Một số bạn đọc đề nghị trangtinphapluat.com cho biết trước khi tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính (phần áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả) thì phải thông báo thời gian cưỡng chế cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế trước mấy ngày?. Và cơ quan nào phải thông báo thời gian tổ chức cưỡng chế?.
Thông báo thời gian cưỡng chế
Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 166/2013/NĐ-CP hướn dẫn cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính không có quy định về thông báo thời gian tổ chức cưỡng chế cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, chỉ có quy định về thời gian gửi quyết định cưỡng chế và thời gian thi hành quyết định cưỡng chế.
(Xem bài viết vướng mắc thi hành quyết định cưỡng chế)
Cụ thể, quyết định cưỡng chế phải được gửi ngay cho cá nhân, tổ chức vi phạm và thời gian thi hành quyết định cưỡng chế là 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, trừ trường hợp trong quyết định cưỡng chế có ghi thời hạn dài hơn 15 ngày (Điều 5 Nghị định 166/2013/NĐ-CP).
Gửi thông báo trước ít nhất 5 ngày
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 166/2013/NĐ-CP thì:
“Lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc quyết định cưỡng chế của các cơ quan nhà nước khác khi được yêu cầu.
(Thi hành quyết định cưỡng chế VPHC người dân không phối hợp, xử lý thế nào?)
Trường hợp có yêu cầu lực lượng Cảnh sát nhân dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế thì cơ quan chủ trì thi hành quyết định cưỡng chế phải gửi văn bản yêu cầu đến cơ quan Công an cùng cấp 05 ngày làm việc trước khi thực hiện cưỡng chế để bố trí lực lượng“.
Như vậy, trước khi tổ chức thực hiện cưỡng chế thì cơ quan chủ trì tổ chức cưỡng chế phải gửi thông báo đến cơ quan Công an cùng cấp tối thiểu là 5 ngày làm việc để chuẩn bị lực lượng, phương án bảo vệ an toàn cho việc cưỡng chế.
Và trước đây, theo Khoản 2 Điều 6 Nghị định 37/2005/NĐ-CP quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (được thay thế bởi Nghị định 166/2013/NĐ-CP), có quy định: “Quyết định cưỡng chế phải được gửi cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, cá nhân, tổ chức có liên quan 5 ngày trước khi tiến hành cưỡng chế“.
Do đó, mặc dù Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 166/2013/NĐ-CP không có quy định về việc phải thông báo thời gian tổ chức thực hiện cưỡng chế cho cá nhân, tổ chức vi phạm nhưng theo quan điểm của trangtinphapluat.com thì phải thông báo cho cá nhân, tổ chức vi phạm biết, bởi vì:
– Nhằm đảm bảo nguyên tắc công khai theo Điểm b Khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính, tức là cá nhân, tổ chức vi phạm phải biết được thời gian nào thực hiện cưỡng chế, vì trong quyết định cưỡng chế chỉ nói thời gian là 15 ngày hoặc nhiều hơn kể từ này nhận được quyết định cưỡng chế thì tổ chức cưỡng chế, không nói thời gian cụ thể thực hiện cưỡng chế và tại Điều 4 quyết định cưỡng chế có quy định trong thời gian bao nhiêu ngày đó kể từ này nhận được quyết định cưỡng chếngười vi phạm phải tự thực hiện, nếu không sẽ bị cưỡng chế.
(Hướng dẫn Cưỡng chế khi tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính thay đổi tên gọi)
– Việc thông báo trước thời gian cưỡng chế cho cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ giúp người vi phạm có thể tự giác thực hiện quyết định cưỡng chế, giảm thiệt hại cho người vi phạm cũng như nhà nước. Việc thông báo trước thời gian cưỡng chế phù hợp với Khoản 2 Điều 34 Nghị định 166/2013/NĐ-CP: “Trước khi tiến hành cưỡng chế, nếu cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tự nguyện thi hành thì cơ quan chủ trì cưỡng chế lập biên bản công nhận sự tự nguyện thi hành”.
– Và trong thực tiễn xét xử thì Tòa án cũng yêu cầu cơ quan chủ trì cưỡng chế phải thông báo trước thời gian cưỡng chế cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, cụ thể:
Tại Bản án số 04/2017HC-PT ngày 22/8/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa về khiếu kiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chếquyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Tòa án nhận định: Việc UBND xã ấn định thời gian tổ chức cưỡng chế sau 2 ngày kể từ ngày ra Thông báo là chưa phù hợp, không đủ thời gian để ông P tự tháo dỡ nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.
Vậy, thời gian thông báo trước bao lâu là phù hợp?
Theo quan điểm của trangtinphapluat.com thì thời gian thông báo cho cá nhân, tổ chức vi phạm trước tối thiểu 5 ngày tổ chức cưỡng chế là phù hợp, vận dụng theo Khoản 1 Điều 7 Nghị định 166/2013/NĐ-CP thì cơ quan chủ trì cưỡng chế phải gửi yêu cầu cho lực lượng cảnh sát trước 5 ngày làm việc, và từ thực tiễn Bản án số 04 nêu trên thì thời gian 5 ngày đủ để người vi phạm tự khắc phục hậu quả, giảm thiệt hại cho người vi phạm nếu để cưỡng chế.
Ai là người ra thông báo cưỡng chế
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 Nghị định 166/2013/NĐ-CP thì: Khi nhận được quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế phải phối hợp với các cơ quan có liên quan huy động lực lượng, phương tiện để thực hiện biện pháp đã ghi trong quyết định.
(Cưỡng chế Tháo dỡ hay phá dỡ công trình xây dựng không phép, sai phép?)
Căn cứ vào quy định trên thì cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ tổ chức cưỡng chế ban hành thông báo thời gian tổ chức cưỡng chế cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế. Thông báo cưỡng chế phải gửi cho cá nhân, tổ chức vi phạm bằng hình thức trực tiếp, phát trên loa truyền thanh, niêm yết tại nơi ở, công trình vi phạm…để cho cá nhân, tổ chức vi phạm biết, thực hiện.
Mẫu thông báo thời gian cưỡng chế
Trangtinphapluat.com soạn mẫu thông báo thời gian cưỡng chế để bạn đọc tham khảo, áp dụng trong quá trình thực hiện quyết định cưỡng chế vi phạm hành chính:
(Tải tất cả biểu mẫu trong xử phạt vi phạm hành chính mới nhất)
CƠ QUAN RA THÔNG BÁO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:…./TB- | …………………… , ngày…. tháng…. năm…. |
THÔNG BÁO
Thời gian tổ chức thi hành Quyết định cưỡng chế áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả
Kính gửi: Tên cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế.
Thực hiện Quyết định số /QĐ-CCXP ngày tháng năm 2019 của Chủ tịch UBND huyện X, tỉnh Y về cưỡng chế áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả đối với:
Ông/bà: Nguyễn Văn A
Ngày, tháng, năm sinh:…./…./…….. ……………. Quốc tịch: ………………………………
Nghề nghiệp:……………………………………………………………………………………………
Nơi ở hiện tại: ………………………………………………………………………………………….
Số định danh cá nhân/CMND/Hộ chiếu:………………….; ngày cấp:…./…./……..;
nơi cấp: …………………………………………………………………………………………………………
Nay, ‘Tên cơ quan cưỡng chế’ thông báo thời gian tổ chức cưỡng chế Quyết định số…../QĐ-CCXP như sau:
Vào lúc: 8h ngày tháng năm
Địa điểm: Tại công trình vi phạm…(nêu cụ thể địa điểm theo quyết định cưỡng chế)
Vậy, “Tên cơ quan cưỡng chế” thông báo cho ông/bà biết, yêu cầu ông/bà chấp hành quyết định cưỡng chế số….QĐ-CCXP của Chủ tịch UBND huyện X.
Nơi nhận: – Như kính gửi; – Cơ quan phối hợp cưỡng chế | NGƯỜI RA THÔNG BÁO |
Em đọc bài “Quy định về thông báo thời gian cưỡng chế vi phạm hành chính” của anh. Xong am đọc Bản án số 04/2017HC-PT ngày 22/8/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa về khiếu kiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Em có ý kiến như sau!
Tại mục 7 phần nhận định của Toàn án “QĐ cưỡng chế số 71 ấn định thời gian cưỡng chế là ngày 04/11/2016 là chưa đủ 15 ngày kể từ ngày ban hành quyết định”
– Theo em cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế, phải cưỡng chế trong phạm vi 15 ngày là đúng, nếu qua 15 ngày mà cưỡng chế là vi phạm, sao Tào án lại đánh giá như vậy?
Em cảm ơn a!
Đúng như vậy, anh cũng cho rằng Tòa án nhận định như vậy là không đúng, vì thời gian tổ chức cưỡng chế là 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thì trong thời hạn 15 ngày đó có quyền tổ chức thực hiện chứ không phải hết 15 ngày mới cưỡng chế. Hiểu như vậy là sai với Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 166/2013/NĐ-CP