Thời hạn sửa đổi, hủy bỏ, ban hành mới quyết định xử lý vi phạm hành chính lần đầu tiên được quy định tại Nghị định 97/2017/NĐ-CP.
Cụ thể theo Nghị định 97/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 05/10/2017, theo đó có rất nhiều quy định mới, sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn như các biểu mẫu, về giao quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản…trong đó có nội dung rất quan trọng đó là sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ quyết định xử phạt hành chính, ban hành mới quyết định xử lý vi phạm hành chính.
Hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Nghị định 97/2017/NĐ-CP đã bổ sung các điều 6a, 6b, 6c quy định rõ về các trường hợp, thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, đính chính, ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính mới. Và cũng quy định rõ thời hạn thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính, ban hành quyết định mới về xử lý vi phạm hành chính, cụ thể: “Thời hạn thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ, ban hành quyết định mới về xử lý vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, trừ trường hợp hết thời hiệu quy định tại điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính.”
Như vậy, theo Điều 6c của Nghị định 97 thì thời hạn chung để ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính, ban hành quyết định mới xử lý vi phạm hành chính là 01 năm kể từ ngày ra quyết định. Quy định này đã rõ, không có gì phải bàn. Tuy nhiên, cũng tại Điều 6c lại quy định “trừ trường hợp hết thời hiệu quy định tại Điểm a Khoản 1 và Điểm a Khoản 2 Điều 6 Luật XLVPHC”, quy định này không rõ ràng, nhiều bạn đọc thắc mắc phải hiểu như thế nào cho đúng.
(Các sai sót thường gặp trong xử lý vi phạm hành chính)
Thời hạn sửa đổi, bổ sung là 1 năm?
Một số ý kiến cho rằng: Quy định trên có thể hiểu là thời hạn sửa đổi, bổ sung, đính chỉnh, hủy bỏ, ban hành mới QĐXLVPHC là 01 năm, còn các trường hợp tại điểm a,khoản 1 và điểm a khoản 2 điều 6 Luật XLVPHC thì không tính thời hạn, nghĩa là ban hành lúc nào cũng được.
Vậy, quy định tại Điều 6c hiểu thế nào cho đúng?
Theo quan điểm của người viết thì Điều 6c được hiểu như sau:
Về nguyên tắc chung thời hạn ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính, ban hành QĐXLVPHC mới là 01 năm, bởi vì theo Luật Xử lý vi phạm hành chính tại Điều 74 quy định thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện thuộc loại cấm lưu hành, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp cần thiết để bảo vệ môi trường, bảo đảm giao thông, xây dựng và an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Do đó nếu hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt thì không thể sửa đổi, bổ sung …quyết định đó được.
(Thẩm quyền hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuộc về ai? Người ban hành hay cấp trên?)
Đối với trường hợp loại trừ tại Điều 6c “trừ trường hợp hết thời hiệu quy định tại Điểm a Khoản 1 và Điểm a Khoản 2 Điều 6 Luật XLVPHC”, được hiểu như sau:
Xem video hướng dẫn cách xác định thời hiệu, thời hạn xử phạt vi phạm hành chính
Theo Điều 6 của Luật xử lý vi phạm hành chính thì quy định về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính là 01 năm hoặc 02 năm tùy lĩnh vực. Và tại Điều 65 Luật XLVPHC thì trường hợp hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì không ban hành quyết định xử phạt hành chính mà có thể ra quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này. Mà các quyết định này thì Luật XLVPHC không có quy định về thời hiệu, do đó có thể sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ, ban hành mới bất cứ lúc nào nếu phát hiện thấy sai sót.
(Quy định về hủy bỏ, ban hành mới quyết định xử lý vi phạm hành chính)
Tóm lại, đối với các quyết định có hình thức xử phạt tiền thì nếu có sai sót thì thời hạn sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành mới là 01 năm kể từ ngày ban hành quyết định. Riêng đối với trường hợp áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính ban hành kèm theo quyết định xử phạt hoặc trường hợp ban hành độc lập (do hết thời hạn, thời hiệu…xử phạt) thì cho dù hết 1 năm nếu phát hiện có sai sót thì có quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành mới để tiếp tục thực hiện để khắc phục được các hậu quả do vi phạm hành chính gây ra.
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc.
- trangtinphapluat.com đã cập nhật về các trường hợp không áp dụng thời hạn sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, đính chính quyết định hành chính theo Nghị định 118/2021/NĐ-CP thay thế Nghị định 97/2017/NĐ-CP, cụ thể:
Theo khoản 2 Điều 15 Không áp dụng thời hạn đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định quy định tại điểm a khoản 1 Điều này đối với các trường hợp sau đây:
a) Quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính;
b) Có quyết định giải quyết khiếu nại của người hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về việc phải sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định;
c) Có kết luận nội dung tố cáo của người hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo về việc phải sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định;
d) Có bản án, quyết định của Tòa án về việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định bị khởi kiện.