Hướng dẫn trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai

Trangtinphapluat.com biên soạn, giới thiệu tới bạn đọc trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai từ lúc phát hiện hành vi vi phạm đến khi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định khắc phục hậu quả, quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.

Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai

Căn cứ để trangtinphapluat.com biên soạn gồm: Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính như Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 166/2013/NĐ-CP, các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ xử phạt hành chính của Bộ Tư pháp, Cục Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai; Nghị định 04/2022/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ

Bước 1. Phát hiện hành vi và lập biên bản vi phạm hành chính

Trách nhiệm tổ chức, cá nhân

Theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Xử lý vi phạm hành chính  thì Cá nhân, tổ chức có trách nhiệm phát hiện, tố cáo và đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính.

Do đó, khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thì tổ chức, cá nhân có trách nhiệm báo cho người có thẩm quyền biết để xử lý.

Thẩm quyền lập biên bản VPHC

+ Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính theo Khoản 2 Điều 40 Nghị định 91/2019/NĐ-CP phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính, gồm:

Nghị định số 91/2019/NĐ-CP Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
Hướng dẫn trình tự, thủ tục xử phạt VPHC lĩnh vực đất đai

– Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính;

– Công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thực hiện thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai và hoạt động dịch vụ về đất đai.

– Công chức kiểm lâm được giao nhiệm vụ thực hiện thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng rừng được lập biên bản- vi phạm hành chính đối với hành vi lấn, chiếm, sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất vào mục đích khác. Công chức, viên chức Cảng vụ hàng không được giao nhiệm vụ thực hiện kiểm tra việc sử dụng đất cảng hàng không, sân bay dân dụng.

* Lưu ý: Người có thẩm quyền lập biên bản nhưng không có thẩm quyền xử phạt chỉ được lập biên bản trên nhiệm vụ được giao. Ví dụ: Công chức địa chính – xây dựng chỉ được lập biên bản VPHC trên lĩnh vực đất đai xây dựng.

Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai được lập theo quy định tại Điều 58 của Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 118/2021/NĐ-CP, cụ thể:

– Biên bản vi phạm hành chính phải được lập tại nơi xảy ra hành vi vi phạm hành chính. Trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản hoặc địa điểm khác thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.

– Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký, trừ trường hợp biên bản được lập theo quy định tại khoản 7 Điều này.

Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.

– Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản; trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa.

(Xem hướng dẫn cách lập biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất

– Về xác định hành vi vi phạm: Người có thẩm quyền phải xác định cụ thể hành vi vi phạm của cá nhân/tổ chức là vi phạm điều, khoản nào của Nghị định 91/2019/NĐ-CP, trường hợp hành vi đó chưa được quy định trong Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì không lập biên bản vi phạm hành chính.

Khi đã xác định được hành vi vi phạm thì trong biên bản phải mô tả rõ thời gian thực hiện hành vi, kết thúc hành vi là khi nào để xác định thời hiệu, thời hạn xử phạt vi phạm hành chính. Đây là thông tin rất quan trọng để người có thẩm quyền xử phạt quyết định phạt tiền hay chỉ áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả khi đã hết thời hạn, thời hiệu xử phạt.

* Lưu ý xác định đối tượng đối với hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất hiện nay có 2 cách hiểu khác nhau. Một số ý kiến cho rằng phải lập biên bản và xử phạt người có tên trong bìa đỏ, có ý kiến cho rằng phải xử phạt người có hành vi vi phạm. Xem chi tiết tại đây

Bước 2. Ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

– Sau khi lập biên bản vi phạm hành chính nếu thuộc thẩm quyền thì người lập biên bản VPHC ban hành quyết định xử phạt VPHC, nếu vượt thẩm quyền thì chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa

+ Việc xác định thẩm quyền xử phạt căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt và biện pháp phạt bổ sung, biện pháp buộc khắc phục hậu quả để xác định.

Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ : Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
Xử phạt hành vi lấn chiếm đất chưa sử dụng

Ví dụ: Nguyễn Văn A có hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng với diện tích 0,4ha, căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

+ Trường hợp trên chúng ta căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt để xác định thẩm quyền. Ở đây khung tối đa là 15 triệu nên không thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã mà thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện.

(Hướng dẫn nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính)

– Thời hạn ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai là: Đối với vụ việc không thuộc trường hợp giải trình, xác minh, thời hạn ra quyết định xử phạt là 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính; vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 63 của Luật này;

  Đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan quy định tại Điều 59 của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính;

Đối với vụ việc thuộc trường hợp cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan quy định tại Điều 59 của Luật này mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 02 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

+ Trước khi ban hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt cần lưu ý: Nếu có căn cứ cho rằng việc xác lập biên bản, hành vi chưa đảm bảo, chưa đủ cơ sở để xử phạt thì có quyền giao nhiệm vụ cho cơ quan có thẩm quyền để tiến hành lập biên bản xác minh tình tiết vi phạm trước khi ban hành quyết định xử phạt.

+ Đối với những trường hợp mức phạt từ 15 triệu đồng trở lên đối với cá nhân và 30 triệu đồng trở lên đối với tổ chức thì phải để hết thời gian giải trình (2 ngày đối với giải trình trực tiếp, 5 ngày đối với giải trình bằng văn bản) mới được ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Hướng dẫn trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai mới nhất

+ Đối với những trường hợp đã hết thời hiệu xử phạt (hết 2 năm) hoặc quá thời hạn xử phạt (quá 7 ngày làm việc hoặc 30 ngày làm việc, 1 tháng hoặc 2 tháng tùy từng trường hợp) thì không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà ban hành quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả nếu hành vi đó Nghị định 91 có quy định tịch thu, buộc khắc phục hậu quả.

(Xác định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP)

– Mẫu quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả thực hiện theo mẫu của Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

– Sau khi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định buộc khắc phục hậu quả trong trường hợp không xử phạt thì phải gửi cho cá nhân/tổ chức vi phạm trong thời hạn 02 ngày làm việc. Việc gửi quyết định trực tiếp cho người vi phạm phải có biên bản ký nhận, có xác nhận của người chứng kiến hoặc đại diện chính quyền địa phương. Nếu gửi qua đường bưu điện thì phải gửi bằng hình thức thư đảm bảo, nội dung gửi phải ghi rõ quyết định, nếu người vi phạm không nhận thì gửi 3 lần.

* Lưu ý: Khi ban hành quyết định xử phạt: Phần căn cứ dùng chữ nghiêng, căn cứ cuối cùng dùng dấu chấm theo hướng dẫn thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản của Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư. Trường hợp cấp phó ký thì phải có Quyết định giao quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Bước 3. Thi hành quyết định xử phạt

– Cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thi hành quyết định phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc để cá nhân, tổ chức chấp hành việc nộp tiền phạt cũng như biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định. Việc đôn đốc thi hành quyết định xử phạt, khắc phục hậu quả phải thể hiện trong các văn bản như thông báo, công văn, biên bản làm việc…xem văn bản đôn đốc thi hành quyết định xử phạt tại đây

– Trường hợp quá thời gian ghi trong quyết định mà cá nhân không chấp hành nộp tiền phạt cũng như các biện pháp buộc khắc phục hậu quả thì cơ quan được giao nhiệm vụ thi hành quyết định tiến hành xác minh các thông tin về thu nhập, tiền lương, tài khoản của người vi phạm để tham mưu quyết định cưỡng chế thu tiền phạt cũng như tham mưu cưỡng chế thi hành biện pháp buộc khắc phục hậu quả.

Cưỡng chế khấu trừ tài khoản ngân hàng
Cưỡng chế khấu trừ tài khoản ngân hàng

Trường hợp nếu chưa có điều kiện thi hành cưỡng chế thu tiền phạt thì cần tham mưu cưỡng chế thi hành biện pháp khắc phục hậu quả trước, còn tiền phạt sẽ tiếp tục xác minh để cưỡng chế sau nhằm kịp thời chấm dứt, khắc phục hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai.

(Hướng dẫn cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản ngân hàng của cá nhân vi phạm hành chính)

– Biểu mẫu quyết định cưỡng chế thực hiện theo mẫu của Nghị định 118/2021/NĐ-CP.

* Lưu ý: Kể từ ngày 01/7/2020, theo Nghị định 19/2020/NĐ-CP về kiểm tra và xử lý kỷ luật trong thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì nếu không tổ chức thi hành quyết định xử phạt thì sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật.

Đối với Quyết định cưỡng chế thì cấp trưởng phải ký quyết định. Cấp phó chỉ ký quyết định cưỡng chế khi cấp trưởng vắng mặt và có Quyết định giao quyền. Khác với giao quyền xử phạt là thường xuyên còn giao quyền cưỡng chế chì thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt.

Bước 4. Tổ chức cưỡng chế

Sau khi ban hành quyết định cưỡng chế thu tiền phạt, cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả thì phải gửi NGAY cho cá nhân, tổ chức vi phạm để thi hành. Nếu quá thời hạn tự nguyện thi hành theo quyết định cưỡng chế mà họ không thi hành thì tổ chức cưỡng chế thu tiền phạt, cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả theo Nghị định 166/2013/NĐ-CP về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

(Hướng dẫn lập kế hoạch cưỡng chế vi phạm hành chính)

Trước khi tổ chức cưỡng chế thì người có thẩm quyền cần rà soát lại toàn bộ hồ sơ xử phạt để đảm bảo việc lập biên bản, ban hành quyết định xử phạt, quyết định cưỡng chế là đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; nếu qua rà soát có thiếu sót thì cần phải kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho đảm bảo. Cần có thông báo thời gian tổ chức thực hiện cưỡng chế cho người bị cưỡng chế biết. Xây dựng phương án, kế hoạch cưỡng chế để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên tham gia cũng như dự trù các tình huống có thể xảy ra để có phương án xử lý kịp thời.

Trên đây là hướng dẫn trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính cũng như việc tổ chức cưỡng chế vi phạm trên lĩnh vực đất đại. Bạn đọc nếu có ý kiến thắc mắc, phản hồi vui lòng ghi ở mục bình luận bên dưới bài viết.

(Vướng mắc xử phạt hành chính lĩnh vực đất đai theo Nghị định 91/2019)

(Xem hướng dẫn trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực xây dựng)

PHương Thảo

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *