Dự thảo Nghị định đã hợp nhất Nghị định 121/2013/NĐ-CP và Nghị định 180/2007/NĐ-CP và bổ sung, khắc phục những vướng mắc trong thời gian qua, cụ thể:
1. Dự thảo đã quy định cụ thể hành vi xây dựng trên đất không được phép xây dựng bao gồm:
a) Xây dựng trên nhóm đất nông nghiệp theo quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm c, Điểm d, Điểm đ, Điểm e và Điểm g, Khoản 1, Điều 10, Luật Đất đai;
b) Xây dựng trên nhóm đất chưa sử dụng theo quy định tại Khoản 3, Điều 10, Luật Đất đai.
c) Xây dựng lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê diều, năng lượng, khu di tích lịch sử – văn hóa và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật; xây dựng công trình ở khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống trừ công trình xây dựng để khắc phục những hiện tượng này.
Quy định này sẽ tạo thuận lợi trong quá trình phát hiện và xử phạt, bởi thực tế thời gian qua các cơ quan tham mưu chưa phân biệt được trường hợp nào là xây dựng trên đất không được phép xây dựng.
Tuy nhiên, cơ quan tham mưu cũng cần đối chiếu với các văn bản chuyên ngành như Nghị định 102/2014/NĐ-CP xử phạt trong lĩnh vực đất đai có quy định:
“Hành vi lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão và trong các lĩnh vực chuyên ngành khác”
Và theo Khoản 3 Điều 12 Nghị định 171/2013/NĐ-CP xử phạt trong lĩnh vực giao thông thì:
“Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Xây dựng nhà ở trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị;
Như vậy, hành vi xây dựng trên đất hành lang giao thông mức phạt theo Nghị định 121 thấp hơn rất nhiều so với dự thảo Nghị định đưa ra. Do đó đề nghị có sự thống nhất trong việc xử lý hành vi xây dựng trên đất không được phép xây dựng mà đã được các Nghị định chuyên ngành quy định thì xử lý theo Nghị định chuyên ngành để đảm bảo sự thống nhất trong quá trình áp dụng.
2. Quy định biện pháp buộc khắc phục hậu quả
Tại Điểm d Khoản 3 Điều 4 của dự thảo Nghị định quy định biện pháp: “Ngừng cung cấp điện, nước; cấm đưa công nhân, vật tư, vật liệu vào thi công xây dựng công trình vi phạm”. Đây khôgn phải là biện pháp buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra mà là một biện pháp ngăn chặn không cho hành vi vi phạm tiếp diễn.
(Tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính sẽ bị cắt điện, cắt nước)
3. Quy định xử lý hành vi cản trở người thi hành công vụ
Trong thời gian qua, do Nghị định không quy định cụ thể việc xử lý hành vi cản trở người thi hành công vụ trong quá trình lập biên bản, xử lý hành chính các đối tượng vi phạm thường xuyên chống đối nhưng cơ quan có thẩm quyền chưa biết cách xử lý. Dự thảo Nghị định tại Điều 9 quy định: “Tổ chức, cá nhân có hành vi chống đối hoặc cản trở người có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở thì bị xử phạt hành chính theo hình thức, mức phạt đối với hành vi chống đối hoặc cản trở người thi hành công vụ được quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự và an toàn xã hội.”
Quy định này sẽ tạo nhiều thuận lợi trong quá trình xử lý vi phạm hành chính.
4. Bỏ quy định xử phạt công trình xây dựng nhà ở nông thôn
Để phù hợp với Luật Xây dựng 2014, theo đó Công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn được miễn giấy phép xây dựng, dự thảo Nghị định bỏ quy định xử phạt nhà ở riêng lẻ ở nông thôn.
5. Quy định xử lý cụ thể trường hợp xây dựng công trình sai phép, không phép
Dự thảo quy định cụ thể trường hợp người vi pham xây dựng không phép, sai phép thì:
“Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm có quyền làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng.
Hết thời hạn quy định trên, tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ phần công trình, công trình xây dựng vi phạm.
Trường hợp phần công trình, công trình đã xây dựng không phù hợp với giấp phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh thì chủ đầu tư phải tự tháo dỡ phần công trình hoặc công trình đó mới được tiếp tục xây dựng.”
Tuy nhiên, quy định này sẽ gặp khó khăn trong quá trình cưỡng chế, bởi lẽ:
– Nếu để thời gian 60 ngày để người vi phạm lập thủ tục thì trong Quyết định xử phạt sẽ không có biện pháp khắc phục hậu quả tháo dỡ công trình xây dựng, do đó quá thời hạn 60 ngày thì sẽ CƯỠNG CHẾ như thế nào?
Cưỡng chế quyết định xử phạt thì được nhưng lại không có biện pháp khắc phục hậu quả cũng như không.
Nếu ban hành quyết định cưỡng chế buộc khăc phục hậu quả lại không đúng, vì đã ra quyết định xử phạt.
Vấn đề này đang vướng mắc trên thực tế khi thực hiện Nghị định 121 và Nghị định 180, do đó cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu quy định cho phù hợp với Luật XLVPHC và Nghị định 166/2013/NĐ-CP về cưỡng chế quyết định xử phạt hành chính.
6. Quy định cụ thể thẩm quyền áp dụng biện pháp buộc phá dỡ công trình
Hiện nay có nhiều cách hiểu về thẩm quyền cưỡng chế phá dỡ công trình, một số ý kiến căn cứ Nghị định 180 cho rằng UBND xã, phường có thẩm quyền cưỡng chế phá dỡ công trình, một số ý kiến căn cứ vào Thông tư 02/2014/TT-BXD hướng dẫn Nghị định 121 thì cho rằng thẩm quyền cưỡng chế thuộc về cơ quan cấp phép, UBND xã, phường không có thẩm quyền cấp phép nên không có quyền ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ. Do đó, trong thời gian qua việc hiểu và áp dụng pháp luật là không thống nhất.
Dự thảo Nghị định quy định cụ thể thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã có quyền:
– Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;
– Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường;
– Ngừng cung cấp điện, nước; cấm đưa công nhân, vật tư, vật liệu vào thi công xây dựng công trình vi phạm;
Như vậy, dự thảo đã xác định Chủ tịch UBND cấp xã không có thẩm quyền áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
Thẩm quyền này thuộc về Chủ tịch UBND cấp huyện và các cơ quan cấp trên.
So với Nghị định 121 và Nghị định 180 thì dự thảo lần này có nhiều điểm mới, phù hợp với thực tiễn, tuy nhiễn vẫn còn những hạn chế, bất cập đã nêu ở trên, kính đề nghị cơ quan tham mưu nghiên cứu chỉnh sửa để khi ban hành các cơ quan dễ áp dụng.
Nguyễn Quốc Sử
em cảm ơn anh Sử ạ!
Nhưng anh ơi, thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã có quyền:
– “Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” thì có thểm hiểu là “buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm” không anh? hay hai khái niệm này khác nhau như nào ạ?
2 cái này khác nhau, trong dự thảo quy định cấp xã không có quyền phá dỡ công trình nhưng UBND cấp huyện lại có, em xem kỹ nhé
Phải nên bỏ cả điều khoản này: Ngừng cung cấp điện, nước; cấm đưa công nhân, vật tư, vật liệu vào thi công xây dựng công trình vi phạm; vì luật Xây dựng năm 2014 không quy định.
cảm ơn bạn đã quan tâm góp ý