Trong thực tiễn xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là ở địa phương thì nhiều trường hợp phần căn cứ ban hành văn bản quy phạm pháp luật bên cạnh các văn bản quy phạm pháp luật của trung ương thì còn có nhiều văn bản hành chính thông thường của Trung ương quy định về nội dung liên quan đến văn bản quy phạm pháp luật mà địa phương sẽ ban hành. Trong trường hợp này văn bản quy phạm pháp luật có được căn cứ văn bản hành chính để ban hành hay không?
Theo quy định tại Điều 61 của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, quy định: “Căn cứ ban hành văn bản là văn bản QPPL có hiệu lực pháp lý cao hơn đang có hiệu lực hoặc đã được công bố hoặc ký ban hành chưa có hiệu lực nhưng phải có hiệu lực trước hoặc cùng thời điểm với văn bản được ban hành. Căn cứ ban hành văn bản bao gồm văn bản QPPL quy định thẩm quyền, chức năng của cơ quan ban hành văn bản đó và văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn quy định nội dung, cơ sở để ban hành văn bản. (2) Văn bản QPPL có hiệu lực pháp lý cao hơn có điều, khoản giao quy định chi tiết thì tại văn bản quy định chi tiết phải nêu cụ thể điều, khoản đó tại phần căn cứ ban hành văn bản”.
Như vậy, theo Nghị định 34 thì căn cứ để ban hành văn bản QPPL phải là văn bản QPPL, chứ không phải văn bản hành chính thông thường. Tuy nhiên, để đưa các văn bản hành chính thông thường có nội dung liên quan đến văn bản QPPL sẽ ban hành thì phần căn cứ ban hành văn bản, HĐND, UBND các cấp cần ghi theo hướng “để thực hiện Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 01/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ…” vừa đảm bảo không căn cứ văn bản hành chính để ban hành văn bản quy phạm pháp luật, vừa đảm bảo được sự phù hợp nội dung văn bản với các văn bản hành chính cấp trên có liên quan đến nội dung văn bản quy phạm pháp luật mà địa phương ban hành.
(Xem căn cứ để ban hành quyết định hành chính)
rubi