Những vướng mắc của Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt VPHC lĩnh vực an ninh trật tự

Trangtinphapluat.com tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong 5 năm thi hành Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

1. Về các hành vi vi phạm:          

+ Một số quy định trong Nghị định số 167 liên quan đến các hành vi lợi dụng kinh doanh để thực hiện các hành vi mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh chưa hướng dẫn cụ thể dẫn đến việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, khó xử phạt các cơ sở kinh doanh dịch vụ khi nhân viên các cơ sở này có hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống mại dâm tại cơ sở.

+ Việc xác định thiệt hại do cháy, nổ gây ra, để làm căn cứ xử lý theo Điều 47, 48 Nghị định số 167 chỉ dựa vào lời khai cùa những người bị thiệt hại, vì hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn xác định giá tài sản thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Những vướng mắc của Nghị định 167 về xử phạt VPHC lĩnh vực an ninh trật tự, bạo lực gia đình
Những vướng mắc của Nghị định 167 về xử phạt VPHC lĩnh vực an ninh trật tự, bạo lực gia đình

+ Một số hành vi còn chưa cập nhật với một số quy định mới ban hành như: Bộ Luật hình sự sửa đổi 2017, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ năm 2017, Nghị định số 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Nghị định số 99/2016/NĐ-CP quy định về quản lý và sử dụng con dấu.

+ Việc xử lý hành chính đối với hoạt động cho vay này cũng không hiệu quả, theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP chỉ quy định xử phạt đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản mà không có quy định xử phạt với hành vi cho vay lãi nặng không cầm cố tài sản. Điều này dẫn đến việc xử phạt hành chính đối với hành vi cho vay lãi nặng rất khó thực hiện. Từ đó dẫn đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi cho vay lãi nặng, thu lợi bất chính dưới 30 triệu đồng nhưng trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi này trong giai đoạn hiện nay hầu như là không thực hiện được.

+ Về quy định bảo đảm sự yên tĩnh chung, tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định số 167 quy định: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau”. Hiện nay, tình trạng sử dụng các loại loa di động, công suất lớn để phục vụ hát karaoke, quảng cáo tại các cửa hàng thời trang, điện tử, điện máy,… ở khu vực đô thị rất phổ biến, làm cho người dân sống gần các khu vực này rất khó chịu, thường xuyên phản ánh lên cơ quan Công an. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định trên để xử phạt đối tượng vi phạm rất khó thực hiện, vì khi lập biên bản vi phạm hành chính, phải chứng minh được nguồn gây ra tiếng ồn vượt mức cho phép, cần sử dụng các thiết bị đo đạc chuyên dụng.

2.Về mức phạt:

Một số hành vi còn thiếu biện pháp khắc phục hậu quả và có mức phạt tương đối thấp chưa có tính răn đe; đặc biệt trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; dẫn đến tình trạng một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hiện đang tồn tại tâm lý chấp nhận nộp phạt vi phạm hành chính vẫn có lợi hơn so với việc chấp hành đúng quy định của pháp luật hoặc vẫn có tư tưởng xem nhẹ sai phạm đó.

Vấn đề thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị giới hạn theo thẩm quyền phạt tiền (Từ Điều 38 đến Điều 51 Luật XLVPHC): Luật XLVPHC quy định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị giới hạn theo thẩm quyền phạt tiền làm phát sinh nhiều vụ việc vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của cơ quan cấp dưới bị dồn lên cơ quan cấp trên giải quyết, không bảo đảm tính kịp thời, nhanh chóng trong việc xử phạt.

3. Về thẩm quyền:

Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 167 đã phân định thẩm quyền khá cụ thể tuy nhiên, hiện nay nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đã thay đổi hoặc không còn nữa hoặc phát sinh thêm một số chức danh do việc phân, tách, thành lập mới các cơ quan quản lý nhà nước.

Điều 54, Điều 87, Điều 123 Luật XLVPHC quy định vấn đề giao quyền xử phạt cho cấp phó, nhưng lại chưa có quy định cũng như hướng dẫn việc cấp phó được giao quyền có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến các cách hiểu và áp dụng khác nhau. Đồng thời, Luật XLVPHC và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng chưa có hướng dẫn cụ thể xác định trường hợp cấp trưởng “vắng mặt” (Điều 87) là như thế nào, gây lúng túng trong việc áp dụng trên thực tế.

(Hướng dẫn về giao quyền xử phạt vi phạm hành chính)

Khoản 2 Điều 71 Nghị định số 167 quy định người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình còn chung chung, dẫn đến áp dụng không thống nhất.

(Hướng dẫn cách lập biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)

Các sai sót thường gặp trong xử lý vi phạm hành chính
Hướng dẫn lập biên bản VPHC

Nghị định chưa quy định thẩm quyền xử phạt của quản lý thị trường đối với các hành vi vi phạm về phòng cháy nổ và kinh doanh nghành nghề có điều kiện về an, trật tự. Thực tế nhiều trường hợp lực lượng quản lý thị trường phát hiện hàng hóa dễ cháy nổ như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng… vận chuyển trên đường không có hóa đơn, không đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy nhưng vì không được giao thẩm quyền xử phạt nên không thể xử lý được.

4. Về cưỡng chế xử phạt VPHC

Đối với công tác cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng gặp nhiều khó khăn do một số cơ quan, đơn vị còn e ngại khi tổ chức cưỡng chế vì thủ tục cưỡng chế rất phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị. Mặt khác, cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế thường không hợp tác hoặc không đủ điều kiện, không có tài sản để kê biên, thậm chí có vụ việc tài sản cưỡng chế không đủ để bù đắp chi phí tổ chức cưỡng chế. Cá biệt, đối với các đối tượng có nơi cư trú không ổn định hoặc tỉnh ngoài, sau khi ra quyết định xử phạt hành chính, nếu đối tượng không chấp hành thì cũng chưa có quy định nào để cưỡng chế đối tượng chấp hành quyết định đó.

          Việc cưỡng chế thi hành đối với những đối lượng chây ì chưa có chế tài cụ thể, gây khó khăn trong công tác xử lý, hạn chế tính nghiêm minh của pháp luật. Công tác đôn đốc nộp phạt với các đối tượng không có khả năng, điều kiện về tài chính còn hạn chế, nhất là theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì chỉ những Quyết định nào có mức phạt trên 3.000.000 đồng mới được đề xuất miễn, giảm hình phạt. Điều này đã gây ra không ít khó khăn trong việc xử lý đối với những Quyết định có mức phạt thấp hơn.

(Hướng dẫn cưỡng chế khấu trừ tiền phạt của người vi phạm tại ngân hàng thương mại)

          Có nhiều trường hợp người vi phạm bị xử lý hành chính không nộp tiền phạt. Theo quy định sau 10 ngày giao quyết định nếu người vi phạm không chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành. Tuy nhiên, quy trình thực hiện cưỡng chế hành chính chưa có quy định cụ thể nên khó khăn cho việc thi hành cưỡng chế hành chính. Do đó, nhiều trường hợp vi phạm hành chính đến 2 lần vẫn không chấp hành việc nộp phạt.

5. Một số vướng mắc khác

          Việc thực hiện các hình thức phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn, tịch thu giấy phép, tiêu hủy đồ vật tài sản bị thu giữ còn chưa được chú trọng. Đặc biệt việc tịch thu, tiêu hủy các đồ vật có giá trị không lớn hoặc không có giá trị như bộ tú để chơi đánh bạc, ma túy… thủ tục còn phức tạp nên nhiều đơn vị mới chỉ xử lý vi phạm mà không quan tâm nhiều đến vấn đề này.

(Tổng hợp quy định pháp luật quy định về nơi công cộng)

          Về áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ người theo thủ tục hành chính: Điều 122 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định chỉ được áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay nhưng hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác. Việc quy định quá hạn hẹp những trường hợp được áp dụng biện pháp giữ người theo thủ tục hành chính đã gây khó khăn trong quá trình áp dụng, trong nhiều trường hợp đối tượng có nhiều hành vi vi phạm khác nhau như đánh bạc, trộm cắp tài sản…, cần có thời gian đế xác minh, làm rõ hành vi, hậu quả, thiệt hại, đặc biệt là xác minh về nhân thân của các đối tượng vi phạm để xử lý theo đúng quy định pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm (nhất là đối với những tội có quy định đã bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi trên) nhưng đối tượng lại không có nơi cư trú ổn định, nếu không tạm giữ hành chính thì đối tượng bỏ trốn, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý về sau.

Trên đây là một số khó khăn, vướng mắc khi thi hành Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *