Khi thực hiện hành vi vi phạm hành chính, bị lập biên bản vi phạm và ban hành quyết định xử phạt, quyết định cưỡng chế thì tổ chức, cá nhân vi phạm có một tên (ví dụ Tổ chức có tên Doanh nghiệp tư nhân Hồng Phát, cá nhân vi phạm có tên Nguyễn Văn Phát) nhưng khi chuẩn bị tổ chức cưỡng chế thì Doanh nghiệp, cá nhân vi phạm đã làm thủ tục thay đổi tên (ví dụ trước đây là doanh nghiệp Hồng Phát, giờ đổi thành doanh nghiệp Phát Hồng; cá nhân vi phạm trước đây là Nguyễn Văn Phát giờ đổi thành Nguyễn Phát Văn) thì có tiếp tục tổ chức cưỡng chế được hay không? cưỡng chế theo quyết định xử phạt, quyết định cưỡng chế đã ban hành hay là phải điều chỉnh thông tin tên tổ chức, cá nhân vi phạm rồi mới cưỡng chế hay là lập hồ sơ xử phạt mới?
Tổ chức, cá nhân vi phạm thay đổi thông tin
Thực tiễn thi hành quyết định cưỡng chế khi gặp tình huống trên có rất nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng khi doanh nghiệp, cá nhân vi phạm đã thay đổi tên gọi thì chủ thể vi phạm đã thay đổi so với biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, do đó không thể ban hành cũng như tổ chức cưỡng chế theo tên gọi cũ, vì thực tế nó không còn tồn tại. Do đó, phải lập lại hồ sơ vi phạm hành chính với thông tin mới và ban hành quyết định xử phạt, quyết định cưỡng chế mới.
Tuy nhiên, nếu thực hiện theo quan điểm này thì sẽ gặp một số vướng mắc như: Vi phạm nguyên tắc một hành vi phạm hành chính bị lập biên bản và ra quyết định xử phạt một lần (điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính, khoản 3 Điều 6 Nghị định 81/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật XLVPHC).
Một số ý kiến khác lại cho rằng không cần phải lập lại hồ sơ vi phạm mới mà chỉ cần điều chỉnh thông tin trong các biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định cưỡng chế rồi tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, nếu thực hiện theo ý kiến này thì sẽ không phù hợp với Nghị định 97/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 81/2013/NĐ-CP, cụ thể tại Điều 6a quy định về sửa đổi, bổ sung, đính chính quyết định xử lý vi phạm hành chính khi có sai sót về nội dung, kỹ thuật soạn thảo văn bản. Trường hợp này không có sai sót về nội dung cũng như kỹ thuật soạn thảo văn bản nên không có căn cứ để đính chính được.
Vẫn cưỡng chế theo quyết định đã ban hành
Quan điểm của trangtinphapluat.com cho rằng, các quan điểm trên đều có những ý đúng nhưng khi áp dụng sẽ không thật sự phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật Doanh nghiệp và các nghị định hướng dẫn thi hành 2 luật này, bởi vì:
– Không thể lập biên bản vi phạm hành chính rồi ra quyết định xử phạt mới sẽ vi phạm nguyên tắc một hành vi chỉ bị lập biên bản và ra quyết định xử phạt một lần (vi phạm điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính, khoản 3 Điều 6 Nghị định 81/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật XLVPHC).
(Hướng dẫn lập biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)
– Không thể sửa đổi, đính chính các biên bản, quyết định xử phạt, quyết định cưỡng chế bởi vì: Đối với biên bản VPHC chỉ có thể điều chỉnh các thông tin trước khi ban hành quyết định xử phạt (theo Điều 59 Luật XLVPHC về xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính thì: Khi xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp cần thiết người có thẩm quyền có trách nhiệm xác minh…
Đối với quyết định xử phạt, quyết định cưỡng chế thì không có căn cứ để đính chính , sửa đổi vì không có sai sót theo quy định tại Điều 6a của Nghị định 97/2017/NĐ-CP.
(Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung quyết định xử phạt vi phạm hành chính)
– Theo Khoản 3 Điều 41 Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp quy định “3. Việc thay đổi
tên của doanh nghiệp không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp”; và theo Khoản 3 Điều 28 Bộ luật Dân sự 2015 thì “3. Việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ.“.
Như vậy, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định hướng dẫn thi hành thì không thể lập hồ sơ xử phạt mới cũng như không có căn cứ điều chỉnh, sửa đổi quyết định khi cá nhân, tổ chức vi phạm thay đổi tên gọi; đồng thời căn cứ vào Bộ luật Dân sự và Nghị định 78/2015/NĐ-CP thì việc thay đổi tên gọi của doanh nghiệp, cá nhân không làm chấm dứt, thay đổi quyền và nghĩa vụ theo tên cũ, do đó cơ quan có thẩm quyền vẫn căn cứ vào quyết định xử phạt, quyết định cưỡng chế đã ban hành tổ chức cưỡng chế với cá nhân, tổ chức vi phạm đã thay đổi tên gọi.
Xem clip Hướng dẫn cưỡng chế hành chí khi tổ chức, cá nhân vi phạm thay đổi tên gọi, người đại diện theo pháp luật
Lưu ý khi cưỡng chế
Khi thực hiện cưỡng chế đối với trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính đã thay đổi tên gọi so với lúc xử phạt thì người ban hành quyết định cưỡng chế hoặc người được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện cưỡng chế cần thông báo thời gian tổ chức cưỡng chế cho doanh nghiệp, cá nhân vi phạm biết để chấp hành. Trong thông báo cần ghi rõ tên doanh nghiệp, cá nhân vi phạm cũ và mới.
Ví dụ nội dung thông báo:
Doanh nghiệp tư nhân Hồng Phát, cá nhân vi phạm có tên Nguyễn Văn Phát đã bị xử phạt vi phạm hành chính tại Quyết định 3456/QĐ-XPVPHC và bị cưỡng chế tại Quyết định 1234/QĐ-CC ngày 01/10/2019 (Nay đã đổi tên thành doanh nghiệp Phát Hồng; nay đổi thành Nguyễn Phát Văn theo Quyết định số 09/QĐ của cơ quan có thẩm quyền vào ngày 10/10/2019).
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính và các nghị định hướng dẫn thi hành; Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp và Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, Quyết định số 1234/QĐ-CC ngày 01/10/2019 của Chủ tịch UBND thành phố X về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính UBND phường Y thông báo thời gian, địa điểm cưỡng chế như sau:
+ Thời gian cưỡng chế: Bắt đầu vào lúc 8h00 phút ngày 15/10/2019.
+ Địa điểm: Tại hiện trường vi phạm…
UBND phường Y yêu cầu Doanh nghiệp tư nhân Hồng Phát, cá nhân vi phạm có tên Nguyễn Văn Phát đã bị xử phạt vi phạm hành chính tại Quyết định 3456/QĐ-XPVPHC và bị cưỡng chế tại Quyết định 1234/QĐ-CC ngày 01/10/2019 (Nay đã đổi tên thành doanh nghiệp Phát Hồng; nay đổi thành Nguyễn Phát Văn theo Quyết định số 09/QĐ của cơ quan có thẩm quyền vào ngày 10/10/2019) chấp hành nghiêm Quyết định 1234/QĐ-CC và di chuyển tài sản ra khỏi khu vực cưỡng chế trước 16h ngày 14/10/2019.
Nhận được thông báo này, yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm chấp hành nghiêm.
Tóm lại, đối với tổ chức, cá nhân vi phạm đã bị xử phạt mà sau đó thay đổi tên gọi thì vẫn tổ chức cưỡng chế theo quyết định xử phạt, quyết định cưỡng chế đã ban hành chứ không phải lập hồ sơ xử phạt mới cũng như điều chỉnh quyết định đã ban hành theo tên gọi mới.
(Hướng dẫn lập kế hoạch cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính)
Trangtinphapluat.com rất mong nhận được ý kiến phản hồi của bạn đọc về nội dung trên. Ý kiến vui lòng ghi ở mục bình luận bên dưới bài viết, cảm ơn.
Rubi
căn cứ vào khoản 3 điều 41 nghị định 78/2015-NĐCP :”việc thay đổi tên không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp”. Nghĩa vụ của doanh nghiệp được quy định tại Điều 8, Luật Doanh nghiệp 2014 như sau:
Điều 8. Nghĩa vụ của doanh nghiệp
– Đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.
– Tổ chức công tác kế toán, lập và nộp báo cáo tài chính trung thực, chính xác, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê.
– Kê khai thuế, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
– Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động; không được phân biệt đối xử và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động trong doanh nghiệp; không được sử dụng lao động cưỡng bức và lao động trẻ em; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật.
– Bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ theo tiêu chuẩn do pháp luật quy định hoặc tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc công bố.
– Thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động, báo cáo và các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó.
– Tuân thủ quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh.
– Thực hiện nghĩa vụ về đạo đức kinh doanh để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và người tiêu dùng.
việc chấp hành quyết định cưỡng chế có được xem là nghĩa vụ của doanh nghiệp hay không?
– Thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động, báo cáo và các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Ngay trong trích dẫn đã có rồi đó Nguyễn Văn Nhựt