Trangtinphapluat.com biên soạn, giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng có hiệu lực trong tháng 7/2020 như: 12 luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 như: Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, Luật cán bộ, công chức, viên chức sửa đổi; Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi…Danh mục bí mật nhà nước trên lĩnh vực giáo dục, thanh tra, đoàn thanh niên…
1. Luật Lực lượng dự bị động viên 2019
Luật Lực lượng dự bị động viên 2019 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2019, gồm 5 chương, 41 điều, có hiệu lực thi hành 01/7/2020, thay thế Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên ngày 27 tháng 8 năm 1996.
(Tải đề cương tuyên truyền Luật lực lượng dự bị động viên)
2.Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019
Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2019, có hiệu lực thi hành 01/7/2020.
3. Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2019, có hiệu lực thi hành 01/7/2020.
4. Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019
Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 và Luật Viên chức số 58/2010/QH12 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2019, có hiệu lực thi hành 01/7/2020.
Theo đó một điểm mới nổi bật là việc nâng ngạch công chức được thực hiện thông qua hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển (Luật cũ chỉ thi tuyển). Việc thi nâng ngạch, xét nâng ngạch phải bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.
5. Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019
Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 22 tháng 11 năm 2019, có 8 chương 52 điều, có hiệu lực 01/7/2020.
6. Luật Dân quân tự vệ 2019
Luật Dân quân tự vệ 2019 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 22 tháng 11 năm 2019, gồm 8 chương và 55 điều, có hiệu lực 01/7/2020.
(Đề cương tuyên truyền Luật Dân quân tự vệ 2019)
Theo đó, Công dân được miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong trường hợp sau đây:
– Vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ;
– Vợ hoặc chồng, con của thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
– Quân nhân dự bị đã được sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên;
– Người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng; người trực tiếp nuôi dưỡng người suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
– Người làm công tác cơ yếu.
7. Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ số 76/2015/QH13 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 22 tháng 11 năm 2019, có hiệu lực 01/7/2020.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung về ủy quyền trong cơ quan nhà nước như sau:
Trong trường hợp cần thiết, trừ trường hợp phân quyền, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp, Ủy ban nhân dân có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể. Việc ủy quyền phải được thể hiện bằng văn bản.
(Xem quy định về phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong cơ quan Nhà nước)
8. Luật Thư viện 2019
Luật Thư viện 2019 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2019, gồm 6 chương và 52 điều, có liệu lực 01/7/2020.
9. Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018
Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 15 tháng 11 năm 2018, gồm 5 chương, 28 điều, có hiệu lực 01/7/2020.
Theo đó, Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước là khoảng thời gian được tính từ ngày xác định độ mật của bí mật nhà nước đến hết thời hạn sau đây:
– 30 năm đối với bí mật nhà nước độ Tuyệt mật;
– 20 năm đối với bí mật nhà nước độ Tối mật;
– 10 năm đối với bí mật nhà nước độ Mật.
10. Luật giáo dục 2019
Luật giáo dục được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2019, gồm 9 chương 115 điều, có hiệu lực 01/7/2020.
Theo đó, Văn bằng, chứng chỉ do cơ sở giáo dục thuộc các loại hình và hình thức đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân cấp có giá trị pháp lý như nhau.
11. Luật Kiến trúc 2019
Luật Kiến trúc 2019 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 13 tháng 6 năm 2019, gồm 5 chương, 41 điều, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.
12. Luật Quản lý thuế 2019
Luật Quản lý thuế 2019 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 13 tháng 6 năm 2019, gồm 17 chương 152 điều, có hiệu lực 01/7/2020.
13. Miễn phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt
Ngày 05/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 53/2020/NĐ-CP quy định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, có hiệu lực 01/7/2020.
(Tải slide tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường)
Theo đó, Nước thải sinh hoạt được miễn phí bảo vệ môi trường gồm:
– Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở các xã;
– Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở các phường, thị trấn chưa có hệ thống cấp nước sạch;
-Hộ gia đình, cá nhân không kinh doanh ở các phường, thị trấn đã có hệ thống cấp nước sạch tự khai thác nước sử dụng.
14. Quy định xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước
Ngày 28/02/2020,Chính phủ ban hànhNghị định 26/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, có hiệu lực 01/7/2020.
Theo đó việc xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước thực hiện như sau:
Người soạn thảo, tạo ra thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước phải đề xuất người đứng đầu cơ quan, tổ chức xác định bí mật nhà nước, độ mật của bí mật nhà nước, nơi nhận, số lượng bản phát hành, được phép hoặc không được phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước tại Tờ trình, Phiếu trình duyệt ký văn bản hoặc văn bản xác định độ mật của vật, địa điểm, lời nói, hoạt động chứa bí mật nhà nước và có trách nhiệm bảo vệ nội dung bí mật nhà nước trong quá trình soạn thảo, tạo ra. Tài liệu bí mật nhà nước phải thể hiện nơi nhận, số lượng bản phát hành, tên người soạn thảo, được phép hoặc không được phép sao, chụp ở mục nơi nhận của tài liệu. Trường hợp văn bản điện tử, người soạn thảo phải tạo dấu chỉ độ mật trên văn bản sau khi được người có thẩm quyền xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước; văn bản điện tử khi in ra để phát hành phải đóng dấu độ mật theo quy định.
15.Nguyên tắc xác định vị trí việc làm và quản lý biên chế công chức
Ngày 01/6/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 62/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và biên chế công chức,có hiệu lực 20/7/2020/
Theo đó, nguyên tắc xác định vị trí việc làm và quản lý biên chế công chức như sau:
– Tuân thủ các quy định của Đảng, của pháp luật về vị trí việc làm, quản lý, sử dụng biên chế công chức.
– Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức.
(Tải tài liệu ôn thi công chức, viên chức tại đây)
– Bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa xác định vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức với sử dụng và quản lý biên chế công chức.
– Bảo đảm tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ và phù hợp với thực tiễn.
– Gắn tinh giản biên chế với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức trong các cơ quan, tổ chức.
16. Danh mục Bí mật nhà nước độ Mật của Đoàn thanh niên
Ngày 10/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hànhQuyết định 808/QĐ-TTg năm 2020 về Danh mục bí mật nhà nước của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,có hiêu lực 01/7/2020.
Theo đó,Danh mục Bí mật nhà nước độ Mật của Đoàn thanh niên gồm:
– Nội dung làm việc của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với Ban Bí thư, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về vận động đoàn viên, thanh niên tham gia bảo vệ tổ quốc, phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
– Kế hoạch, số liệu điều tra, khảo sát, báo cáo đánh giá về thực trạng tình hình tư tưởng, đời sống và những phức tạp trong thanh niên có tác động tiêu cực đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội chưa công khai.
– Báo cáo về công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có nội dung phản ánh các vụ, việc gây tác động tiêu cực đến chính trị, quốc phòng, an ninh, xã hội.
-Nghị quyết, phương án, kế hoạch và văn bản về tổ chức, vận động đoàn viên, thanh niên tham gia công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, gây rối an ninh trật tự.
17 Danh mục Bí mật nhà nước độ Tối mật lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Ngày 10/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 809/QĐ-TTg về Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực 01/7/2020.
Theo đó, danh mục bí mật nhà nước độ tối mật lĩnh vực giáo dục và đào tạo gồm:
– Kế hoạch, chương trình hành động, báo cáo, tài liệu kèm theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo trực tiếp phục vụ chiến lược an ninh, quốc phòng chưa công khai.
– Đề thi chính thức, đề thi dự bị, đáp án đề thi chính thức, đáp án đề thi dự bị của các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thí chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực chưa công khai.
– Thông tin về người thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu được cử đi đào tạo trong nước và ngoài nước cần được bảo vệ theo yêu cầu của bên cử đi đào tạo.
18. Danh mục bí mật nhà nước trong hoạt động phòng, chống tham nhũng
Ngày 05/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 774/QĐ-TTg năm 2020 về danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, có hiệu lực 01/7/2020.
Theo đó, danh mục bí mật nhà nước mức độ mật trong hoạt động phòng, chống tham nhũng gồm:
– Họ tên, địa chỉ, bút tích của người phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng, trừ trường hợp người phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng có yêu cầu khác;
(Tải slide tuyên truyền Luật Phòng, chống tham nhũng)
– Nội dung báo cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi tham nhũng;
– Kết quả kiểm tra, xác minh phản ánh, báo cáo về tham nhũng;
– Những thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là không công khai.
19. Từ 01/7/2020, chính thức áp dụng xử lý kỷ luật cán bộ, công chức vi phạm pháp luật xử lý VPHC
Ngày 12/02/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 19/2020/NĐ-CP Kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực 31/3/2020, riêng các quy định về xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực 01/7/2020.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật ở các mức độ khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.
20. Từ 01/7/2020, cho phép xã, phường loại II có 02 Phó Chủ tịch
Đây là nội dung mới được quy định tại Nghị định 69/2020/NĐ-CP ngày 24/6/2020 của Chính phủ quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2016/NĐ-CP ngày 25/01/2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020.
Theo quy định mới từ ngày 01/7/2020, xã, phường loại I và loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND; xã, phường, thị trấn loại III có 01 Phó Chủ tịch UBND. Trước đây quy định xã, phường, thị trấn loại II có không quá 01 Phó chủ tịch UBND.