Căn cứ biên bản làm việc để lập biên bản vi phạm hành chính được không?

Bạn đọc có địa chỉ mail nltuan…@gmail.com hỏi: Tôi là công chức Địa chính – Xây dựng được phân công lập Biên bản vi phạm hành chính tại địa phương. Khi phát hiện hành vi vi phạm của ông Nguyễn Văn A xây dựng nhà trái phép khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Tôi đã tiến hành lập Biên bản làm việc tuy nhiên ông Nguyễn Văn A cố tình không ký vào Biên bản làm việc nhưng tôi có mời 02 người đại diện người dân làm người chứng kiến ký vào Biên bản làm việc. Vậy cho tôi hỏi Biên bản làm việc ông Nguyễn Văn A không ký vào biên bản làm việc nhưng có 02 người chứng kiến, thì Biên bản làm việc có cơ sở làm căn cứ để lập Biên bản vi phạm hành chính hay không. Mong trang tin pháp luật giải đáp.

Trangtinphapluat.com trả lời như sau:

1. Biên bản làm việc là căn cứ để lập biên bản vi phạm hành chính

+ Tại Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020 quy định: ” Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này.

Vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa thì người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu có trách nhiệm tổ chức lập biên bản và chuyển ngay cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa về đến sân bay, bến cảng, nhà ga..”.

Huong dan lap bien ban vi pham hanh chinh
Căn cứ biên bản làm việc để lập biên bản vi phạm hành chính

Như vậy, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì khi phát hiện hành vi vi phạm thì phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính chứ không phải lập biên bản làm việc rồi mới lập biên bản vi phạm hành chính. Tuy nhiên, trên thực tiễn khi phát hiện hành vi vi phạm vì nhiều lý do khác nhau như chưa xác định cụ thể hành vi, đối tượng, diện tích vi phạm, hoặc dùng phương tiện kỹ thuật để để phát hiện vi phạm hành chính theo Điều 64 của Luật xử lý vi phạm hành chính…nên chưa thể lập biên bản vi phạm hành chính lúc đó được mà phải lập biên bản làm việc, kết quả ghi nhận của phương tiện, kỹ thuật…sau đó mới tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính.

(Hướng dẫn lập biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)

+  Để hướng dẫn việc lập biên bản vi phạm hành chính, ngày 23/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính, theo đó tại điểm a, b khoản 1 Điều 12 quy định rõ một số trường hợp lập biên bản làm việc trước khi lập biên bản vi phạm hành chính, và biên bản làm việc là căn cứ để lập biên bản vi phạm hành chính.

“Điều 12. Lập biên bản vi phạm hành chính

1. Lập và chuyển biên bản vi phạm hành chính:

a) Người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ khi phát hiện vi phạm hành chính phải lập biên bản vi phạm hành chính.

Đối với hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc không thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình, thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ phải lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền;

b) Trường hợp vụ việc phải giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm tang vật, phương tiện và các trường hợp cần thiết khác, thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ có thể lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc.

Biên bản làm việc quy định tại các điểm a và b khoản này là một trong những căn cứ để lập biên bản vi phạm hành chính;”

Như vậy, trước đây theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì không quy định rõ việc lập biên bản làm việc, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trong việc lập biên bản làm việc trước khi lập biên bản vi phạm hành chính. Hiện nay, theo Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính thì đã quy định cụ thể việc lập biên bản làm việc là cơ sở ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, để đảm bảo chắc hồ sơ thì người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm nên lập biên bản làm việc trước khi lập biên bản vi phạm hành chính để làm rõ đối tượng vi phạm, hành vi vi phạm, thời điểm, địa điểm vi phạm…

2. Giá trị pháp lý của biên bản vi phạm hành chính

Như nội dung bạn hỏi thì biên bản làm việc là căn cứ để lập biên bản vi phạm hành chính. Tuy nhiên, khi lập biên bản vi phạm hành chính phải lập tại nơi xảy ra vi phạm hoặc tại trụ sở làm việc của người lập biên bản hoặc địa điểm khác.  Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản thì biên bản đó mới có giá trị pháp lý (theo khoản 1, khoản 4 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020)

Việc căn cứ vào biên bản làm việc chỉ là một trong những căn cứ để lập biên bản vi phạm hành chính, là cơ sở để làm rõ thêm có hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm vi phạm…chứ không phải có biên bản làm việc rồi thì căn cứ vào đó để lập biên bản vi phạm hành chính mà không tuân thủ nguyên tắc lập biên bản vi phạm hành chính tại Điều 58 thì biên bản đó sẽ không đảm bảo cơ sở pháp lý để ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Trên đây là tư vấn của trangtinphapluat.com về việc căn cứ vào biên bản làm việc để lập biên bản vi phạm hành chính.

Phương Thảo

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *