Quy trình cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng vi phạm

Trangtinphapluat.com biên soạn, giới thiệu tới bạn đọc quy trình thi hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện khắc phục hậu quả trong lĩnh vực trật tự xây dựng đối với biện pháp tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm theo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020, Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, Nghị định số 166/2013/NĐ-CP của Chính phủ về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo mẫu quyết định số 11 phụ lục một số biểu mẫu trong xử phạt vi phạm hành chính ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021. Nội dung quyết định cưỡng chế và trách nhiệm của cơ quan chủ trì, các cơ quan phối hợp tổ chức thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Điều 6, Điều 33 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP của Chính phủ về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Gửi quyết định cưỡng chế: Ngay sau khi ra quyết định cưỡng chế, người có thẩm quyền tổ chức gửi quyết định cưỡng chế cho tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế để thi hành quyết định cưỡng chế; gửi tổ chức, cá nhân có liên quan, Chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi tổ chức cưỡng chế để phối hợp thực hiện (quy định tại Điều 5 Nghị định 166/2013/NĐ-CP). Đồng thời giải thích, vận động, thuyết phục tổ chức, cá nhân là đối tượng bị cưỡng chế tự nguyện chấp hành quyết định cưỡng chế khi gửi quyết định cưỡng chế (có biên bản ghi nhận việc vận động).

Trình tự, thủ tục cưỡng chế quyết định xử phạt hành chính
Quy trình cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng vi phạm

Qua quá trình vận động thuyết phục mà không có hiệu quả thì tiến hành cưỡng chế theo quy định, với trình tự như sau:

1. Giai đoạn chuẩn bị:

– Cơ quan được giao chủ trì tổ chức cưỡng chế có thể xin ý kiến người ban hành quyết định cưỡng chế thành lập tổ công tác thực hiện cưỡng chế theo quyết định cưỡng chế đã ban hành. Tùy vào tính chất của vụ việc cưỡng chế mà thành phần tham gia tổ cưỡng chế có thể bao gồm: Cơ quan chủ trì cưỡng chế, các cơ quan phối hợp (cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp do người ban hành quyết định cưỡng chế quyết định trong quyết định cưỡng chế, có thể bao gồm các cơ quan: Phòng Kinh tế và hạ tầng/ phòng Quản lý đô thị, Đội kiểm tra trật tự đô thị, phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Tài chính – Kế hoạch, Phòng tư pháp, UBND xã/ phường/ thị trấn, lực lượng công an huyện/ thành phố và xã/ phường/ thị trấn…), cơ quan mặt trận, đoàn thể, chính trị – xã hội cùng cấp…

Xây dựng kế hoạch tổ chức cưỡng chế trình người ban hành quyết định cưỡng chế phê duyệt. Kế hoạch phải bao quát về nội dung, đối tượng, địa điểm, thành phần tham gia, phương tiện, thiết bị, nhân lực (hoặc thuê đơn vị có đủ điều kiện năng lực để phá dỡ, tùy theo quy mô, tính phức tạp của công trình), thời gian (tùy quy mô và mức độ phức tạp của công trình bị phá dỡ mà có thể lựa chọn 1 hoặc 2 ngày, không được kéo dài mà nên rút ngắn thời gian cưỡng chế sớm nhất trong trường hợp có thể). Lập dự trù chi phí cưỡng chế, lấy ý kiến cơ quan chuyên môn cùng cấp (cơ quan tài chính) trước khi trình người ra quyết định cưỡng chế phê duyệt; đồng thời gửi dự trù chi phí cưỡng chế cho đối tượng bị cưỡng chế 01 bản để nộp chi phí cưỡng chế sau khi được phê duyệt (khoản 1 Điều 5 Thông tư số 05/2017/TT-BTC).

Tổ chức lập phương án hoặc giải pháp phá dỡ (người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế hoặc giao cơ quan chủ trì thực hiện cưỡng chế tổ chức lập hoặc thuê đơn vị tư vấn có đủ điều kiện năng lực lập phương án hoặc giải pháp phá dỡ). Đối với công trình xây dựng ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích công đồng được quy định tại Phụ lục X danh mục kèm theo Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 phải được thẩm tra, phê duyệt phương án, giải pháp phá dỡ (khoản 2 Điều 118 Luật Xây dựng, được sửa đổi bổ sung năm 2020).

– Để cũng cố thêm tính pháp lý, trong trường hợp cần thiết cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện cưỡng chế có thể gửi toàn bộ hồ sơ cưỡng chế để lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn và các cơ quan phối hợp (như: Cơ quan tư pháp, cơ quan thanh tra, cơ quan công an…) trước khi tiến hành thực hiện cưỡng chế.

– Lựa chọn và ký kết hợp đồng phá dỡ công trình cưỡng chế trong trường hợp thuê nhà thầu phá dỡ hoặc thuê nhân công, phương tiện để phá dỡ…

Tạm ứng chi phí cưỡng chế: Chí phí cưỡng chế bao gồm các chi phí quy định tại khoản 2 Điều 39 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP. Chi phí cưỡng chế do đối tượng bị cưỡng chế chi trả; trường hợp chưa thu được chi phí cưỡng chế từ đối tượng bị cưỡng chế thì cơ quan chủ trì thi hành quyết định cưỡng chế căn cứ vào dự trù chi phí cưỡng chế được duyệt tạm ứng từ ngân sách nhà nước của cơ quan ra quyết định cưỡng chế để thực hiện cưỡng chế (khoản 2 Điều 5 Thông tư số 05/2017/TT-BTC).

– Tổ chức họp tổ công tác thực hiện cưỡng chế, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị tham gia thực hiện cưỡng chế trước khi tiến hành cưỡng chế.

2. Giai đoạn cưỡng chế:

– Nhằm đảm bảo an toàn nên tập trung lực lượng cưỡng chế tại cơ quan tiến hành cưỡng chế để di chuyển đến nơi cưỡng chế, không nên tách riêng lẻ lực lượng cưỡng chế (tùy vào điều kiện mà cơ quan tiến hành cưỡng chế có thể bố trí trang phục riêng cho lực lượng cưỡng chế, cấp phát thẻ cho lực lượng tham gia cưỡng chế). Nhà thầu phá dỡ có trách nhiệm tập kết phương tiện, thiết bị phá dỡ tại nơi cưỡng chế.

– Sau khi đã có mặt đầy đủ lực lượng tham gia cưỡng chế và đối tượng bị cưỡng chế (nếu có) thì đại diện tổ công tác thực hiện cưỡng chế (cơ quan chủ trì) đọc quyết định cưỡng chế với sự chứng kiến của lực lượng cưỡng chế và đại diện UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi tiến hành cưỡng chế.

– Trước khi tiến hành cưỡng chế nếu tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế tự nguyện thi hành thì cơ quan chủ trì cưỡng chế lập biên bản công nhận sự tự nguyện thi hành. Trường hợp không tự nguyện thi hành thì tiến hành cưỡng chế theo kế hoạch và phương án đã được phê duyệt. Khi thực hiện cưỡng chế hoặc khi tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế cố tình vắng mặt thì vẫn phải tiến hành cưỡng chế nhưng phải có đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến. Lực lượng công an có trách nhiệm chốt chặn xung quanh khu vực cưỡng chế, bảo đảm an ninh, trật tự trong suốt quá trình cưỡng chế không để có sự cố xảy ra (khoản 2, 3, 4 Điều 34 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP).

– Trường hợp cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm mà trong công trình đó có tài sản không thuộc diện phải cưỡng chế thì người tổ chức cưỡng chế có quyền buộc cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế và những người khác có mặt trong công trình ra khỏi công trình, đồng thời yêu cầu họ tự chuyển tài sản ra theo. Nếu họ không tự nguyện thực hiện thì người tổ chức cưỡng chế yêu cầu lực lượng cưỡng chế đưa họ cùng tài sản ra khỏi công trình hoặc khu vực cưỡng chế. Nếu họ từ chối nhận tài sản, người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản và thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để trông giữ, bảo quản hoặc bảo quản tại kho của cơ quan ra quyết định cưỡng chế và thông báo địa điểm, thời gian để cá nhân, tổ chức có tài sản nhận lại tài sản. Cá nhân, tổ chức có tài sản phải chịu các chi phí vận chuyển, trông giữ, bảo quản tài sản. Quá thời hạn 06 tháng, kể từ ngày nhận được thông báo đến nhận tài sản mà cá nhân, tổ chức có tài sản không đến nhận thì tài sản đó được bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Số tiền thu được, sau khi trừ các chi phí cho việc vận chuyển, trông giữ, bảo quản, xử lý tài sản sẽ được gửi tiết kiệm loại không kỳ hạn tại tổ chức tín dụng và thông báo cho cá nhân, tổ chức có tài sản biết để nhận khoản tiền đó. Đối với tài sản hư hỏng và không còn giá trị, người tổ chức cưỡng chế tổ chức tiêu hủy theo quy định của pháp luật. Người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ hiện trạng của tài sản trước khi tiêu hủy (Điều 34 Nghị định 166/2013/NĐ-CP).

– Cơ quan chủ trì tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản quá trình thi hành quyết định cưỡng chế trước khi kết thúc việc cưỡng chế và giao cho tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế một bản. Nội dung biên bản thi hành quyết định cưỡng chế theo quy định tại Điều 35 Nghị định 166/2013/NĐ-CP.

3. Giai đoạn kết thúc cưỡng chế

– Cơ quan chủ trì tổ chức cưỡng chế báo cáo người ban hành quyết định cưỡng chế về kết quả thực hiện cưỡng chế.

Hoàn trả tạm ứng chi phí cưỡng chế, quy định tại Điều 6 Thông tư số 05/2019/TT-BTC như sau: Cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế trình người ra quyết định cưỡng chế phê duyệt quyết toán chi phí cưỡng chế. Căn cứ quyết toán được duyệt cơ quan thi hành cưỡng chế có thông báo bằng văn bản về quyết toán chi phí cưỡng chế gửi cho đối tượng bị cưỡng chế để nộp chi phí cưỡng chế. Chậm nhất 10 ngày khi nhận được thông báo quyết toán chi phí cưỡng chế, đối tượng bị cưỡng chế có trách nhiệm nộp chi phí cưỡng chế cho cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế và cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế phải làm thủ tục hoàn trả ngay số tiền đã tạm ứng chi phí cưỡng chế khi thu được tiền của đối tượng bị cưỡng chế. Nếu đối tượng bị cưỡng chế không tự nguyện hoàn trả hoặc hoàn trả chưa đủ chi phí cưỡng chế thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có thể ra quyết định cưỡng chế bằng các biện pháp quy định tại điểm a, b, c, Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trường hợp không có khả năng thu hồi chi phí cưỡng chế do đối tượng bị cưỡng chế đã chết, mất tích, phá sản, giải thể thì cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế báo cáo người ra quyết định cưỡng chế theo quy định tại khoản 6 Điều 6 Thông tư số 05/2019/TT-BTC.

* Lưu ý: Thời gian tổ chức cưỡng chế thực hiện trong giờ hành chính, nếu đang cưỡng chế mà thực hiện chưa xong thì phân công lực lượng bảo vệ nơi cưỡng chế để hôm sau tiếp tục thực hiện cưỡng chế.

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

One comment

  1. Lương Văn Tây

    Như vậy các Đội kiểm tra trật tự đô thị (không thuộc đề án thí điểm) có được giao chủ trì tổ chức thi hành quyết định của Chủ tịch cấp huyện không anh? (do quy định chỉ giao cho cơ quan chuyên môn)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *