Vướng mắc trong chuyển quyết định xử phạt hành chính để thi hành

Theo quy định tại Điều 71 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 và 37 Nghị định 166/2013/NĐ-CP về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì chuyển quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế để thi hành như sau:

1. Các trường hợp được chuyển quyết định xử phạt, quyết định cưỡng chế

a) Các trường hợp được chuyển quyết định xử phạt

+ Trong trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện vi phạm hành chính ở địa bàn cấp tỉnh này nhưng cư trú, đóng trụ sở ở địa bàn cấp tỉnh khác và không có điều kiện chấp hành quyết định xử phạt tại nơi bị xử phạt thì quyết định xử phạt được chuyển đến cơ quan cùng cấp nơi cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở để tổ chức thi hành; nếu nơi cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở không có cơ quan cùng cấp thì quyết định xử phạt được chuyển đến Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổ chức thi hành.

+ Trong trường hợp vi phạm hành chính xảy ra ở địa bàn cấp huyện này nhưng cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở ở địa bàn cấp huyện khác mà việc đi lại gặp khó khăn và cá nhân, tổ chức vi phạm không có điều kiện chấp hành quyết định xử phạt tại nơi bị xử phạt thì quyết định xử phạt được chuyển đến cơ quan cung cấp nơi cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở để tổ chức thi hành; nếu nơi cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở không có cơ quan cùng cấp thì quyết định xử phạt được chuyển đến Ủy ban nhân dân cấp huyện để thi hành.

Vướng mắc trong chuyển quyết định xử phạt hành chính để thi hành
Vướng mắc trong chuyển quyết định xử phạt hành chính để thi hành

Như vậy, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì có 02 trường hợp được chuyển quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành: Thứ nhất là vi phạm ở địa bàn khác tỉnh và không có điều kiện thi hành; Thứ hai là vi phạm ở địa bàn khác huyện nhưng đi lại khó khăn và không có điều kiện thi hành.

b) Các trường hợp được chuyển quyết định cưỡng chế

Trường hợp cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế ở địa bàn cấp tỉnh này nhưng cư trú, đóng trụ sở ở địa bàn cấp tỉnh khác và không có điều kiện chấp hành quyết định cưỡng chế tại nơi thực hiện hành vi vi phạm thì quyết định cưỡng chế được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế cùng cấp nơi cá nhân cư trú, tổ chức bị cưỡng chế đóng trụ sở để tổ chức thi hành. Nếu nơi cá nhân bị cưỡng chế cư trú, tổ chức bị cưỡng chế đóng trụ sở không có cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế cùng cấp thì quyết định cưỡng chế được chuyển đến Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổ chức thi hành.

Trường hợp cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế ở địa bàn cấp huyện thuộc phạm vi một tỉnh ở miền núi, hải đảo hoặc những vùng xa xôi, hẻo lánh khác mà việc đi lại gặp khó khăn và cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế không có điều kiện chấp hành tại nơi bị ra quyết định cưỡng chế thì quyết định cưỡng chế được chuyển đến cơ quan cùng cấp nơi cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở để tổ chức thi hành.

Tương tự như chuyển quyết định XPVPHC  để cơ quan khác thi hành thì việc chuyển quyết định cưỡng chế để cơ quan khác thi hành cũng áp dụng trong 2 trường hợp đó là vi phạm ở tỉnh này, cư trú ở tỉnh khác và không có điều kiện thi hành hoặc vi phạm ở huyện này, cư trú ở huyện khác ở miền núi, hải đảo đi lại khó khăn và không có điều kiện thi hành.

2. Trình tự, thủ tục chuyển quyến định để thi hành

+ Khoản 3 Điều 71 LUật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định: Cơ quan của người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp nêu trên có trách nhiệm, chuyển toàn bộ bản gốc hồ sơ, giấy tờ liên quan đến cơ quan tiếp nhận quyết định xử phạt để thi hành theo quy định của Luật này. Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu (nếu có) được chuyển đến cơ quan tiếp nhận quyết định xử phạt để thi hành, trừ trường hợp tang vật là động vật, thực vật sống, hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng, khó bảo quản theo quy định của pháp luật và một số loại tài sản khác do Chính phủ quy ịnh.

Cá nhân, tổ chức vi phạm phải trả chi phí chuyển hồ sơ, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

+ Theo khoản 1 Điều 22 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Cơ quan của người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 71 Luật Xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm chuyển toàn bộ bản gốc hồ sơ, giấy tờ liên quan đến cơ quan tiếp nhận quyết định xử phạt để thi hành. Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu (nếu có) được chuyển đến cơ quan tiếp nhận quyết định xử phạt để thi hành.

Việc chuyển và bàn giao tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đến cơ quan tiếp nhận quyết định xử phạt để thi hành phải lập thành biên bản.

+ Đối với quyết định cưỡng chế thì Điều 37 Nghị định 166 quy định chuyển như sau: Cơ quan chuyển việc thi hành cưỡng chế có trách nhiệm chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cho cơ quan cùng cấp ở địa phương nơi cá nhân cư trú, tổ chức bị cưỡng chế đóng trụ sở để tổ chức thi hành.

3. Tổ chức thi hành quyết định

+ Tại khoản 2 Điều 22 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định việc  Xem xét hoãn, giảm, miễn tiền phạt trong trường hợp chuyển quyết định xử phạt vi phạm hành chính để tổ chức thi hành:

– Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt đề nghị hoãn, giảm, miễn tiền phạt theo quy định tại các Điều 76 và 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì người có thẩm quyền tại cơ quan tiếp nhận quyết định xử phạt để thi hành có trách nhiệm tiếp nhận, xem xét, quyết định việc hoãn, giảm, miễn, đồng thời thông báo cho người có đơn đề nghị hoãn, giảm, miễn và người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó biết, nếu không đồng ý với việc hoãn, giảm, miễn, thì phải nêu rõ lý do;

– Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt gửi đơn đề nghị hoãn, giảm, miễn tiền phạt đến người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thì người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt có trách nhiệm tiếp nhận và chuyển đơn đề nghị đó đến người có thẩm quyền tại cơ quan tiếp nhận quyết định xử phạt quy định tại điểm a khoản này để xem xét, quyết định việc hoãn, giảm, miễn.

+ Đối với thi hành quyết định cưỡng chế được chuyển cho địa phương khác thì theo Khoản 2 Điều 37 Nghị định 166 thực hiện như sau: Trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo chuyển và hồ sơ vụ việc, cơ quan cùng cấp ở địa phương nơi cá nhân bị cưỡng chế cư trú, tổ chức bị cưỡng chế đóng trụ sở có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế.

4. Vướng mắc trong quá trình chuyển quyết định xử phạt để thi hành

Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định điều kiện được chuyển quyết định để cơ quan khác thi hành quyết định xử phạt đó là vi phạm ở khác tỉnh, khác huyện, điều kiện đi lại khó khăn, không thể thi hành quyết định tại nơi vi phạm. Tuy nhiên, thực tiễn việc chuyển giao quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho địa phương khác thi hành gặp bất cập sau:

+ Đối với các quyết định xử phạt hành chính mà cá nhân, tổ chức không chấp hành nộp  tiền  phạt mà không thuộc trường hợp được chuyển cho địa phương khác thi hành (ví dụ: A ở huyện B nhưng vi phạm ở huyện C, không thuộc trường hợp Điều 71 Luật Xử lý vi phạm hành chính), người có thẩm quyền xử phạt ban hành quyết định cưỡng chế thu tiền phạt bằng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản ngân hàng hoặc kê biên tài sản có giá trị tương đương để thi hành ở địa phương người vi phạm cư trú (nhà cửa, bất động sản khác, đất đai…) sẽ gặp nhiều khó khăn như: Xác minh thông tin tài khoản, công tác phối hợp với các lực lượng của nơi có tài sản…

Do đó, trong trường hợp này việc cưỡng chế để thi hành hình phạt tiền là rất khó. Để đảm bảo tính khả thi của quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhất là trường hợp người địa phương này vi phạm ở địa phương khác không thuộc trường hợp Điều 71 thì cần nghiên cứu bổ sung, hướng dẫn công tác phối hợp giữa các địa phương để thi hành biện pháp cưỡng chế hoặc cho phép chuyển quyết định xử phạt để địa phương nơi cư trú tổ chức cưỡng chế (ngoài 2 trường hợp được chuyển quyết định xử phạt và chuyển quyết định cưỡng chế theo Điều 37 Nghị định 166/2013/NĐ-CP thì bổ sung thêm trường hợp ở địa bàn huyện này, vi phạm ở địa bàn huyện khác mà không có điều kiện thi hành thì được chuyển quyết định xử phạt, quyết định cưỡng chế).

+ Theo Điều 22 Nghị định 118 thì khi chuyển quyết định thì phải chuyển toàn bộ hồ sơ gốc để cơ quan tiếp nhận xử phạt. Tuy nhiên, có quyết định áp dụng phạt tiền và buộc khắc phục hậu quả, như vậy hình thức phạt tiền thì cá nhân không có điều kiện thi hành tại nơi vi phạm thì có thể chuyển về nơi cư trú để thi hành còn biện pháp buộc khắc phục hậu quả như phá dỡ công trình vi phạm thì nơi có công trình vi phạm tổ chức thực hiện sẽ thuận lợi hơn. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung đối với trường hợp vừa áp dụng hình thức phạt tiền, vừa áp dụng phạt bổ sung hoặc khắc phục hậu quả mà hình phạt nào thuận lợi cho cơ quan ban hành quyết định để thi hành thì có thể giữ lại để thi hành, còn phần nào mà người vi phạm không có điều kiện thi hành tại nơi vi phạm thì chuyển về nơi cư trú cho họ thực hiện. Như vậy, vừa đảm bảo thuận lợi cho cơ quan ban hành quyết định xử phạt và cơ quan tiếp nhận thi hành quyết định xử phạt cũng như cá nhân, tổ chức vi phạm.

Trangtinphapluat.com rất mong nhận được ý kiến tham gia của bạn đọc về việc chuyển quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế hành chính để cơ quan khác thi hành. Ý kiến vui lòng ghi ở mục bình luận bên dưới bài viết.

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *