việc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp nào được kéo dài thời gian ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính lên 30 ngày, 60 ngày. Thủ tục để kéo dài thời gian ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là như thế nào?

1.Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Theo quy định tại Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau:

kéo dài thời gian ban hành quyết định xử phạt VPHC
Trường hợp nào được kéo dài thời gian ban hành quyết định xử phạt VPHC

– Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản.

(Cách tính Thời hạn ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính)

Trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.

– Quá thời hạn quy định nêu trên hoặc khoản 3 Điều 63 của Luật này, người có thẩm quyền xử phạt không ra quyết định xử phạt nhưng vẫn quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này, quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành.

(Tòa án tối cao hướng dẫn về thời hạn ra quyết định xử phạt hành chính)

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nếu có lỗi trong việc để quá thời hạn mà không ra quyết định xử phạt thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào quy định trên thì thời hạn ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong các vụ việc bình thường tối đa là 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

2. Trường hợp ban hành Quyết định XPVPHC thời hạn 30 ngày

– Tối đa 30 ngày, kể từ ngày lập biên bả n vi phạm hành chính: Đối với trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật.

(XEM BÀI VIẾT HƯỚNG DẪN CÁCH GHI BIÊN BẢN VI PHẠM HÀNH CHÍNH CHUẨN NHẤT)

a)Thế nào là có nhiều tình tiết phức tạp?

HIện nay, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 81/2013/NĐ-CP và Nghị định 97/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2013/NĐ-CP không có giải thích thế nào là tình tiết phức tạp gây khó khăn cho các cơ quan, đơn vị trong việc xử phạt vi phạm hành chính.

xác định tình tiết phức tạp trong vi phạm hành chính
xác định tình tiết phức tạp trong vi phạm hành chính

Tại Khoản 17 Điều 3 Thông tư 19/2017/TT-BTC quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính do Bộ Tài chính ban hành, có quy định giao cho Bộ trưởng và UBND các tỉnh xác định hồ sơ phức tạp để làm căn cứ mức chi hỗ trợ cán bộ, công chức tham mưu công tác xử lý vi phạm hành chính, cụ thể:

“17. Chi hỗ trợ cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, đánh giá các văn bản, tài liệu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính có nội dung phức tạp, phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều cá nhân, tổ chức. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định cụ thể về thẩm quyền và cách thức xác định các hồ sơ phức tạp tại Bộ, ngành, địa phương mình.”

Như vậy, khi tham mưu ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, để xác định hồ sơ vi phạm hành chính phức tạp cần căn cứ vào quy định của Bộ và UBND tỉnh để xác định.

b) Trường hợp nào được giải trình vi phạm hành chính

Theo Khoản 1 Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì có 3 trường hợp được giải trình, cụ thể:

Đối với hành vi vi phạm hành chính mà pháp luật quy định áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức thì cá nhân, tổ chức vi phạm có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xem xét ý kiến giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trước khi ra quyết định xử phạt, trừ trường hợp cá nhân, tổ chức không có yêu cầu giải trình trong thời hạn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Vi phạm hành chính trường hợp nào được giải trình
Vi phạm hành chính trường hợp nào được giải trình

Cần lưu ý khi lập biên bản vi phạm hành chính phải căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt để xác định cá nhân/tổ chức vi phạm có quyền giải trình hay không, ví dụ khung phạt tiền cá nhân từ 10-15 triệu thì thuộc trường hợp được giải trình mặc dù có thể phạt tiền chỉ ở mức dưới 15 triệu. Nhiều người lập biên bản vi phạm hành chính không chú ý tình tiết này, dẫn đến căn cứ vào mức tiền sẽ phạt để xác định quyền giải trình của cá nhân/tổ chức.

Và một điểm lưu ý nữa đó là xác định giải trình đến ai? thường người lập biên bản vi phạm hành chính ghi quyền giải trình đến lãnh đạo của người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính. Nếu lãnh đạo của người lập biên bản vi phạm hành chính có quyền xử phạt trong trường hợp này thì ghi quyền giải trình như thế là đúng nhưng có nhiều trương hợp thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc cấp cao hơn thì phải ghi người có thẩm quyền xử phạt ở mức cao hơn chứ không ghi giải trình đến lãnh đạo người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính.

c) Ban hành quyết định XPVPHC trong 30 ngày cần hồ sơ gì?

Nếu thuộc trường hợp giải trình thì trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính cần có thêm văn bản thể hiện cá nhân có hay không việc thực hiện giải trình. Trường hợp hồ sơ phức tạp thì nên bổ sung biên bản họp, làm việc với các ngành để xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra thì phải có các hồ sơ khác như biên bản làm việc, biên bản vi phạm hành chính, văn bản thể hiện đã giao biên bản vi phạm hành chính và các hồ sơ khác nếu có.

Và một lưu ý đối với quyết định xử phạt trong trường hợp giải trình thì phải để hết thời hạn giải trình đã ghi trong biên bản vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền mới ký ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, không ban hành quyết định xử phạt khi chưa hết thời hạn giải trình, trừ trường hợp cá nhân/tổ chức đã có giải trình.

(Hướng dẫn ban hành quyết định xử phạt trong trường hợp có giải trình)

3. Trường hợp ban hành quyết định xử phạt thời hạn 60 ngày

Theo Đoạn 2 Khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì” Trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.

(Ban hành quyết định xử phạt trước khi người vi phạm giải trình được không?)

Thủ trưởng trực tiếp gồm những ai
Thủ trưởng trực tiếp gồm những ai

Như vậy, để kéo dài thời gian ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 60 ngày thì phải thỏa mãn 3 điều kiện: Thứ nhất, phải đặc biệt nghiêm trọng, thứ 2 có nhiều tình tiết phức tạp, thứ 3 phải thuộc trường hợp giải trình.

Tuy nhiên, Luật chưa giải thích thế nào là đặc biệt nghiêm trọng, tình tiết phức tạp do đó gây khó khăn, không thống nhất cho việc xác định thời gian kéo dài để ban hành quyết định xử phạt VPHC.

Thủ trưởng trực tiếp gồm những ai?

Theo quy định tại Điều 6e Nghị định 81/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 97/2017/NĐ-CP thì thủ trưởng trực tiếp của người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc được quy định như sau:

Thủ trưởng trực tiếp của người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc theo quy định tại các Điều 66, 77, 125 và 128 Luật xử lý vi phạm hành chính là cấp trên trực tiếp trong quan hệ hành chính đối với người đang giải quyết vụ việc.”

Ví dụ: Chủ tịch huyện thì phải xin ý kiến của Chủ tịch tỉnh; Công an huyện thì phải xin Công an tỉnh….

Tóm lại, Luật Xử lý vi phạm hành chính chia làm 2 trường hợp ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Trường hợp thông thường thì ban hành trong thời hạn 7 ngày, trường hợp phức tạp, trường hợp phải giải trình thì  thời gian ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 30 ngày, và trường hợp cần xác minh thì kéo dài tối đa 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Tuy nhiên, chưa quy định rõ thế nào là tình tiết phức tạp, thế nào là đặc biệt nghiêm trọng đã tạo sự không thống nhất trong xác định tính chất phức tạp, nghiêm trọng của hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.

(Các sai sót thường gặp trong xử phạt vi phạm hành chính cần biết)

Thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền cần sớm hướng dẫn việc xác định thế nào là vụ việc hành chính có tình tiết phức tạp, vụ việc hành chính đặc biệt nghiêm trọng để tạo sự thống nhất trong việc xử phạt vi phạm hành chính.

Phương Thảo

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *