Có được cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính vào ngày nghỉ?

Một số bạn đọc đề nghị trangtinphapluat.com cho biết việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (phần biện pháp buộc khắc phục hậu quả) hoặc quyết định cưỡng chế   thi hành quyết định buộc khắc phục hậu quả (trường hợp không xử phạt) pháp luật xử lý vi phạm hành chính quy định như thế nào?, có được tổ chức cưỡng chế vào ngày nghỉ, lễ, tết hay không? Và việc xác định thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế căn cứ vào đâu?.

Trangtinphapluat.com trả lời như sau:

1. Quy định về thời gian tổ chức cưỡng chế

Cưỡng chế theo thời hạn ghi trong quyết định

 + Theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Xử ý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì:  “Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người ra quyết định phải gửi quyết định cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, cơ quan, tổ chức thực hiện việc cưỡng chế và cá nhân, tổ chức có liên quan.
Người ra quyết định cưỡng chế tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của mình và của cấp dưới.
Việc gửi quyết định cưỡng chế cho các cá nhân, tổ chức liên quan được thực hiện theo quy định tại Điều 70 của Luật này:
Quyết định cưỡng chế phải được thi hành ngay khi cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế nhận được quyết định cưỡng chế.”

Thời gian thực hiện quyết định cưỡng chế
Có được cưỡng chế quyết định xử phạt vào ngày nghỉ

+ Theo khoản 3 Điều 5 Nghị định 166/2013/NĐ-CP về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì: Thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế là 15 ngày, kể từ ngày nhận quyết định cưỡng chế; trường hợp quyết định cưỡng chế có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 15 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

+ Tại Điều 22 Nghị định 166/2013/NĐ-CP  có quy định: Việc kê biên tài sản phải thực hiện vào ban ngày, thời gian từ 08 giờ đến 17 giờ.

Như vậy, theo Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 166/2013/NĐ-CP thì chỉ quy định việc tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế là 15 ngày hoặc dài hơn kể từ ngày cá nhân/tổ chức bị cưỡng chế nhận được quyết định. Không quy định không được tổ chức cưỡng chế vào ngày nghỉ, lễ, tết…

Chỉ cưỡng chế vào giờ hành chính

+ Khác với pháp luật về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong lĩnh vực thi hành án dân sự, lĩnh vực đất đai quy định cụ thể cưỡng chế trong giời hành chính.

Luật Thi hành án dân sự

Tại khoản 2 Điều 46 quy định rõ:  Không tổ chức cưỡng chế thi hành án trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.

Luật Đất đai 2013

 Khoản 59 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai năm 2013 thì:

b) Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính;

c) Không thực hiện cưỡng chế trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau; các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; trong thời gian 15 ngày trước và sau tết nguyên đán; các ngày truyền thống đối với các đối tượng chính sách nếu họ là người bị cưỡng chế và các trường hợp đặc biệt khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phong tục, tập quán tại địa phương.“.

 Luật Đất đai 2024:

Điều 88. Cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc

1. Việc cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Tiến hành công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật;

b) Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính.”

Điều 89. Cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất

1. Việc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Tiến hành công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật;

b) Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính. Không thực hiện cưỡng chế trong thời gian từ 10 giờ đêm ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau; các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật, ngày lễ theo truyền thống của đồng bào dân tộc; trong thời gian 15 ngày trước và sau thời gian nghỉ Tết Âm lịch và các trường hợp đặc biệt khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phong tục, tập quán tại địa phương;”

+ Thực tiễn chỉ cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định buộc khắc phục hậu quả các cơ quan nhà nước vận dụng quy định của pháp luật thi hành án dân sự để tổ chức cưỡng chế vào giờ hành chính. Việc tổ chức cưỡng chế vào giờ hành chính phù hợp với thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức.

(Xem mẫu kế hoạch cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính)

2. Thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế

 + Không phải tất cả những người có thẩm quyền xử phạt đều có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế mà chỉ những người quy định tại Điều 87 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020, mới có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế.

Người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế có thể giao quyền cho cấp phó ban hành quyết định cưỡng chế. Việc giao quyền được thể hiện bằng quyết định, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền. Cấp phó được giao quyền phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện quyền được giao. Người được giao quyền không được giao quyền cho người khác.

(Mẫu quyết định chấm dứt giao quyền cưỡng chế)

Quy định về giao quyền cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính
Quy định về ủy quyền xử phạt vi phạm hành chính

+ Trường hợp người đã ban hành quyết định xử phạt mà không có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế thì ai có quyền ban hành quyết định cưỡng chế?

– Hiện nay Luật xử lý vi phạm hành chính và các nghị định hướng dẫn chưa đề cập nội dung này, chỉ nêu: Người ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của mình và của cấp dưới (khoản 1 Điều 6 Nghị định 166/2013/NĐ-CP); Người ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm gửi ngay quyết định cưỡng chế cho các cá nhân, tổ chức liên quan và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của mình và của cấp dưới (khoản 1 Điều 88 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Chưa có quy định cụ thể trường hợp người xử phạt nhưng không có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế thì phải gửi đến cơ quan nào để ban hành quyết định cưỡng chế.

– Trước đây Thông tư 02/2014/TT-BXD hướng dẫn Nghị định 121/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực xây dựng, tại điểm b khoản 2 Điều 2 quy định:  Đối với công trình xây dựng thuộc thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Sở Xây dựng, người có thẩm quyền lập biên bản theo Mẫu biên bản số 02 ban hành kèm theo Thông tư này. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày lập biên bản, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình vi phạm phải chuyển hồ sơ lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng vi phạm, chuyển cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện.

(Tải   Mẫu Thông báo cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính)

Trangtinphapluat.com cho rằng, đối với những trường hợp người có thẩm quyền xử phạt đồng thời có thẩm quyền cưỡng chế thì căn cứ vào Luật Xử lý vi phạm hành chính người đó ban hành quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế, trường hợp không đủ khả năng tổ chức cưỡng chế thì có thể đề nghị cấp trên tổ chức cưỡng chế.

Đối với trường hợp người có thẩm quyền xử phạt nhưng không có thẩm quyền cưỡng chế thì vận dụng điều 52 về nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (Luật xử lý vi phạm hành chính) gửi hồ sơ đề nghị cưỡng chế cho người có thẩm quyền cưỡng chế cấp trên trực tiếp của mình hoặc đề nghị Chủ tịch UBND các cấp ban hành quyết định cưỡng chế.

Trên đây là hướng dẫn của trangtinphapluat.com liên quan đến thời gian tổ chức cưỡng chế và thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế. Bạn đọc có ý kiến góp ý vui lòng để ở mục bình luận bên dưới bài viết.

(Tải Slide bài giảng tập huấn nghiệp vụ xử phạt vi phạm hành chính năm 2020)

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *