Hiện nay Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực không có quy định biện pháp ngừng cung cấp điện, nước khi cá nhân, tổ chức vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến tính hiệu quả trong xử phạt vi phạm hành chính không cao, nhất là lĩnh vực vi phạm trật tự xây dựng đô thị.
Trước đây đã có quy định cắt điện, cắt nước
Trước đây, việc áp dụng biện pháp ngừng cung cấp điện đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng được thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 67 Luật xây dựng năm 2003, khoản 2 Điều 4 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng năm 2003 về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị.
Điểm b Khoản 1 Điều 12 Nghị định 180/2007/NĐ-CP quy định: Trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng phải bị đình chỉ thi công xây dựng, buộc phá dỡ công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị; đồng thời, áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác liên quan đến xây dựng công trình; cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu, công nhân vào thi công xây dựng.
Điều 43 Nghị định 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng quy định về biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp điện: “Cá nhân, tổ chức sử dụng điện bị xử phạt vi phạm mà không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì ngoài các biện pháp cưỡng chế quy định tại Khoản 2 Điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính có thể bị cưỡng chế thi hành bằng biện pháp ngừng cung cấp điện”.
(Xem các bài viết về hướng dẫn cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính)
Việc áp dụng biện pháp ngừng cung cấp điện, nước rất hiệu quả trong việc yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công các công trình vi phạm, không để vi phạm tiếp tục phát triển, gây khó khăn cho việc quản lý, tổ chức cưỡng chế sau này. Tuy nhiên, đến Luật xử lý vi phạm hành chính và các nghị định xử phạt hiện nay đã không còn biện pháp cắt điện, cắt nước.
Từ 2021 sẽ áp dụng cắt điện, cắt nước
Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đang lấy ý kiến Nhân dân thì bổ sung vào điểm đ Khoản 2 Điều 86 như sau: đ) Ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước và các hoạt động dịch vụ khác đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm.
Việc bổ sung biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước hiện có nhiều ý kiến khác nhau.
– Một số ý kiến cho rằng việc cung cấp điện, nước và các dịch vụ khác là quan hệ dân sự giữa nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng (khách hàng). Người dân vi phạm trật tự quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực xây dựng chứ không vi phạm hợp đồng điện, nước và các dịch vụ khác nên nhà cung cấp không có cơ sở để chấm dứt hợp đồng, càng không thể chấm dứt hợp đồng dân sự bằng quyết định hành chính của Nhà nước.
– Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cần coi đây là một biện pháp cưỡng chế mang tính quyền lực Nhà nước. Biện pháp này chỉ được áp dụng đối với những trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt nhất là các quyết định có áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả để bảo đảm trật tự, kỷ cương quản lý hành chính nhà nước. Qua thực tiễn chứng minh biện pháp này có hiệu quả cao trong cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, góp phần ngăn chặn triệt để những hành vi vi phạm hành chính nhất là hành vi vi phạm về trật tự xây dựng và với những công trình xây dựng trái phép có quy mô lớn.
Sự can thiệp của nhà nước trong trường hợp này cũng tương tự trường hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế “khấu trừ tiền từ tài khoản của của cá nhân, tổ chức vi phạm” được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 86 Luật XLVPHC. Giao dịch tiền tệ giữa ngân hàng, tổ chức tín dụng với các chủ tài khoản cũng là một quan hệ dân sự; tuy nhiên, khi cá nhân, tổ chức vi phạm (là chủ tài khoản) không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì ngân hàng, tổ chức tín dụng vẫn phải có trách nhiệm thực hiện việc “trích chuyển” số tiền tương đương với số tiền mà cá nhân, tổ chức phải nộp phạt theo yêu cầu của người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế mà không cần phải thỏa thuận với chủ tài khoản.
(Hướng dẫn khấu trừ tiền từ tài khoản ngân hàng của người vi phạm hành chính)
Trangtinphapluat.com đồng tình với quan điểm cần thiết phải bổ sung biện pháp ngừng cung cấp điện, cung cấp nước nhưng không chỉ áp dụng với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà áp dụng cả đối với tổ chức khác cũng như với các cá nhân vi phạm, như vậy mới đảm bảo sự bình đẳng giữa các chủ thể vi phạm hành chính.
Đề xuất bổ sung biện pháp ngừng cung cấp điện, cung cấp nước theo hướng: Ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước và các hoạt động dịch vụ khác đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.
Phương Thảo